“Hà Nội đêm thứ 7”: Để “gái đẹp” không ế

“Hà Nội đêm thứ 7” sẽ khoe hết những vở diễn làm nên tên tuổi Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Nhã Khanh.
“Hà Nội đêm thứ 7” sẽ khoe hết những vở diễn làm nên tên tuổi Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Nhã Khanh.
TP - Thời buổi gameshow truyền hình “bao vây” khán giả, sân khấu ảm đạm, vắng khách. Nhiều nhà hát phía Nam phải cắt giảm, đóng cửa… Bỗng người ta thấy Nhà hát Chèo Hà Nội hò nhau xây dựng chuỗi chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” với tham vọng lớn. Nhiều người bảo liều. Nhưng lãnh đạo nhà hát vẫn tự tin khẳng định: Không làm thì phí!

Lãnh đạo cũng đi hát

Tối 3/6, đêm diễn đầu tiên trong dự án “Hà Nội đêm thứ 7” của Nhà hát Chèo Hà Nội đã chính thức mở màn tại rạp Đại Nam. Những trích đoạn chèo nổi tiếng như “Mưu cao Thị Hến”, “Bà già lên thành phố”, “Gia đình văn hóa”, “Chuyện nhà Bá Kiến”... xen lẫn các tiết mục hài chèo và những màn múa hát dân ca, chầu văn… lần lượt được phô diễn. Khán đài kín chỗ, có thể nói, Nhà hát Chèo Hà Nội đã có một buổi “ra quân” thành công.

Theo NSƯT Thu Huyền, Phó giám đốc Nhà hát, “Hà Nội đêm thứ 7” đã được chuẩn bị suốt 1 năm nay. “Đã từ lâu, hầu như chưa có đêm diễn chèo cố định nào cho khán giả thủ đô. Ngay cả Nhà hát Chèo Hà Nội cũng chỉ diễn thời vụ theo từng đợt khi có vở mới. Vì vậy, với dự án lần này, chúng tôi muốn tạo một địa chỉ đỏ cho khán giả yêu chèo. Và ở đó, rạp Đại Nam sẽ có những chương trình giải trí cuối tuần, mà chủ đạo là những vở chèo được dàn dựng công phu, hấp dẫn”- NSƯT Thu Huyền chia sẻ.

Trên website của Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đã công bố kế hoạch diễn trong tháng 6, 7 và 8/2017. Trong ba tháng đầu tiên, “Hà Nội đêm thứ 7” mang đến những vở diễn kinh điển như “Quan âm Thị Kính”, “Nàng Sita”, “Ngọc Hân công chúa”, “Chuyện tình người mất tích”, “Quan lớn về làng”, “Nàng thứ phi họ Đặng”, “Chuyện tình trên bến Nam Xương”… Xen kẽ mỗi tháng là các buổi biểu diễn dưới hình thức câu lạc bộ với các trích đoạn chèo cổ, chèo hiện đại, các tiết mục hài, hầu văn… nổi tiếng.

NSƯT Thu Huyền cũng cho biết, trước mắt, nhà hát sẽ “khoe” hết những tinh hoa vốn có. Trong các vở diễn của “Hà Nội đêm thứ 7”, Nhà hát cũng tìm cách tăng cường ngôn ngữ hành động, giảm ngôn ngữ nói, tăng cường tính liên kết giữa các tiết mục với nhau để khán giả dễ hiểu hơn nữa. Về lâu dài, ban lãnh đạo dự kiến đưa vào trình diễn cả những loại hình khác như cải lương, kịch nói... và mời các đoàn nghệ thuật khác đến biểu diễn để đa dạng hóa kịch mục.

Để dồn lực cho cuộc “tổng tấn công” lần này, Nhà hát Chèo huy động hơn 150 diễn viên của Nhà hát, thậm chí những tên tuổi nổi tiếng trong làng Chèo Việt Nam, nay đã lên làm quản lý nhà hát như: NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền… cũng sẽ đích thân lên sàn diễn. Nghệ sĩ Quốc Chiêm giờ là Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cũng sẽ tham gia vào “Hà Nội đêm thứ 7”.

Lỗ vẫn làm

Theo tiết lộ của lãnh đạo Nhà hát, “Hà Nội đêm thứ 7” sẽ lấy nguồn thu chủ yếu từ bán vé. Đây là một áp lực lớn. Để vượt khó, từ lãnh đạo đến nhân viên Nhà hát đã cùng chia nhau đi... bán vé, chủ yếu dựa vào mối quan hệ cá nhân. Nhờ đó, 500 vé cho đêm diễn đầu tiên đã được bán hết.

Để chèo không còn là “cô gái đẹp mà vẫn ế”, giá vé của “Hà Nội đêm thứ 7” chỉ từ 100 - 200 ngàn đồng, gần như giảm 2/3 so với giá vé các đêm diễn chèo của nhà hát từ trước đến nay. Nhà hát cũng có nhiều chương trình ưu đãi giảm 30% giá vé trong các dịp lễ đặc biệt, bốc thăm tặng vé suất diễn lần sau…

Nhà hát cũng lên kế hoạch thực hiện ít nhất mỗi tháng một buổi diễn có giao lưu với khán giả. Các nghệ sĩ không chỉ biểu diễn mà còn diễn giải cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Khán giả sẽ được giao lưu với các nghệ sỹ, có thể hát cùng nghệ sỹ những trích đoạn chèo mà mình yêu thích, tham gia các màn đố vui tặng vé xem chèo…

Tuy vậy, lãnh đạo Nhà hát cũng đã lường trước những khó khăn, thậm chí khả năng… lỗ trong thời gian đầu. Nhà hát thừa nhận đã từng có những thời điểm chỉ bỏ tiền ra để diễn chứ không thu được lời lãi gì, thậm chí lỗ. Hay nhiều khi trên sân khấu hàng chục nghệ sĩ, nhưng phía dưới khán giả chỉ có 1-2 người, nhưng anh em vẫn diễn hết mình. Bởi vậy, lần này, anh em nhà hát cũng đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hết mình cho “cuộc chơi lớn”.

“Tôi và các diễn viên trong nhà hát đều phấn khởi tham gia “Hà Nội đêm thứ 7” bởi chúng tôi có một địa chỉ đỏ đèn định kỳ hàng tuần để diễn, để làm nghề, để được khán giả biết đến nhiều hơn. Nếu bị lỗ, tôi sẵn sàng chia sẻ với nhà hát bằng cách bớt tiền catxe của mình”- nghệ sĩ Quốc Phòng (Đoàn 1- Nhà hát Chèo Hà Nội) vui vẻ cho biết.

“Nhà hát hiện có 3 đoàn nghệ sĩ biểu diễn, với kịch mục được chuẩn bị tương đối nhiều, khoảng 20 vở diễn có thể diễn liền nhau không phải quay vòng. Mỗi năm, nhà hát vẫn duy trì được 400 suất diễn và có khán giả. Chương trình “Long Thành diễn xướng” sau 1 năm thực hiện đã hòa vốn và bắt đầu có lãi, tuần 4 buổi diễn đều đặn. Chúng tôi thuê nhà thiết kế nổi tiếng để làm mới trang phục diễn, xây dựng bối cảnh sân khấu mới mẻ, bắt mắt và cộng tác với các đạo diễn sân khấu có tên tuổi như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng… Với những thế mạnh đó, nếu không làm thì hơi phí”- NSƯT Thu Huyền tự tin khẳng định.

MỚI - NÓNG