Sau các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, cá ngoài khơi bị chết trắng dạt kín bờ biển Quảng Trị, từ xã Vĩnh Thái đến thị trấn Cửa Tùng vào tận Cửa Việt trải dài ngót 30 cây số. Các ngư dân sống dọc bờ biển này đã vớt được khoảng 40 tấn cá chết mà chủ yếu các loại cá xuất khẩu như hồng, mú, bớp, vược, chình, hanh… Đó là con số được Chi cục Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy hải sản Quảng Trị thông báo với PV Tiền Phong chiều 21/4. Một số doanh nghiệp thu mua số cá chết này để chế biến thức ăn chăn nuôi.
Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tuấn ở thị trấn Cửa Tùng, ông Hồ Thanh Ngọc, cho biết, doanh nghiệp của ông đã thu mua hơn 5 tấn cá các loại từ ngư dân vớt được ở bờ biển để chế biến bột cá chăn nuôi gia súc với giá mua cực rẻ, chỉ vài ngàn đồng/kg. Theo như lời ông Ngọc, “Đây chỉ là việc hỗ trợ nhiên liệu cho bà con đi vớt cá ngoài biển”. Sáng 21/4, một số tàu cá của ngư dân Cửa Tùng cập cảng, mang lên bờ bày bán nhiều loại cá còn rất tươi, nhưng thương lái và người dân đến chỉ xem rồi bỏ đi, chứ không mua. Chợ cá Cửa Tùng ở gần đó cũng tấp nập người bán cá biển song hầu như chẳng có người mua. Đến chiều muộn, bà con đành phải bán tháo cho một phụ nữ thu mua để chế biến thức ăn cho lợn.
Ông Hoàng Văn Toán ở khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng nói: “Từ sáng sớm đến nay, cá chết trắng tấp kín bờ biển, người dân đi vớt, nhặt mãi không hết”. “Chúng tôi quan sát thấy nước biển vẫn trong xanh, nhưng không hiểu vì sao cá chết trắng hàng loạt. Những loại cá này thường sinh sống theo luồng, ở đáy biển rất sâu, nên hiện tượng chúng bị chết là rất khó hiểu”, ông Nguyễn Văn Lương ở làng biển Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho biết thêm.
Ông Lương Thế Vĩnh, một ngư dân khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng chia sẻ: “Thường những loại cá có giá trị kinh tế cao như cá hồng, vược, hanh, mú…, mỗi ngày ra khơi may mắn lắm cũng chỉ đánh bắt được vài con, vì chúng sinh sống ở tầng nước sâu rất khó đánh bắt. Không hiểu sao nay chúng bị chết hàng loạt, chỉ một lúc mà bà con ở khu phố này đã vớt được cả vài tạ cá”.
Ông Phạm Văn Thành, 56 tuổi ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là ngư dân có thâm niên trong nghề đánh bắt thủy hải sản cho biết, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến hiện tượng cá chết, trôi vào bờ hàng loạt như thế này. Theo ông Thành, tình trạng này có thể là do cách tận diệt thủy sản bằng cách đánh bộc phá ở ngoài khơi làm cá chết rồi trôi dạt vào bờ biển. Hầu hết cá trôi vào bờ là loại cá sinh sống và kiếm ăn ở tầng đáy (cá rạn) như cá trạng, cá bè, cá doái, cá sơn, cá khoang cổ... Khi thấy cá chết trôi vào bờ, nhiều người dân địa phương đã nhặt được hàng chục cân về làm thức ăn cho gia súc, chứ không dám ăn vì chưa rõ nguyên do cá chết.
Không nên ăn
Khoảng một tuần nay, trên một số facebook cá nhân loan tin cá ngoài biển chết hàng loạt do bị nước ngoài bỏ thuốc độc. Tìm hiểu sự việc, những ngư dân đi biển lâu năm ở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) cho biết, đây là lần đầu trong đời họ thấy cá biển chết hàng loạt rất không bình thường. Nhiều người lại cho rằng rất có thể hiện tượng cá ở tầng nước sâu bị chết hàng loạt này là do bị ảnh hưởng của động đất ở Nhật Bản? Theo quan sát của PV Tiền Phong, ngày 21/4 tại chợ cá Cửa Việt áp cảng cá, một số tàu cá của bà con ngư dân cập cảng, mang lên bờ bày bán nhiều loại cá còn rất tươi, nhưng thương lái và người dân đến chỉ xem rồi bỏ đi, chứ không mua.
Ngư dân Hồ Nguyên Kha khi cùng nhiều bạn nghề đào hố chôn cá chết ở mạn bắc Cửa Việt băn khoăn: “Ngư dân chúng tôi rất lo lắng khi thấy chuyện doanh nghiệp mua cá bệnh vì chết mà để chế biến thực phẩm chăn nuôi gia súc thì hóa ra vô hình chung gieo mầm bệnh cho người à!”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy hải sản tỉnh Quảng Trị khuyến cáo, bà con không nên thu mua, chế biến thực phẩm từ cá chết này, khi chưa biết rõ nguyên nhân. Hiện tại, Chi cục đã báo cáo sự việc, cũng như đề xuất với sở NN&PTNT tỉnh kiến nghị với các ngành chức năng lấy mẫu cá chết và mẫu môi trường để xét nghiệm, tìm nguyên nhân cá chết, để từ đó có giải pháp phù hợp.
Trao đổi với PV, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị Võ Văn Hưng cho hay, cá biển chết hàng loạt như vậy là hiện tượng bất thường, do đó Sở đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy hải sản tiến hành kiểm tra hiện trường, lấy mẫu cá đưa đi xét nghiệm. Hiện vẫn chưa có kết quả chính thức về nguyên nhân.
Vì vậy, ngành đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại cá chết này. Các chủ hộ nuôi tôm dọc bờ biển nơi phát hiện cá chết, dạt vào bờ ngừng lấy nguồn nước bơm vào hồ nuôi tôm trước lúc ngành chức năng đưa ra kết luận chính thức.
Chiều 21/4, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sĩ Đồng, nói: “Sáng nay, tôi trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo ngay Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành hữu quan lấy mẫu xét nghiệm để sớm có kết luận nguyên nhân cá chết. Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tuyên truyền ngư dân không hoang mang, không thu mua và đặc biệt là chế biến thực phẩm khi chưa biết nguyên nhân cá chết. Phối hợp Sở NN&PTNT các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh nắm bắt tình hình, đồng thời tham mưu Bộ NN&PTNT hỗ trợ các giải pháp để xử lý cá chết bất thường này”.