Hóa đơn taxi, mạnh ai nấy làm

TP - Chưa đầy 2 năm nữa, quy định tất cả taxi phải có thiết bị in hóa đơn. Tuy nhiên, nếu không sớm ban hành quy chuẩn, thiết bị này sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát như “hộp đen” trước đây, lãng phí lớn và thiệt hại lại đổ lên hành khách.

Hóa đơn taxi, mạnh ai nấy làm ảnh 1 Một dạng hóa đơn taxi đang được thử nghiệm tại Hà Nội

Mỗi hãng một kiểu

Trên chiếc taxi Long Biên (hoạt động chủ yếu ở phía đông Hà Nội), lái xe số hiệu 65 giới thiệu về thiết bị màu đen to bằng nắm tay, đặt cạnh đồng hồ tính cước: “Đây là máy in hóa đơn, lát nữa dừng xe, tôi sẽ in thử gửi anh”. Sau vài nút bấm kêu tít tít, từ chiếc máy tuồn ra một mẩu giấy nhỏ in đen trắng có nội dung: Tên hãng, biển số xe, giờ lên xe, giờ xuống xe, thời gian chờ, đơn giá và tổng số tiền phải trả.

“Anh cầm phiếu này có thể dùng để thanh toán với cơ quan hoặc có khiếu nại gì về cước anh gọi điện cho hãng” – lái xe này nói và cho biết thêm, đây là loại máy in hóa đơn thứ 2, hãng lắp trên xe.

Một lãnh đạo hãng taxi Thành Công (Hà Nội) cho biết, vừa kết hợp với Ngân hàng Ocean Bank lắp đặt máy thanh toán thẻ kèm chức năng in hóa đơn cho hơn 1.000 chiếc ô tô. Nội dung hóa đơn chỉ ghi số hiệu của máy thanh toán, đơn giá và tổng số tiền phải trả.

Số ki lô mét đã đi, thời gian, địa điểm xuất phát- một trong những nội dung làm cơ sở cho khách khiếu nại về cước không có. Những hãng cũng lắp loại máy in kiêm máy thanh toán thẻ này còn có Taxi Group hay Mai Linh.

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô vừa được Chính phủ ban hành: Từ ngày 1/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.

Ông Đỗ Tất Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, đồng thời là GĐ Hãng Taxi 52 cũng đã thử nghiệm lắp máy in hóa đơn cho vài chục xe của mình nói: “Nhiều hãng sản xuất máy in hóa đơn mời chào.

Các loại máy này do doanh nghiệp trong nước sản xuất hoặc nhập về từ Trung Quốc. Có cái tốt, có cái dùng thường xuyên bị trục trặc. Hiện chưa bắt buộc, nhưng chúng tôi lắp để thăm dò thị hiếu khách hàng và thử độ bền các loại máy” – ông Bình nói.

Theo ông Bình, chi phí mua mỗi máy in dao động từ 1-1,5 triệu đồng. Ngoài ra, khi lắp máy in thường kéo theo việc phải thay luôn đồng hồ tính cước. Bởi vì, đa phần đồng hồ chưa có chức năng kết nối với máy in hóa đơn. Cộng với phí kiểm định, thời gian xe dừng hoạt động để lắt đặt, theo ông Bình, chi phí cho mỗi xe không dưới 5 triệu đồng.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện cả nước có khoảng 50.000 taxi; nhân với chi phí mỗi đầu xe như trên sẽ tốn khoảng 250 tỷ đồng. “Các hãng nghiêm túc chấp hành quy định quản lý. Tuy nhiên nếu không sớm ban hành quy chuẩn của loại máy, nội dung in; nhiều khả năng hãng sẽ phải thay đi thay lại, chi phí phát sinh sẽ rất lớn. Lúc đó, hãng sẽ không gánh nổi, phải tăng cước, cuối cùng chịu thiệt lại là người tiêu dùng” – ông Bình nói.

Các bộ “nhìn nhau”

Mục tiêu của Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ phê duyệt phương án lắp đặt loại thiết bị này nhằm tạo thuận lợi cho hành khách có được hóa đơn thanh toán và dễ dàng kiểm soát tình trạng lái xe gian lận cước. Đây cũng là điều kỳ vọng của cơ quan quản lý về thiết bị làm cơ sở để tính thuế cho doanh nghiệp taxi.

Tuy nhiên, trả lời Tiền Phong, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, tiêu chuẩn, quy chuẩn về máy in trên taxi không thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, mà thuộc quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ. Nội dung trong hóa đơn cũng thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

Theo ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, với mục tiêu đặt ra, đòi hỏi máy in và nội dung hóa đơn taxi phải đảm bảo yêu cầu về tài chính lẫn các nội dung kiểm soát về vận tải. Thậm chí, một chuyên gia về giám sát hành trình cho rằng, để hóa đơn thực sự trở thành “lá bùa hộ mệnh” cho hành khách trước nạn gian lận cước; ngoài các thông tin về thời gian, địa điểm, chi phí chuyến đi; cần bổ sung thêm vào nội dung hóa đơn lộ trình thông qua dữ liệu từ hộp đen (cũng sẽ bắt buộc lắp trên taxi).

Việc quản lý thuế với các hãng taxi hiện nay chủ yếu trông chờ vào sự tự giác kê khai của lái xe hoặc lãnh đạo công ty taxi. Với hóa đơn này, qua thời gian thử nghiệm, ông Đỗ Tất Bình cho biết, số lượng khách lấy hóa đơn (làm cơ sở để tính thuế) mỗi tháng trên một xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nếu coi hóa đơn taxi làm cơ sở để tính thuế cũng không chính xác” – ông Bình thừa nhận.

Sau khi trao đổi về các nội dung trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vận tải cho biết sẽ báo cáo để nghiên cứu cập nhật các kiến nghị trên vào dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định vừa ban hành.

MỚI - NÓNG