Hà Nội:

Giới kinh doanh điêu đứng vì thông tin cá chết hàng loạt ở miền Trung

Nhiều tiểu thương ngồi cả ngày không bán được hàng
Nhiều tiểu thương ngồi cả ngày không bán được hàng
Tình trạng cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng đến tâm lý mua và sử dụng hải sản của người dân Hà Nội. Tại một số chợ, siêu thị, lượng tiêu thụ hải sản tươi và hải sản đông lạnh giảm hẳn so với trước.

Tại chợ đầu mối Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều cửa hàng bán hải sản đông lạnh tạm thời đóng cửa, nhiều quầy hàng che kín bạt vì không có khách thăm mua. Một số cửa hàng nhỏ đã đóng cửa vài ngày nay hoặc chuyển sang bán cá nước ngọt. Còn các đại lý lớn chuyển hẳn sang bán các loại cá khai thác xa bờ như cá ngừ, cá thu.

Chung hoàn cảnh đó, tại chợ đầu mối Đền Lừ và một vài chợ dân sinh khác như: Dịch Vọng, chợ Xanh, chợ Nghĩa Tân… cá biển vẫn được bày bán như ngày thường, song lượng bán ra giảm hẳn, số lượng người mua cũng ít hơn rất nhiều so với trước đây.

Bà Thìn, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho hay: “Thông tin cá biển miền Trung chết hàng loạt đang ảnh hưởng lớn đến kinh doanh cá biển tại chợ. Dù được giải thích là cá biển tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình đưa ra nhưng nhiều khách vẫn nghi ngại. Một số loại hải sản nuôi như tôm sú, cua bể, nghêu, sò… cũng bị ảnh hưởng theo. Cứ tình hình này, rất có thể những nhà bè nuôi hải sản đến ngày thu hoạch nhưng không dám cất bè bán vì sợ rớt giá, thương lái ngừng mua”.

Theo chị Vũ Minh Ánh, chủ cửa hàng cá biển tại chợ đầu mối Tam Trinh cho biết: Ngày thường, mực tươi, tôm và cua được khách hàng đặt mua nhiều nhất. Kênh bán buôn chủ yếu dành cho nhà hàng, khách sạn, còn kênh bán lẻ cho người dân trong tiệc cưới, lễ... Tuy nhiên, từ khi các tỉnh Miền Trung xảy ra nạn cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, thông tin cấm ăn và sử dụng hải sản đã khiến nhiều người dân Hà Nội lo lắng. Kênh bán buôn cho các nhà hàng có giảm nhưng không đáng kể, nhưng riêng kênh bán lẻ dành cho người dân lại rất chậm, có hôm ngừng hẳn.

Mặc dù nhiều người bán khẳng định đa số hải sản tại khu vực chợ Hà Nội đều có xuất xứ từ các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình hay xa nhất là Thanh Hóa. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cảm giác không an toàn bởi đa số hải sản tại chợ không có bao bì chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Thêm nữa, cơ quan chức năng chưa công bố nguyên nhân, hạn chế xuất bán cá từ vùng dịch sang vùng khác, khiến người dân không yên tâm.

“Không biết thì không sao, biết có dịch cá chết thì tránh mua, tránh ăn là cách tốt nhất. Hải sản tươi và hải sản đông lạnh tại chợ đều không có nhãn mác, chứng chỉ nguồn gốc nên rất khó xác định nơi chúng được khai thác và vận chuyển”, chị Yến, người tiêu dùng tại chợ Tam Trinh cho hay.

Còn theo bà Minh, Yên Hòa - Cầu Giấy, thông tin cá biển chết hàng loạt khiến nhiều gia đình không biết nên chọn ăn gì trong lúc này, bà Minh nói: "Lâu nay hải sản tươi, đông lạnh từ miền Trung được gia đình bà rất yêu thích vì độ tươi, ngon và an toàn hơn thịt động vật. Thông tin thịt heo có chất cấm chưa hết lo thì nay cá biển lại chết không rõ nguyên nhân khiến gia đình không biết chọn cái gì để ăn?"

Giới kinh doanh điêu đứng vì thông tin cá chết hàng loạt ở miền Trung ảnh 1

Hàng cá ế ẩm, cá vẫn đầy khay trong khi khách ghé thăm quá ít.

Để hạn chế tác hại của dịch cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, theo các chuyên gia: Cần quản lý chặt đầu vào tại các chợ nhằm đảm bảo không phải cá từ khu vực có dịch. Cơ quan quản lý cần có biện pháp làm sao để người dân yên tâm, phân biệt cá vùng có dịch và cá những vùng không có dịch. Nếu cần có thể khoanh vùng và hạn chế xuất cá ở các vùng có dịch ra các tỉnh để hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường. Điều này có thể gây bất lợi cho ngư dân nhưng giúp người tiêu dùng yên tâm hơn.

Đại diện Ban Quản lý thị trường chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho rằng: “Người dân không nên quá hoang mang bởi các chết tại các tỉnh miền Trung chủ yếu là các loại cá ven bờ, còn các loại cá lớn mà ngư dân đánh bắt xa bờ, các ngư trường lớn vẫn an toàn”.

Vì thông tin cá biển chết nên một số tiểu thương tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội là chợ Đền Lừ cũng hạn chế hoặc ngừng nhập cá, hải sản từ các đầu mối miền Trung.

Anh Mạnh, chủ cơ sở bán buôn hải sản biển Hà Tĩnh cho biết: "Trước mắt tạm thời bán ít đi vì tâm lý khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch. Chúng tôi ngừng nhập hải sản từ các đầu mối các tỉnh miền Trung, chuyển sang nhập từ các đầu mối tại Cát Bà (Hải Phòng) hoặc Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh) để cho khách quen. Tuy nhiên, hai ngày nay tâm lý chung của nhiều người vẫn sợ nên rất khó bán".

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.