Hai bộ, bốn tỉnh họp vụ cá chết: Lúng túng khuyến cáo người dân

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám ngày 23/4 cho biết vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt. Ảnh: Minh Thùy
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám ngày 23/4 cho biết vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt. Ảnh: Minh Thùy
TP - Nguyên nhân chính dẫn đến việc cá chết vẫn chưa được làm rõ; các địa phương lúng túng trong việc khuyến cáo người dân có nên hay không nên đánh bắt, sử dụng cá trong khu vực cá chết. Đó là nội dung chính trong cuộc họp diễn ra chiều 23/4.

Khả năng độc tố

Chủ trì cuộc họp là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn. Cuộc họp còn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh. Nội dung cuộc họp được ông Vũ Văn Tám nói rõ là “làm việc với bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế để khắc phục hiện tượng thủy, hải sản chết bất thường ven bờ biển tại các tỉnh này”. “Sợ các địa phương báo cáo chậm nên phải tổ chức ngay cuộc họp. Đây như cuộc giao ban của ngành nông nghiệp để đánh giá tình hình cá chết và sớm ổn định, đưa ra các giải pháp”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Sau phần báo cáo tình hình về diễn biến cũng như thiệt hại của một số cơ quan và các địa phương, tại phần thảo luận, đại biểu các tỉnh bị thiệt hại đều khẳng định đã nhanh chóng vào cuộc lấy mẫu, quan trắc… Tuy nhiên, các kết quả đều khẳng định chưa tìm ra nguyên nhân.

“Hiện vấn đề cá chết ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, xã hội. Các chợ không bán cá biển, tàu đánh bắt xa bờ của Quảng Bình phải đưa cá vào Đà Nẵng bán nhưng giá rất rẻ. Số tàu đánh bắt ven bờ hầu như không hoạt động, ngành du lịch gặp khó khăn… Địa phương không tìm được nguyên nhân nên đề nghị các bộ, ngành vào cuộc. Nếu không tìm ra giải pháp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các vấn đề kinh tế, xã hội”, đại diện Sở NN&PTNT Quảng Bình nói. Đại diện Cục Thú y nói: “Các tổ chức quốc tế rất quan tâm khi các phương tiện truyền thông phản ánh sự việc này. Họ đưa ra ý kiến bắt mình phải tìm ra nguyên nhân để trả lời”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, về việc xác định nguyên nhân gây nên cá chết ở các tỉnh miền Trung vừa qua, Bộ và các cơ quan chuyên môn làm hết trách nhiệm và đã có kết luận bước đầu là loại nguyên nhân do dịch bệnh nguy hiểm. “Thứ hai là nguyên nhân về môi trường nước được loại bỏ. Còn nguyên nhân quan trọng là khả năng độc tố có cả sinh học, hóa học và các yếu tố sinh học khác liên quan. Những độc tố khác đã lấy mẫu sẽ tiếp tục được kiểm nghiệm độc lập để đưa ra kết luận”, ông Tám nói. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, hiện tượng cá nuôi, cá tự nhiên nằm ở tầng đáy chết nhanh, xuất hiện trên diện rộng là hiện tượng bất thường. “Đây là vấn đề mới và khó nên ban đầu có sự lúng túng và sau đó vào cuộc nhanh, nhưng cho đến nay chưa tìm ra nguyên nhân chính xác”, ông nói.

Lúng túng xử lý

Đại biểu các tỉnh cho rằng, người dân đang hoang mang thực sự. Cá không dám ăn, tàu thuyền đánh bắt hải sản về không bán được, các tiểu thương đóng cửa. “Tình hình cá chết trôi dạt vào các bờ biển ngày một giảm, nhiều nơi không phát hiện cá trôi dạt vào. Các chỉ số về môi trường đảm bảo nhưng các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo không được dùng cá làm thực phẩm. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân”, một đại biểu nói.

Đại biểu đến từ tỉnh Quảng Bình nói rằng, việc sản xuất, kinh doanh thủy hải sản không thể dừng được. “Với Quảng Bình sẽ chỉ đạo khai thác ven bờ tạm dừng. Khai thác xa bờ phải tiếp tục. Tập trung làm sạch môi trường ven biển, thu gom cá chết, rác rưởi tạo môi trường trong sạch. Phải làm tư tưởng cho người dân thấy rõ về môi trường biển bây giờ đã đỡ rồi để họ yên tâm làm ăn”, vị đại diện Quảng Bình nói.

Một chuyên gia cho rằng, nên tạm ngưng việc khai thác khu vực ven bờ đến khi tìm ra nguyên nhân. Việc đánh bắt xa bờ nên phân ra từng nhóm như với cá, tôm, nhuyễn thể sống ở tầng đáy thì cấm khai thác, còn các loài sống ở bề nổi nên tiếp tục. “Để đảm bảo an toàn thực phẩm, nên có kiểm định các sản phẩm khai thác xa bờ từ Huế ra Hà Tĩnh không có độc. Đối với các đoàn tàu khai thác dưới đáy biển, đưa ra khuyến cáo di chuyển đến ngư trường khác. Bộ nên có cơ quan kiểm định các sản phẩm khai thác được trong khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Nếu đảm bảo, nên công bố rộng rãi để người dân yên tâm sử dụng”, vị chuyên gia đề xuất.

Để người dân yên tâm sử dụng, đánh bắt thủy hải sản trong thời gian tới, lãnh đạo Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế đề nghị cần hỗ trợ người dân, động viên ngư dân bám biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản. “Các viện nghiên cứu về thủy hải sản vào cuộc xem lại thực trạng nguồn lợi từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế để có kế hoạch tái tạo. Ở đây có việc lúng túng về vấn đề lấy mẫu, chưa bài bản. Với tình trạng này, việc ứng phó dịch bệnh rất khó khăn, Bộ NN&PTNT cần có quy trình ứng phó để phòng trước và phải đánh giá lại tình hình hoạt động đánh cá của tàu và ngành giao thông vận tải đường biển để nắm bắt”, đại diện đến từ Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế nói.

Về việc nuôi trồng, các đại biểu cho rằng, nếu các chỉ số môi trường về nước đảm bảo, cần hướng dẫn người dân trước khi thả giống nên lấy nước thử thả giống trước, nếu an toàn mới thả đại trà.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, cần phải trấn an dư luận để người dân yên tâm tiêu thụ sản phẩm và khôi phục sản xuất. “Việc tiêu thụ sản phẩm, Bộ có hướng dẫn, công văn đề nghị các địa phương giao cho Chi cục Quản lý chất lượng hướng dẫn cho người dân tiêu dùng biết phân biệt được cá chết do tác nhân và cá chết do khai thác bình thường, hoặc cá nuôi. Phải thu gom cá chết để tiêu hủy, cấm tiêu thụ dưới mọi hình thức”, ông Tám nói. Theo ông, các địa phương phải căn cứ tình  hình thực tế để thông  báo, chỉ đạo người dân tiếp tục yên tâm sử dụng, tiêu thụ sản phẩm. “Không có chỉ đạo, công thức giống nhau ở các tỉnh, Trung ương sẽ quan trắc thường xuyên ở các địa phương, sau đó tham mưu cho các tỉnh chỉ đạo người dân khai thác thủy sản. Không vì việc này mà làm gián đoạn việc khai thác, kinh doanh của người dân. Việc nuôi trồng thủy sản căn cứ quan trắc, tình hình, nếu ổn định, chỉ đạo lấy nước hoặc giải pháp quan trắc, lấy mẫu xác định độ an toàn”, ông Tám nói.

Cty Đầu tư Du lịch Phucgroup vừa thông báo tạm ngừng bán cho khách hàng các chương trình du lịch đến khu vực từ Hà Tĩnh đến bắc Quảng Bình từ ngày 25/4. Các chương trình chỉ được bán trở lại khi tình hình ổn định, hiện tượng ô nhiễm biển được kiểm soát.                 

Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG