Hậu vụ án 2.000 ngày oan trái: Hóa giải hận thù bằng thiện chí và lòng nhân hậu

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Suốt 18 năm qua, xin thú thực tôi luôn nuôi trong mình một ý chí trả thù. Danh sách sẽ trả thù 4 người, kế hoạch hành động đã được vạch ra và hoàn thiện qua nhiều năm tháng. Danh sách đó gồm 4 người đã vu khống, trút tai họa xuống đầu tôi và gia đình tôi... Thế mà hôm nay tôi hoàn toàn khác, sau buổi gặp gỡ do phóng viên báo Tiền Phong dàn xếp. Buổi gặp diễn ra tốt đẹp ngoài ý muốn. Thế mới biết mọi hận thù đều có thể hóa giải được nhờ thiện chí và lòng nhân hậu”.

Vụ án 2.000 ngày

Tết Nguyên đán 1983, anh Nguyễn Sỹ Lý (giảng viên Trường ĐH Tây Nguyên) về quê ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An thăm vợ con và bố mẹ. Đêm 28 Tết, sau khi nấu bánh chưng xong ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (bố của anh Lý) mang nồi đi trả. Tay cầm đèn pin, ông Huỳnh vô ý chiếu vào mặt anh em Bùi Văn Lai và Bùi Văn Vinh (quê xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp) đang đi trên đường. Lai khua tay, đá văng đèn pin, ông Huỳnh chạy về nhà kêu các con ra hỗ trợ, anh em Bùi Văn Lai bỏ chạy. Trước khi tháo chạy, Lai rút chốt quả lựu đạn ném vào nhà ông Huỳnh. Lựu đạn vướng cành cây, phát nổ, không có thương vong.

Đêm tối trời, Bùi Văn Vinh chạy trước nấp vào bụi, Lai chạy sau. Bất ngờ Vinh từ trong bụi lao ra, Lai tưởng là con ông Huỳnh mai phục đã đâm một dao hiểm. Khi biết mình đâm nhầm em, Lai bắt xe ô tô chở em lên Bệnh viện Quỳ Hợp cấp cứu nhưng Vinh đã tắt thở sau đó.

Để trốn tránh tội lỗi, Bùi Văn Lai tố cha con ông Huỳnh đâm chết em mình. Lần lượt, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh và các con bị bắt giam, trong đó có Nguyễn Sỹ Lý. Lo sợ bố già yếu không chịu được cảnh tù tội, Lý đã nhận mình là “thủ phạm” để bố được tha. Tòa tuyên Nguyễn Sỹ Lý 17 năm tù. Trong những ngày bị giam giữ, Nguyễn Sỹ Lý ở cùng phòng anh Cao Tiến Mùi (quê xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ), người bị tống giam vì trộm một bao phân đạm. Nguyễn Sỹ Lý mang chuyện oan trái kể cho người bạn tù nghe. Ra tù trước, anh Cao Tiến Mùi đóng vai “điều tra viên”, tìm cách làm sáng tỏ nỗi oan khiên của Nguyễn Sỹ Lý. Bằng sự khôn khéo của mình, anh Mùi buộc Bùi Văn Lai phải thú tội, viết giấy thú nhận mình đâm nhầm em trai và đổ oan cho gia đình ông Nguyễn Sỹ Huỳnh.

Thời điểm xảy ra vụ án, anh Hồ Hồng Tuyến, một người quen của gia đình ông Nguyễn Sỹ Huỳnh làm thợ sửa chữa đồng hồ trong một quán lều tranh đối diện cổng chợ Dinh (Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp, Nghệ An). Một hôm, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh tìm gặp anh Tuyến và trao cho anh hai mảnh giấy “Tự thú giết người”, “Bản khai tang vật giết người” của thủ phạm Bùi Văn Lai, phía dưới đóng dấu đỏ của UBND Nghĩa Xuân kèm theo chữ ký của ông chủ tịch xã. Anh Hồ Hồng Tuyến, với sự trợ giúp của anh Mạnh Việt- phóng viên báo Tiền Phong, đã tiến hành điều tra, thu thập thêm tư liệu, hoàn thiện bài báo “Phiên toà ngày mai” đăng trên số báo Tiền Phong Tết Xuân Mậu Thân, phóng sự “Người vô danh” đăng ở các số báo 14,15,16 đầu năm 1988. Toà án Nhân dân Tối cao đã ra quyết định “Tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 222 ngày 28/4/1984 của toà phúc thẩm Tòa án tối cao”. Anh Nguyễn Sỹ Lý được minh oan.

“Thiện chí và lòng nhân hậu”

Làm thế nào để tổ chức một cuộc gặp giữa anh Nguyễn Sỹ Lý, Bùi Văn Lai, Cao Tiến Mùi và Hồ Hồng Tuyến, tác giả thiên phóng sự “Người vô danh” từng gây chấn động dự luận? Năm 2006, báo Tiền Phong đăng loạt bài “Mười tám năm sau vụ án 2000 ngày oan trái”, đưa bạn đọc trở về cuộc sống hiện tại của các nhân vật trong vụ án. Trong hành trình xâu chuỗi lại sự kiện đầy nước mắt này, tôi nhiều lần phóng xe tới làng Dương Hạp, xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ) tìm gặp “người hùng” Cao Tiến Mùi, ngược quốc lộ 48 gõ cửa nhà báo Hồ Hồng Tuyến, xuôi về Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn) tiếp xúc với anh Nguyễn Sỹ Lý. Riêng anh Bùi Văn Lai tá túc ở đâu giữa miền đất Phủ Quỳ nắng gió mênh mông, liệu anh có đồng ý cùng tôi đến nhà anh Nguyễn Sỹ Lý để “hóa giải hận thù” hay không? Một cuộc hội ngộ giữa một bên là nạn nhân, một bên là thủ phạm, liệu có rủi ro?

“Tôi vẫn muốn gặp Lai, muốn nghe từ Lai một lời xin lỗi”, Nguyễn Sỹ Lý nhìn tôi, cái nhìn khó tả, khi tôi gợi ý về cuộc hội ngộ vô tiền khoáng hậu. Những định kiến, những oán hận biết đã tan chưa? Tôi thỉnh thị ý kiến của tòa soạn và ngay sau khi được Ban Biên tập đồng ý, tôi lại một lần nữa phóng xe về làng Dương Hạp, vòng qua Nghĩa Đàn đón nhà báo Hồ Hồng Tuyến, phi xuống Nghĩa Bình vào nhà anh Nguyễn Sỹ Lý. Gặp ân nhân Cao Tiến Mùi sau bao năm xa cách, anh Lý cười mà mắt đỏ hoe.

Hậu vụ án 2.000 ngày oan trái: Hóa giải hận thù bằng thiện chí và lòng nhân hậu ảnh 1

Anh Lý, chị Len

Ngay từ sáng sớm, chị Lê Thị Len, vợ anh Nguyễn Sỹ Lý đã tất bật chợ búa, mua sắm các thứ để dọn bữa cơm thật đầm ấm chào đón vị ân nhân của gia đình, và mở rộng lòng, tha thứ cho người đã gây bao nỗi oan khiên cho gia đình mình. Người phụ nữ tảo tần, thủy chung, chị đã chịu nhiều đắng cay trong những tháng năm bão giông, khi chồng vướng vào vòng lao lý. Nuôi con, chờ đợi, rồi đón anh về với đôi chân vĩnh viễn tàn phế, chị Len đỡ vai chồng, cùng anh làm lại từ đầu. “Nếu không có Len, tôi thật khó đứng vững đến ngày hôm nay”, anh Nguyễn Sỹ Lý nhiều lần nói với tôi như vậy.

Cuộc hội ngộ tuy ngắn ngủi, nhưng đã giải tỏa nỗi được u uẩn nặng trĩu trong lòng Nguyễn Sỹ Lý bấy lâu. Không lâu sau khi trở về Vinh, tôi nhận được bức thư viết tay của anh Nguyễn Sỹ Lý:

Kính gửi: Ban Biên tập báo Tiền Phong!

Trước hết cho phép tôi gửi lời kính chúc sức khoẻ và thành công đến Ban biên tập, phóng viên và những người làm việc trong Toà soạn báo. Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm và động viên của Ban biên tập. Tôi đã nhận được quà của Tiền Phong gửi tặng. Hơn thế tôi còn nhận được từ Tiền Phong tấm lòng nhân hậu. Tôi cũng đã nhận được bản thảo, quà và thư của Lưu Minh Vũ - con trai của cố tác giả vở kịch “Hai ngàn ngày oan trái” Lưu Quang Vũ. Qua Tiền Phong cho tôi gửi lời cảm ơn Vũ, Chúc Vũ và gia đình khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Rất cảm động khi Tiền Phong đã gửi đến cho tôi lời chúc tốt đẹp nhân ngày 20/11 của một độc giả từ Hà Tĩnh. Xin cảm ơn! Là một giáo viên, nhưng đã 18 năm, đây là lần đầu tiên tôi có được vinh dự này. Hàng năm, ngày 20/11, tôi chỉ biết ngậm ngùi chịu đựng. Biết được tâm trạng tôi, năm nay con gái nhỏ đã mua tặng tôi một bó hoa rất đẹp từ khoản tiền tiết kiệm. Thật là một năm đại cát.

Hậu vụ án 2.000 ngày oan trái: Hóa giải hận thù bằng thiện chí và lòng nhân hậu ảnh 2

Căn nhà tổ ấm của gia đình anh Nguyễn Sỹ Lý

Hậu vụ án 2.000 ngày oan trái: Hóa giải hận thù bằng thiện chí và lòng nhân hậu ảnh 3

"Người hùng” Cao Tiến Mùi dìu Nguyễn Sỹ Lý

(ảnh chụp năm 2006)

Tiền Phong thân mến! Điều mà tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn hơn cả là việc báo đã giúp sức cho tôi làm được một điều mà tôi cảm thấy quá sức mình. Đến hôm nay tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng khó tin dù việc ấy đã xảy ra tốt đẹp. Kể cả Lai (kẻ giết em và vu khống) cũng cảm thấy quá sức mình, mặc dù Lai rất muốn xin lỗi và bày tỏ sự sám hối muộn mằn.

Suốt 19 năm qua, xin thú thực tôi luôn nuôi trong mình một ý chí trả thù. Danh sách sẽ trả thù 4 người, kế hoạch hành động đã được vạch ra và hoàn thiện qua nhiều năm tháng. Danh sách đó gồm 4 người đã vu khống, trút tai họa xuống đầu tôi và gia đình tôi... Riêng kế hoạch trả thù thì tôi không dám nói vì nói ra tôi lại là người độc ác hơn 4 vị trên. Sở dĩ tôi chưa thực hiện được kế hoạch là vì gánh nặng gia đình và sự giằng kéo của chữ TÂM.

Tôi đón anh Bùi Văn Lai từ xã Tam Hợp (huyện Qùy Hợp) xuống Nghĩa Bình khi chiều đã muộn. Đó là một chiều mùa Đông năm 2006, se lạnh. Hôm đó, trước sự chứng kiến của “người hùng” Cao Tiến Mùi, tác giả “Phiên tòa ngày mai”, anh Lai nâng chén tạ lỗi với anh Nguyễn Sỹ Lý. “Cảm ơn báo Tiền Phong đã tổ chức cuộc gặp mặt, để tôi có thể nói lời xin lỗi với anh Lý. Bao năm qua, nhiều lần tôi muốn được gặp anh Lý để xin anh tha thứ”, anh Bùi Văn Lai nói.

Gia đình tôi một gia đình gia giáo đang êm ấm và thịnh vượng. Bỗng nhiên những kẻ trên giáng tai họa xuống để cả 4 cha con tôi phải vào tù. Sau đó suốt 5 năm, cha tôi phải vừa đi ăn xin vừa đi khiếu kiện, mẹ tôi phải bòn rút nhặt nhạnh để nuôi con trong tù. Anh trai tôi, một giáo viên phải lựa chọn hoặc thôi việc, hoặc đi một nơi thật xa để dạy. Hai em gái dù đã học hết cấp 3 nhưng không thể vào các trường chuyên nghiệp vì hồ sơ xấu. Còn tôi - nguyên là một giáo viên đại học nay là kẻ tàn phế kiếm ăn lần hồi. Tất cả chỉ vì bản án giết người oan nghiệt đó. Lý do để tôi nung nấu báo thù.

Thế mà hôm nay tôi hoàn toàn khác, sau buổi gặp gỡ do phóng viên báo Tiền Phong dàn xếp. Buổi gặp gồm phóng viên Quang Long, Cao Tiến Mùi, Hồ Hồng Tuyến, Bùi Văn Lai và tôi. Buổi gặp diễn ra tốt đẹp ngoài ý muốn. Ngoài sự thông cảm, tha thứ, chúng tôi còn phấn đấu trở thành bạn tốt của nhau.

Thế mới biết mọi hận thù đều có thể hoá giải được nhờ thiện chí và lòng nhân hậu.

Cảm ơn Tiền Phong!

Nguyễn Sỹ Lý”

MỚI - NÓNG