Giữa mớ bòng bong

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cũng chỉ còn ít ngày nữa là sang tháng cuối quý 1 năm 2023. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bao khó khăn, thử thách hiện hữu khiến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người lao động rối bời.

Thống kê từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, kết thúc năm 2022 cứ có 3 doanh nghiệp mới thành lập thì có tới 2 doanh nghiệp chết yểu, đóng cửa và rời bỏ thị trường. Với doanh nghiệp trong nước, một số tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản tê liệt bởi gánh nặng đáo hạn hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu, bởi đói vốn hoàn thiện dự án đang đứng trước nguy cơ phá sản. Không ít doanh nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng cũng “lực bất tòng tâm” bởi dòng tiền mới vào nhỏ giọt trong bối cảnh chi phí tài chính vẫn tịnh tiến tăng đều.

Một cơ số doanh nghiệp nhỏ và vừa có lẽ còn bi đát hơn khi không tiếp cận được vốn vay hoặc nếu có thì lãi suất cũng cao, khiến họ đang gần như ngất lịm. Cùng lúc đó, tin không mấy vui đang ập đến với hàng ngàn lao động khi một loạt doanh nghiệp FDI mạnh tay cắt giảm nhân công, sa thải hàng loạt do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh...Tất cả tạo thành một mớ bòng bong không biết phải gỡ khó từ đâu.

Giữa mớ bòng bong ảnh 1

Tác giả

Hội nghị giải cứu bất động sản diễn ra tuần trước gieo hi vọng cho khối doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh mổ xẻ kỹ, có thể thấy: ngay cả khi hai gói tín dụng 110 ngàn tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất và gói 120 ngàn tỷ do 4 ngân hàng thương mại nhà nước đảm nhiệm ra đời và sớm có cơ chế cho vay thì cũng chỉ hỗ trợ tới phân khúc nhà ở xã hội (mà các dự án này không biết khi nào mới hình thành xong - PV).

Với cơn khát vốn đang “giày vò” đa số doanh nghiệp, dường như khe cửa cho họ vượt qua khó khăn chỉ còn là bán đi những dự án dở dang. Nhưng ngay cả bán cũng không dễ dàng. Đáp án sẽ ra sao khi 70% dự án còn thiếu tính pháp lý...

Trong trăm cái khó của doanh nghiệp và nền kinh tế đang mắc kẹt, có lẽ khó nhất lúc này là câu chuyện kênh trái phiếu doanh nghiệp, nay gỡ thế nào? Thống kê sơ bộ cho thấy, năm 2023, có hơn 300 ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp đã huy động, trong đó doanh nghiệp bất động sản chiếm tới hơn 100 ngàn tỷ đang treo lơ lửng đến hạn phải trả.

Những ngày này, hàng chục ngàn trái chủ đứng ngồi không yên vì muốn đòi nợ đã phải tụ tập biểu tình trước cửa bộ, ngành, doanh nghiệp.. Nghị định 65 về quy định phát hành trái phiếu vừa ra đời nay đang chờ trình cấp có thẩm quyền sửa vì nếu đem áp dụng, siết quá chặt, chắc chắn, cánh cửa kênh dẫn vốn này sẽ đóng chặt.

Ngày 21/2, hội nghị trực tuyến về thúc đẩy giải ngân đầu tư công đã chỉ ra: tốc độ giải ngân chậm, cơ chế vướng đang kéo doanh nghiệp đã lùi càng thêm tụt. Cũng như thông điệp từ hội nghị bàn cách giải cứu thị trường bất động sản, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để gỡ khó cho doanh nghiệp, gỡ khó cho nền kinh tế (bằng nỗ lực, tốc độ và tính chịu trách nhiệm cao).

“Trăm cái khó, phải ló cái khôn”. Nhưng “ló” thế nào để gỡ lúc này? Bằng tiền, bằng cơ chế hay sự hỗ trợ đồng hành lâu dài bền vững? Thực tế, không dễ chút nào!

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.