13 công ty bán hàng đa cấp “chui”
Theo thông tin của Sở Công Thương Hà Nội, các đơn vị bị phát hiện kinh doanh đa cấp chui bị xử phạt gồm: Cty cổ phần Everrichs Global, địa chỉ 148 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy (phạt 102 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp vào ngân sách nhà nước hơn 4,6 triệu đồng); Cty cổ phần Thương mại Merro địa chỉ tầng 1 tòa nhà Intracom, Lô C2F cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ, phường Dịch Vọng Hậu (phạt 90 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp vào ngân sách hơn 3,2 triệu đồng)
Cty Thương mại quốc tế Focus ở số 12 tổ 44 phố Trung Kính (phạt 92 triệu đồng, buộc nộp vào ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 1,5 triệu đồng); Cty Đầu tư toàn cầu Đại dương xanh địa chỉ tầng 4 tòa nhà T6/08 số 643A đường Phạm Văn Đồng (phạt 90 triệu đồng, buộc nộp vào ngân sách hơn 8,7 triệu đồng); Công ty New Power Việt Nam địa chỉ số 9 Lô 5B Trung Yên 6, Trung Hòa (phạt 80 triệu đồng, buộc nộp vào ngân sách 11,6 triệu đồng)
Cty Công nghệ mới và phát triển quốc tế Amkey Việt Nam địa chỉ 51 Nguyễn Ngọc Vũ (bị phạt 90 triệu đồng, buộc nộp vào ngân sách 15 triệu đồng); Cty Phát triển thương mại Lotus địa chỉ số 2 ngõ 2 tổ 3 đường Trung Kính (bị phạt 80 triệu đồng, buộc nộp vào ngân sách 10,7 triệu đồng).
Một số công ty khác bị xử phạt ở mức 80 triệu đồng vì kinh doanh không phép bao gồm: Cty Đầu tư phát triển Union địa chỉ 15 ngõ 170 Hoàng Ngân, Cầu Giấy; Công ty BigForest địa chỉ 21A đường Nguyễn Khang; Cty Đầu tư Median Việt Nam địa chỉ NV A30 Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính; Cty TNHH Tầm nhìn Đại Hưng 668 địa chỉ T2 TN25T1 Khu đô thị ĐN đường Trần Duy Hưng; Cty Nhượng quyền thương mại quốc tế G10 địa chỉ số 16N8A Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính; Cty Xuất nhập khẩu và Thương mại TNC địa chỉ BT1 Lô E9 Vimeco Phạm Hùng. Tổng mức phạt đối với 13 đơn vị này là hơn 1,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chui bị xử phạt có trường hợp của công ty cổ phần Everrichs Global bị xử phạt cả về lỗi kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, để trở thành nhà phân phối của Everrichs Global, một trong những điều kiện tiên quyết là các thành viên phải mua tập tài liệu giá 160.000 đồng của công ty và phải mua hàng với giá trị 7,9 triệu đồng. Để đạt được mức cao hơn, các thành viên cần mua sản phẩm với số tiền tích luỹ từ 23,7 triệu đến 79 triệu đồng.
Vòi bạch tuộc lan rộng
Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện các doanh nghiệp này chủ yếu kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng; Các vấn đề nổi lên gồm: không chấp hành đầy đủ các quy định về cách trả thưởng, chế độ mua lại hàng hóa, kinh doanh hàng không có hóa đơn chứng từ, thông tin sai lệch về tính năng, công dụng... Đặc biệt, “mồi câu” chính mà các công ty đa cấp đưa ra để “dụ” khách hàng là phần hoa hồng và lợi nhuận khủng mà thành viên thu được từ những hoạt động lôi kéo thêm người tham gia hệ thống cũng như bán các sản phẩm.
Cụ thể hơn, “chiêu trò” các doanh nghiệp đa cấp đang áp dụng để đối phó là thường thay đổi liên tục trụ sở, chọn nhiều căn hộ chung cư làm địa điểm hoạt động. Thậm chí, có trường hợp khi bị cơ quan chức năng kiểm tra liền bỏ trụ sở và thành lập công ty mới. Một số đơn vị có trụ sở tại Hà Nội nhưng lại có nhiều chi nhánh ở các vùng quê như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hải Dương.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một cán bộ Bộ Công Thương thừa nhận những biến tướng trong kinh doanh đa cấp rất phức tạp và có nguy cơ gây nhiều hệ lụy cho xã hội, trong đó những người dân nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Nhiều đơn vị đa cấp khi cơ quan chức năng vào kiểm tra họ đưa ra hồ sơ, giấy tờ sổ sách rất “sạch”. Nếu kiểm tra trên giấy tờ mà họ đưa ra thì không thể phát hiện được sai phạm của họ. Thậm chí có đơn vị đa cấp có những công ty tư vấn luật đứng đằng sau nên hoạt động rất tinh vi.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Sở Công Thương một số tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL cho biết, đã tiếp nhận được nhiều thông tin tố cáo hoạt động lừa đảo của công ty này cũng như các chi nhánh của Thiên Ngọc Minh Uy trên địa bàn. Hiện cơ quan chức năng đang tìm hiểu và tiến hành kiểm tra. Các thông tin liên quan đến những tố cáo về hoạt động lừa đảo của Thiên Ngọc Minh Uy sẽ được công bố sau khi có kết luận chính thức.
“Các cơ quan chức năng cần mạnh tay với các doanh nghiệp đa cấp bị tố cáo lừa đảo người dân. Khi đã có nhiều người dân ở địa phương tố cáo bị lừa, Bộ Công Thương hoàn toàn có thể thống kê lại các lỗi vi phạm, xử phạt để xem xét rút giấy phép đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp với công ty này theo quy định của pháp luật”, cán bộ một sở công thương nêu ý kiến.
Cục Quản lý Cạnh tranh vừa ra thông báo đề nghị người dân cần cảnh giác trước hoạt động bán hàng đa cấp của hai doanh nghiệp hoạt động chui là: Cty Cổ phần Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 (địa chỉ trụ sở chính 131 Bạch Đằng, phường Phước Trung, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cty Cổ phần Phát triển Thương mại Lotus Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính số 2 ngõ 2 tổ 3 đường Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội). “Trường hợp phát hiện hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này, đề nghị thông báo với Sở Công Thương, Cơ quan công an địa phương hoặc Cục Quản lý Cạnh tranh để có biện pháp xử lý kịp thời”, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết.