Tôi đi làm công nhân - Bài cuối:

Giây phút chôn vùi cuộc đời trong nợ nần

Lẫn trong dòng người xếp hàng, có nhiều chủ tiệm cầm đồ cầm thẻ ATM của công nhân đi rút tiền. Ảnh: Quỳnh Nga.
Lẫn trong dòng người xếp hàng, có nhiều chủ tiệm cầm đồ cầm thẻ ATM của công nhân đi rút tiền. Ảnh: Quỳnh Nga.
TP - Với đồng lương khéo co kéo mới đủ sống, khi có người thân ốm đau, cưới hỏi hay có việc về quê, nhiều công nhân đành cầm cố tiền lương cho các cửa hàng cầm đồ với mức lãi suất cắt cổ. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, công nhân có thể vay được số tiền gần bằng lương trong vài phút. Nhưng từ giây phút cắm thẻ ATM, cuộc đời họ vùi trong nợ nần, trở thành con nợ béo bở cho các chủ nợ.

Vay trong 10 phút, lãi cắt cổ 180 %

Với vai là công nhân, tôi được một bảo vệ tại cổng Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) mách nước ra tiệm cầm đồ trên đường cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài cầm cố thẻ ATM. Bước qua cánh cửa kính, 2 thanh niên to cao, người đầy vết xăm trổ tiếp chúng tôi. Theo 2 thanh niên này, ở cửa hàng chỉ cầm lương cho những người có hộ khẩu tại Hà Nội và hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên. Biết tôi chưa đủ điều kiện cầm lương, thanh niên giới thiệu tôi vào cửa hàng cầm đồ chuyên cầm lương tại chợ Mun (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội).

Có mặt tại ki ốt số 6,  dãy nhà F, chợ Mun, một cửa hàng treo biển Cầm đồ 24/7. Phía trong cửa hàng gồm 1 bàn làm việc, một tủ đựng hồ sơ. Trên bàn, cuốn sổ ghi chép dày cộp, chi chít chữ ghi họ tên, địa chỉ, tiền gốc, tiền lãi, ngày nộp.

Anh T. chủ cửa hàng cầm đồ hỏi tôi về hộ khẩu, mức lương của công ty đang làm. Theo anh T., với mức lương 5.000.000 đồng/tháng, tôi được vay tối đa 4.000.000 đồng. Lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày. Hồ sơ vay tiền gồm chứng minh thư nhân dân và hợp đồng lao động bản gốc, sổ hộ khẩu photo công chứng, bản sao kê 6 tháng lương gần nhất, thẻ và mật khẩu ATM. “Em mang đầy đủ hồ sơ ra, anh xem qua khoảng chục phút là nhận tiền. Đóng lãi hàng tháng đầy đủ, còn tiền gốc để vay cả đời cũng được. Đến ngày nhận lương, em ra cửa hàng cùng anh đi rút tiền trả lãi, nhận lương còn thẻ ATM thì để anh giữ”, T. nói.

Thấy tôi chần chừ, băn khoăn, sợ cửa hàng tự đi rút hết tiền lương, anh T. trấn an: “Cứ yên tâm, bọn anh ở đây làm ăn uy tín, có mấy cơ sở, cả nghìn công nhân cắm thẻ ở đây ấy chứ. Muốn cắm thì quyết định nhanh đi, để người khác còn làm thủ tục”.

Phía sau, một thanh niên bối rối cầm thẻ ATM vào cầm cố lấy số tiền 3 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết, tên Minh, quê ở Yên Bái xuống KCN Thăng Long làm công nhân đã 2 năm.

Đến KCN Thăng Long chỉ cần hỏi nơi cầm cố thẻ ATM bất cứ người bán hàng hay công nhân đều thông thạo, chỉ dẫn tới từng cửa hàng. Chỉ riêng cửa hàng Cầm đồ 24/7 đã có tới 3 cơ sở ở khu vực này. Chúng tôi có mặt ở các cây ATM tại cổng vào KCN vào ngày nhận lương (thường 2 ngày: mùng 10 và 25 hàng tháng), ngoài hàng dài công nhân xếp hàng, còn có một vài thanh niên dáng vẻ bặm trợn với cả túi thẻ ATM. Mỗi lần vào, họ rút đến hàng chục thẻ ATM.

Ngoài các cửa hàng cầm đồ, khắp khu ký túc xá cho công nhân, chợ bán hàng, cửa hàng, cây cột điện được các công ty tài chính, ngân hàng rải, dán tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng. Gọi theo số điện thoại 0934.480.8xx trên tờ rơi cho vay theo lương của ngân hàng 100%  vốn nước ngoài. Nhân viên tư vấn cho biết, đây là dịch vụ cho vay của Ngân hàng Xăng dầu kết hợp với Bảo hiểm. Trước khi đến, công nhân chuẩn bị hợp đồng lao động, chứng minh thư, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, sao kê lương 3 tháng gần nhất, thẻ bảo hiểm, ảnh 3x4. Công nhân được vay số tiền tối thiểu 10 triệu đồng, tối đa 30 triệu đồng, lãi suất 16% trả góp lãi và gốc hàng tháng.

Tại các KCN khác trên cả nước như Yên Bình (Thái Nguyên), Yên Phong (Bắc Ninh), Lễ Môn (Thanh Hóa)… việc cho công nhân thế chấp lương (bằng thẻ ATM) để vay tiền với lãi cao trở nên phổ biến. Bên cạnh những chủ nợ chờ người khác gặp khó khăn để cho vay, cũng có người cố tình đưa con nợ vào “tròng” như tổ chức rủ rê đánh bạc, cá độ để cho vay. Trường hợp này thường rơi vào công nhân trẻ tuổi và đồng nghiệp trong công ty.

Giây phút chôn vùi cuộc đời trong nợ nần ảnh 1

Công nhân sống trong những khu trọ tồi tàn.

Bốn năm chưa nhìn thấy lương

Xung quanh KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) những dãy nhà trọ xập xệ mọc lên chi chít. Có mặt tại dãy trọ của gia đình ông Nguyễn Văn Tín (Chợ Bầu, Kim Chung, Đông Anh), mỗi phòng trọ giá 700.000 đồng. Phòng ẩm thấp chật chội, xung quanh cây dại um tùm. Hơn 30 phòng chỉ có một khu vệ sinh chung, với 4 nhà vệ sinh, 4 nhà tắm. Trước giờ vào ca (5h sáng, 1h chiều) và giờ tan ca (5h chiều), mọi người phải xếp hàng chờ đến lượt rửa rau nấu cơm, tắm giặt.

Phòng trọ của anh Lê Anh Vũ (công nhân công ty TNHH Canon Việt Nam) nằm cuối dãy. Căn phòng khoảng 8m2, méo mó, tường rêu mốc, còn in rõ những vệt nước mưa theo mái chảy xuống, có giá thuê 500.000 đồng/tháng. Trong phòng vỏn vẹn 1 chiếc phản khập khễnh, một bếp gas mini, 2 cái nồi và vài chiếc bát, đũa. Anh Vũ tốt nghiệp trường cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Tranh thủ ngày nghỉ, anh đi học thêm tiếng Anh, ôn thi liên thông đại học  để có cơ hội thăng tiến và nâng mức lương. Bốn năm trước, bố anh mắc bệnh ung thư gan. Của cải trong nhà bán hết nhưng chưa đủ tiền điều trị. Đợt xạ trị hóa chất cuối cùng thiếu 10 triệu đồng nhưng không vay mượn được ai. Anh Vũ đi cắm thẻ ATM vay tiền. Hàng tháng trả lãi 1,5 triệu đồng.  

“Lương, phụ cấp hàng tháng được 4,5 triệu đồng, tôi trả lãi mất 1/3, số tiền còn lại đủ lo ăn uống, thuê trọ. Đến ngày nhận lương, đợi chủ nợ ra cây ATM rút tiền trả lãi, còn bao nhiêu, mình xin lại để trả tiền thuê trọ, ăn uống”, anh Vũ nói.

Giây phút chôn vùi cuộc đời trong nợ nần ảnh 2

Mức lương cơ bản không đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Dự định đi học để nâng lương của anh Vũ dừng lại. Bằng cao đẳng xếp xó vì công ty tuyển người có bằng đại học và thông thạo ngoại ngữ. Anh Vũ đành chấp nhận cuộc sống, mức lương của lao động phổ thông. “Đến ngày lấy lương, thấy anh em, bạn bè dự định mua cái này cái kia mà mình thèm. Tiền lương của mình mà tháng nào cũng phải đến xin chủ nợ”, anh Vũ ngậm ngùi.

Cùng khu trọ với anh Vũ có 2 cặp vợ chồng rơi vào cảnh vay nợ lãi làm đám cưới. Vì “bỗng dưng có bầu”, gia đình khó khăn, họ cắm thẻ ATM. Chưa trả hết tiền làm đám cưới, lại phải vay thêm tiền lo việc sinh nở cho vợ.

Theo những công nhân từng phải vay nợ cầm thẻ ATM, khi công ty chuyển lương vào tài khoản nếu chủ nợ rút hết tiền hoặc nhiều hơn số tiền vay cũng không dám làm gì vì “làm ăn có bảo kê”. Người cắm thẻ lần thứ nhất sẽ có lần thứ 2 bởi công nhân không thể sống đủ bằng lương. Mà công nhân tỉnh lẻ không thể vay được ai ngoài các chủ nợ.

Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam-TLĐ) cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc công nhân phải cắm thẻ ATM để vay nặng lãi do mức lương chưa đảm bảo mức sống. Khảo sát của TLĐ cho thấy, lương cơ bản chỉ đáp ứng gần 80% mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ).

Theo nghiên cứu mới nhất của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, hiện có gần 20 triệu lao động làm công ăn lương, chủ yếu là lao động trẻ, thâm niên làm việc ngắn. Phần lớn NLĐ thuộc nhóm kỹ năng lao động thấp và trung bình; trình độ học vấn ở mức hoàn thành bậc phổ thông, đào tạo nghề hoặc cao đẳng. Chính điều này khiến họ gặp khó khăn khi kỳ vọng ở mức lương cao, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của bản thân và gia đình. Trong khi, người sử dụng lao động chưa thấy đủ các điều kiện để trả lương ở mức cao hơn cho NLĐ (như tăng năng suất lao động).

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để giúp NLĐ có mức lương tốt hơn, Chính phủ cần tiếp tục có các biện pháp hiệu quả để nâng cao trình độ đào tạo, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động; phát triển các ngành, nghề, công việc trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, doanh nghiệp nên xây dựng các cơ chế khuyến khích tăng mức tiền lương trả cho NLĐ làm việc có hiệu quả tốt để tăng năng suất lao động. Khi NLĐ có mức lương thỏa đáng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sống của NLĐ và gia đình họ và là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động – điều kiện tiên quyết để tăng tiền lương. 

MỚI - NÓNG