Quá bất thường
Theo ghi nhận của người dân, hiện tượng cá biển chết dạt vào bờ xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 7/4 tại vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh), sau đó lan sang Quảng Bình, vào Quảng Trị và đến nay thì vùng ven biển Thừa Thiên - Huế cũng xuất hiện cá biển chết hàng loạt. Không chỉ dừng lại ở cá biển tự nhiên, mà cá của người dân nuôi trong lồng bè ở gần cửa sông, cửa biển cũng chết một cách tức tưởi. Thậm chí, cá nuôi ở các ao hồ, lỡ lấy nước từ biển vào cũng chết nổi trắng bụng.
Theo các ngư dân ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình), đây là hiện tượng “chưa thấy bao giờ”. Ông Nguyễn Trường Sơn, một ngư dân lão luyện cho biết: Hiện tượng cá biển chết ở Quảng Bình chỉ sau Hà Tĩnh một đến hai ngày, khu vực cá chết dọc từ bờ ra biển chừng 4 hải lí. Theo ông Sơn, lượng cá chết dạt vào bờ chỉ là số rất ít so với lượng cá chết trôi nổi ngoài biển. Các loài cá bị chết đa số nằm ở tầng đáy như: Cá mú, cá hồng, cá hanh, cá đuối...
Tàu tui ra biển, trên mặt nước nhìn đâu cũng thấy cá nổi trắng bụng. Gặp dòng nước xoáy có khi cả tấn cá chết đông đặc một chỗ. Dân chúng tôi suốt đời bắt cá nhưng nhìn cá chết mà xót lắm! Đến con cá nằm ở tầng đáy, thi thoảng mới câu được một vài con, giờ thì nổi trắng bụng cả, rồi đây dân biển chúng tôi lấy gì mà đánh bắt” - ông Sơn xót xa nói.
Không chỉ cá trên biển chết, hơn 1 tuần qua, nhiều lồng nuôi cá tại các nhà hàng ven bờ ở phường Hải Thành (TP Đồng Hới) cũng xảy ra hiện tượng này. “Hơn 400 kg cá mú trị giá hơn 100 triệu đồng của gia đình tôi mới mua về để bán cho khách bỗng nhiên lăn ra chết. Không chỉ lồng cá nhà tôi, mà hầu hết các nhà hàng có nuôi cá bằng lồng ở Đồng Hới, sau một đêm cá cũng phơi bụng trắng hếu” - anh Phạm Minh Công, chủ nhà hàng Biển Đông, lo lắng.
Dân hoang mang
Đến nay, ở Quảng Bình nhiều người phải nhập viện do liên quan đến cá biển chết. Thông tin từ Trạm Y tế xã Quảng Phú cho biết: Ngày 19/4, một cháu bé 8 tuổi ở địa phương đã phải đến trạm điều trị triệu chứng ngộ độc do ăn phải cá chết trôi dạt vào bờ biển. Rất may sau khi truyền nước, cháu đã bình phục và về nhà. Chị Nguyễn Thị Quy, thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) cho biết: Tối 17/4, chị có mua hai con cá kình về nấu canh. Sau khi ăn, cả nhà đau bụng, đi ngoài, nôn ọe, nghi ngộ độc do ăn cá biển.
Cũng tại trạm y tế xã Quảng Phú, nhiều người dân đã phải đến trạm để điều trị hiện tượng dị ứng khi đi vớt cá chết. Y sỹ Lê Thị Tuyết cho biết: Người dân đến trạm y tế trong tình trạng chân tay bị sưng đỏ, đau nhức, ngứa ngáy khó chịu.
Thông tin cá chết lan rộng từ miền biển đến miệt rừng, khiến bữa cơm của người dân vắng bóng món cá biển. Giá cá biển rớt thê thảm khiến ngư dân và tiểu thương lao đao vì cá bán không ai mua. Không chỉ cá tiêu thụ hàng ngày, ngay như các mặt hàng cá xuất khẩu có giá trị lớn như cá mú, cá hồng, nhiều ngày qua, các đầu mối tiêu thụ cũng ngưng thu mua. Nhiều chủ tàu cá ở Quảng Bình cho biết, dù họ đánh bắt gần bờ hay xa bờ về, giá cá chỉ còn 1/3, thậm chí là 1/5, các đầu nậu cũng không mua.
Chị Trần Thị Hoa, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) cho biết: Cả tuần nay chồng đi biển về, cá ra chợ chỉ bán theo giá cá làm thức ăn cho gia súc. “Nhìn mà xót không chịu được, chỉ mong các cấp chính quyền có câu trả lời thỏa đáng cho người dân về nguồn cá có nhiễm độc, nhiễm ở mức độ nào, có ăn được hay không... để ngư dân như chúng tôi còn có đường mà làm ăn. Chứ mấy hôm nay cứ bán cá cho heo ăn như ri, chúng tôi làm sao mà sinh sống?” - chị Hoa nói.
Ở hầu hết các khu chợ của Quảng Bình, hàng cá đìu hiu, dù giá đã giảm tận đáy nhưng cũng chẳng ai mua, cá chất thành đống, kiến bâu, ruồi đậu. Chị Hoàng Thị Tuyết, xã Đức Trạch (Bố Trạch) xót xa: “Loại cá mô cũng bị giảm giá, từ cá đặc sản cho đến cá thường nhưng vẫn không bán được. Như cá hồng, cá mú ngày trước 1kg hai ba trăm nghìn, giờ xuống còn bốn mươi nghìn vẫn không ai mua. Mấy hôm nay không bán được cá, tui phải mang về cho lợn, gà ăn. Chắc mai không đi chợ nữa, buôn bán kiểu ni sạt nghiệp thôi chú ơi”.
Một đầu nậu cá lớn ở cảng cá Đồng Hới cho biết: “Bình thường chúng tôi thu mua với số lượng lớn, mỗi đợt mua hàng vài trăm triệu đồng, nhưng mấy hôm nay bó gối vì các đầu mối không mua hàng nữa. Dân tình đang hoang mang”.
Không sử dụng cá chết làm thực phẩm
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TT-Huế, đến nay nguyên nhân gây tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt, với số lượng khoảng 4 tấn tại thị trấn Lăng Cô đã được xác định do nồng độ pH, P04 (hàm lượng phú dưỡng) trong môi trường nuôi vượt mức cho phép. Đối tượng bị chết chủ yếu là cá vẩu, cá bớp ở các lồng nuôi ghim đáy cố định (ảnh hưởng khí độc), riêng các lồng cá di động không bị chết.
Theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, chính quyền xã hiện khuyến cáo đến dân không sử dụng cá biển chết dạt vào bờ làm thực phẩm, yêu cầu tạm ngưng bơm nước từ biển vào ao hồ nuôi trồng thủy sản, nhằm tránh gây thiệt hại; đồng thời gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguyên nhân và có hướng xử lý, tránh gây hoang mang cho bà con.
Ngọc Văn