Hiroshima: Nụ cười hồi sinh

Hiroshima: Nụ cười hồi sinh
TP - Tôi chạm vào Hiroshima trong một buổi chiều đầu hè. Không khí mát mẻ của mùa xuân còn lẩn quất trên ngọn núi cao, nơi chiếc máy bay đưa tôi từ Tokyo đến. Cả thành phố hiện ra, hiền hòa duyên dáng như một thôn nữ, không giống những hình dung của tôi về Hiroshima trước đó, đổ nát và mưng mủ sau quả bom khủng khiếp ngày 6/8/1945.

> Nhật Bản kỷ niệm 67 năm vụ ném bom nguyên tử Hiroshima

Nhà bom: Vết tích duy nhất còn sót lại sau vụ ném bom nguyên tử
Nhà bom: Vết tích duy nhất còn sót lại sau vụ ném bom nguyên tử.

Tôi đã đọc, đã nghe và đã nghĩ về Hiroshima với tất cả sự đau đớn của một con người đã trải qua chiến tranh và sợ hãi chiến tranh. Tôi hình dung về quầng sáng lóa mắt trên đầu, về sức nóng của những lò lửa hỏa ngục 3.000 độ C phủ xuống, tất cả tro tàn…thế nhưng Hiroshima lại đón tôi bằng màu xanh ngút mắt cuối đường băng khiến những hình ảnh khủng khiếp trong đầu tôi được xoa dịu phần nào.

Những ngọn núi hùng vĩ, nơi trú ngụ của thần lửa Hinokagu, đứa con trai khi vừa sinh ra đã vô tình đốt cháy mẹ mình là nữ thần Izanami và bị cha là thần Izanagi chặt thành tám khúc, mỗi khúc thành một ngọn núi lửa bao quanh nước Nhật. Đó là truyền thuyết của thần đạo Nhật Bản.

Nhìn những ngọn núi, tôi không nghĩ đến sự phun trào đầy giận dữ mà liên tưởng hình ảnh một chàng Samurai lực lưỡng mở rộng vòng tay ôm cô gái Nhật hiền dịu vào lòng. Không hiểu sao tôi nghĩ Tokyo là người đàn ông đầy tham vọng, phồn tạp và không hề “Nhật Bản”, còn Hiroshima mới “thuần khiết Nhật”, dù nó mới được hồi sinh chưa đầy 70 năm, khoảng thời gian không dài khi những nhân chứng vẫn còn ngồi trên ghế đá công viên Hòa Bình để kể lại quầng sáng trên đầu họ ngày xưa và những người bị lột da, hoặc cố nhét con mắt mình vào hốc cùng những cơn mưa đen phóng xạ…

Một người bạn cười khi nghe tôi nói về sự hồi sinh. 70 năm đúng là dài so với đời người nhưng chỉ là cái chớp mắt của lịch sử. Trong cái “chớp mắt” ấy, con người đã tẩy sạch những thứ mà chính con người mang lên từ hỏa ngục thật đáng nể phục. Nhưng dù thay đổi đến đâu cũng khó mà thoát khỏi ám ảnh của chết chóc, của những cái chết uất nghẹn do chiến tranh mang lại.

Cô hướng dẫn viên giới thiệu: “Thành phố Hiroshima, thủ phủ của tỉnh Hiroshima, là thành phố lớn nhất của vùng Chugoku ở phía Tây đảo Honshu…Thành phố tọa lạc trên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, bằng phẳng của sông Ota với 6 con kênh, chia thành phố làm 6 hòn đảo nhô ra vịnh Hiroshima. Thành phố này được biết đến nhiều vì vụ ném bom nguyên tử”.

Lời giới thiệu khá bình thản nhưng tôi không nhìn thấy nụ cười của cô, vốn thường trực trên gương mặt của những hướng dẫn viên du lịch. Ở đây, nơi ghi lại dấu tích của cuộc ném bom được gọi là “công viên Hòa Bình” chứ không phải “bảo tàng Tội Ác Kẻ Thù”, bởi chắc hẳn người dân Nhật thừa biết ngày xưa quân đội của họ từng gieo rắc kinh hoàng nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cái chết vì đói của hai triệu người Việt Nam năm Ất Dậu.

Có lẽ vậy nên khi lãnh hậu quả của chiến tranh, người Nhật ý thức rất rõ những đau thương do chiến tranh mang lại và “công viên Hòa Bình” chính là bài học cay đắng mà họ đã rút ra từ chiến tranh?

Công viên Hòa Bình được thiết kế và xây dựng trên trục thẳng song song với dòng sông Ota, từ bảo tàng nhìn qua mái vòm đài tưởng niệm mà bên dưới ghi tên những nạn nhân và cuối đường thẳng là nhà bom (Atomic Bomb Dome), vết tích duy nhất còn sót lại sau vụ nổ bom. Chính quyền thành phố vẫn giữ hiện trạng ngôi nhà để “tưởng nhớ đến những người đã hy sinh vì bom nguyên tử”. Nghe nói tổ chức UNESCO đã công nhận tòa nhà này là di sản thế giới vào năm 1996.

Cô hướng dẫn viên giới thiệu một ngọn đuốc cháy sau đài tưởng niệm. Cô nói: “Ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt cho đến khi vũ khí hạt nhân cuối cùng trên trái đất này biến mất”. Trên tấm bia của đài tưởng niệm ghi dòng chữ:“Hãy nghỉ ngơi trong hòa bình, những lỗi lầm trong lịch sử sẽ không bao giờ lặp lại”. Tôi khẽ rùng mình: Đúng là lỗi lầm trong lịch sử sẽ không bao giờ lặp lại nhưng với tham vọng con người sẽ tạo ra những lỗi lầm mới có khi còn tàn khốc hơn.

Cách đài tưởng niệm không xa là “tháp chuông hòa bình”. Trên bề mặt quả chuông có khắc một bản đồ thế giới không có biên giới giữa các nước, có lẽ người tạo ra nó muốn hướng đến một thế giới đại đồng. Con người luôn dùng cái mà con người ước mơ để dẫn dụ chính mình. Từ phim ảnh đến chính trị, loài người luôn bị hấp dẫn bởi cái “ước mơ” mà không bao giờ đạt được. Và tôi chợt hiểu vì sao các chủ thuyết nói về bình đẳng, công bằng lại hấp dẫn con người đến thế.

Tôi bước lên đài gõ một tiếng chuông, hoàn toàn giống tiếng chuông chùa quê tôi, trầm buồn, nhanh chóng mất hút vào vô định. Tôi không tin tiếng chuông lẻ loi ấy có thể xua đuổi cái ác, bởi trong chiến tranh tôi vẫn thường nghe tiếng chuông ấy bên cạnh tiếng khóc và cái chết.

Nhưng tôi tin “cái đẹp” có thể đánh thức một phần tốt đẹp của con người, vì tôi nhớ trong tài liệu về việc chọn địa điểm thả quả bom nguyên tử có đoạn như sau:“Bộ trưởng chiến tranh Henry L. Stimson bất chấp chống đối của tướng Leslie Groves – trưởng dự án Manhattan, gạt bỏ Kyoto khỏi danh sách bởi tầm quan trọng về mặt văn hóa của thành phố.

Theo giáo sư Edwin O. Reischauer, Stimson biết và hâm mộ Kyoto kể từ chuyến đi trăng mật của ông nhiều thập kỷ trước, khi văn hóa ứng xử của thị dân nơi đây mang đến cho ông những cảm giác khó quên”(Wikipedia).

Hôm sau đến Kyoto, được thăm những danh thắng ở đây tôi mới thấy quyết định của Henry L. Stimson là sự lóe sáng của lương tâm được mang lại bởi cái đẹp. Trên con tàu siêu tốc Nozomi (Shinkansen) đi Kyoto, quay nhìn Hiroshima, bất chợt tôi thấy nàng mỉm cười, nụ cười độ lượng trẻ trung sau cuộc hồi sinh vật vã từ tro tàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG