Thảm họa môi trường biển miền Trung: Du lịch đìu hiu

Người dân vùng bờ biển Cửa Tùng, Cửa Việt thu gom, đào hố chôn cá chết. Ảnh: H.T.
Người dân vùng bờ biển Cửa Tùng, Cửa Việt thu gom, đào hố chôn cá chết. Ảnh: H.T.
TP - Hiện tượng cá biển chết dày đặc lần đầu tiên xuất  hiện này đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến hai khu du lịch biển Cửa Tùng và Cửa Việt của tỉnh Quảng Trị. Các năm trước đây, những ngày nóng nực như hôm 22/4, ở hai bãi tắm này ken kín người nhưng bây giờ thì ngược lại, vắng teo như mùa đông.

Theo quan sát của chúng tôi, những hàng quán vốn thơm lừng các món cháo cá biển, mực biển, ghẹ biển tịnh không bóng người. Dọc bờ không ít người tham gia đào hố chôn cá mực chết. Chị Đào Bích Cơ, chủ quán bên bãi tắm Cửa Tùng, bảo: “Mùa mần ăn mà như ri thì chỉ nước chết đói thôi mấy eng ơi!”. Anh Hoàng Tiến Sĩ, chủ nhà hàng đặc sản biển ở Cửa Việt ngáp dài: “Du khách mấy bữa ni không dám về tắm vì ngại nước biển ô nhiễm, khổ thiệt.”. Nhiều ngư dân ở đây không giấu vẻ lo lắng trước việc chậm trễ của cơ quan chức năng về kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt bất thường lần đầu tiên xuất hiện ở vùng biển Quảng Trị.

Không chỉ người làm ăn, kinh doanh ở mạn biển khổ vì cá chết mà các bà bán cá biển ở các chợ trong tỉnh cũng cực theo. Chợ lớn nhất của thành phố tỉnh lỵ Quảng Trị là Đông Hà, một tuần nay người mua đều nói không với cá biển.

Theo Bí thư huyện đảo Cồn Cỏ Lê Minh Tuấn đảo cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý (điểm gần nhất là Mũi Lay thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh là 13 hải lý, cách Cửa Tùng 15 hải lý và cách Cảng Cửa Việt 17 hải lý). Rất mừng ở đây không có hiện tượng cá mực chết như bờ biển trong đất liền. 

Chiều 22/4, chúng tôi đặt câu hỏi với Đại tá, Phó Giám đốc Công an Quảng Trị Trần Đức Việt rằng, phía Cảnh sát Môi trường đã có động thái gì trước việc cá chết trên địa bàn. Đại tá Việt nói: “Sáng nay tôi đã nghiêm khắc phê bình Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49). Tôi nói, sao các anh không đến kiểm tra tất cả các kho đông lạnh xem có hiện tượng mua cá biển chết để dự trữ rồi sau này bán cho mọi người ăn không, nếu có thì niêm phong kẹp chì lại để xử lý. Làm thế để tạo môi trường thực phẩm sạch vừa có thông tin tích cực giúp cho những ngư dân khai thác cá sạch tức cá biển sống có điều kiện tiêu thụ được”.

TT-Huế: “Hậu” cá chết, biển vắng lặng

Bãi tắm Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) trưa 22/4 vắng lặng khác thường. Mọi khi, dù không phải ngày nghỉ, bãi biển thường xuyên có khách ghé lại, đặc biệt thời điểm từ trưa đến chiều tối. Một nhân viên phục vụ thuộc nhà hàng B.N cho biết, số người ghé lại tắm táp, thưởng thức đồ hải sản tại các quán tại Bình An vài hôm lại đây sụt giảm bất thường. “Tôi để ý khách ít ghé về hơn trước. Có lẽ do trời chuyển mát mấy hôm rồi, nhưng cũng không loại trừ người đi chơi biển ngại về đây, do chuyện cá chết ngoài khơi trôi vào”, một người dân thôn Bình An cho biết.

Tương tự, bãi tắm Loan Lý (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) cũng đìu hiu. Anh H, một người phục vụ tại nhà hàng hải sản H.H khẳng định: “Sau khi có tin cá biển chết tại Lăng Cô, khách về đây giảm hẳn. Từ sáng tới chừ, quán em chưa đón được người khách mô hết. Hôm qua cũng chỉ lèo tèo vài người. Cả chủ lẫn nhân viên mấy hôm nay đang lo”.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 22/4, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế, cho biết: Hiện chưa phải mùa cao điểm, nên các tour chính về du lịch biển trên địa bàn ít bị tác động bới tình trạng cá biển chết bất thường. Tuy nhiên, hộ kinh doanh nhỏ thuộc các khu vực bãi tắm, điểm du lịch ven biển trên địa bàn vẫn bị ảnh hưởng.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.