Mánh lới moi tiền của lắm trung tâm giới thiệu việc làm

Đến ca làm chúng tôi phải ngồi chờ ở ngoài cổng, đến giờ xếp hàng vào nhận ca. Ảnh: Việt Văn.
Đến ca làm chúng tôi phải ngồi chờ ở ngoài cổng, đến giờ xếp hàng vào nhận ca. Ảnh: Việt Văn.
TP - Đánh vào tâm lý muốn tìm việc sớm, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm mọc lên cùng mánh lới lừa đảo để moi tiền người tìm việc với đủ các loại phí: Phí tư vấn, phí môi giới, phí đào tạo,…nhưng đến khi làm, người lao động mới biết mình “sập bẫy”.  

Phóng viên Tiền Phong nhập cuộc vào làm công nhân một thời gian vừa đủ để tường tận và sẻ chia cùng họ những gian nan, lận đận, với những khổ ải mà chỉ những người “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”…

Bài 1: Gian nan tìm việc

Từ quê lên Sài Gòn, chân ướt chân ráo chưa biết tìm việc ở đâu. Nhiều người sớm trở thành “con mồi” của các tay “cò” việc làm. Thoát khỏi họ, người tìm việc lại gặp những ông chủ o ép, thử việc nhiều ngày không công.

Gặp “cò” mất tiền

Đánh vào tâm lý muốn tìm việc sớm mà không cần phải làm thủ tục, hồ sơ phức tạp, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm mọc lên để đáp ứng nhu cầu của lao động phổ thông. Những trung tâm này gắn cái mác tư vấn, tìm việc miễn phí cho người lao động để thu hút người tìm việc đến. 

Thế nhưng ít ai biết đằng sau cái mác ấy là những mánh lới lừa đảo bằng nhiều hình thức để moi tiền người tìm việc với đủ các loại phí: Phí tư vấn, phí môi giới, phí đào tạo,…nhưng đến khi làm, người lao động mới biết mình “sập bẫy”. Họ bị đưa đến những nơi làm việc không như mong muốn, không như lời giới thiệu ban đầu từ những trung tâm giới thiệu việc làm này.

Để tồn tại nhiều trung tâm móc nối các tay “cò” rải khắp các bến xe, khu công nghiệp để “bắt” những người có nhu cầu tìm việc. Gặp “cò” tưởng mọi chuyện tốt đẹp nhưng việc làm chưa thấy đâu lại bị chính những người “giúp” mình tìm việc “móc túi” trắng trợn.

Tôi bắt xe buýt từ quận Thủ Đức xuống bến xe miền Tây để tìm hiểu những cách “móc túi” trắng trợn của một số trung tâm giới thiệu việc làm này. Đối diện bến xe miền Tây tràn ngập những biển ghi giới thiệu việc làm miễn phí. Trước cửa là những tay xe ôm vừa hành nghề chạy xe đưa khách, cũng vừa làm tay “cò” cho những trung tâm này để kiếm thêm thu nhập.

Thấy tôi vừa xuống xe buýt, gần chục tay xe ôm chạy đến bắt khách. Hỏi việc làm, tay xe ôm tên Hưng giới thiệu sẽ chở đi qua trung tâm giới thiệu việc làm H.S.Q (phường An Lạc, quận Bình Tân). Bên dưới căn nhà là văn phòng với hơn 5 nhân viên ngồi tư vấn, giới thiệu việc làm. Đối diện là hàng ghế đang có gần 10 người ngồi đợi tìm việc.

Nhân viên nữ ngồi ngoài cùng gọi chúng tôi đến, lấy CMND ghi họ tên, tuổi và quê quán vào một tờ giấy cam kết “thỏa thuận nhận việc làm”, trong đó ghi rõ “người xin việc phải nộp giấy CMND để người sử dụng lao động đăng ký tạm trú”. Nhân viên cho biết, kí vào rồi mà đổi ý không nhận việc nữa, hoặc làm không quá 3 ngày khi đến nhận việc, muốn lấy lại CMND thì phải trả cho công ty số tiền 300.000 đồng gọi là chi phí phát sinh khi đến công ty xin việc. Đồng thời tôi phải đóng 100 nghìn đồng tiền phí. Tôi thắc mắc nhưng nhân viên này không giải thích mà còn tỏ thái độ khó chịu: “Có đóng không? Nếu không đóng thì đi ra để người khác vào”.

Tôi bước xuống hàng ghế ngồi, bảo đợi suy nghĩ. Một thanh niên có làn da cháy nắng đi xe ôm đến. Anh vào gặp nhân viên đòi lấy lại giấy CMND vì không muốn làm việc công ty nữa bởi không như cam kết ban đầu. Tuy nhiên, nhân viên trung tâm này tính toán một lúc rồi yêu cầu anh phải nộp 800 ngàn đồng tiền chi phí sau  5 ngày làm mà bỏ việc, gồm tiền xe ôm khi đưa đến chỗ làm, tiền xe mang quần áo, đồ đạc từ công ty đến trả lại anh.

Thanh niên này than trời, khi trong túi không có tiền. Quần áo, đồ đạc cá nhân ở Công ty anh cũng không kịp lấy đi. Chẳng để tâm đến việc trình bày hoàn cảnh nhân viên bảo khi nào có đủ tiền thì đến lấy CMND và đồ đạc. Anh này bỏ ra ngoài gọi điện thoại cầu cứu người thân. Tôi cũng bước ra theo ngồi bên ngoài hỏi chuyện.

Thanh niên này tên Duy (29 tuổi, quê Trà Vinh), ở quê không làm ra tiền nên mới lên đây tìm việc. Không có giấy tờ hồ sơ nên những công ty anh tìm đến đều từ chối không nhận. Lên đây mấy ngày, tiền mang theo cũng hết nên anh tìm đến những trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí hi vọng sớm tìm được công việc.

Được xe ôm giới thiệu vào trung tâm, nhân viên ở đây giới thiệu “công việc nhẹ nhàng, lương khởi điểm 3,5 - 4 triệu đồng/ tháng đầu”. Sau đó tăng dần theo thời gian và hiệu suất công việc, được bao ăn ở và có thể xin ra ngoài chơi vào giờ nghỉ làm. “Làm cho công ty ở quận Tân Bình phải vác gạo, cám mỗi bao 50kg quần quật suốt ngày. Cực quá, xin nghỉ thì chủ không cho, nên Duy bỏ trốn”.

Thấy tôi chỉ ngồi hỏi chuyện, bảo vệ đuổi ra khỏi công ty. Đi bộ gần 100m, tôi bắt xe ôm về lại bến xe. Bác xe ôm cho biết, mấy trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí kiểu này đều có hoa hồng từ người tuyển dụng từ 500.000 - 1 triệu đồng/ người giới thiệu được. Khi nhận việc, 3 bên gồm người tuyển dụng, trung tâm giới thiệu việc làm và người lao động kí “thỏa thuận cung ứng lao động phổ thông” với quy định nếu sau 6 ngày, người lao động bỏ việc hoặc đổi việc thì phải trả 800 nghìn đồng tiền chi phí.

Mánh lới moi tiền của lắm trung tâm giới thiệu việc làm ảnh 1

Những gương mặt non choẹt thiếu công ăn việc làm tìm đến công ty xin việc. Ảnh: Việt Văn.

Thử việc không công


Rời khỏi trung tâm giới thiệu việc làm H.S.Q (phường An Lạc, quận Bình Tân), tôi gặp Nguyễn Sỹ Trực (SN 1995, quê Tiền Giang) ở quán nước vỉa hè đối diện bến xe miền Tây. Trực cho biết lên đây xin vào làm ở công ty nhựa Tân Lập Thành ở đường Hồ Ngọc Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân). “Chỗ này có mấy người hàng xóm lên làm trước rồi, nghe nói xin vào làm dễ lắm”, Trực nói.

Tôi theo Trực cùng đến công ty này để xin vào làm. Đến công ty gần cuối giờ sáng, gặp bảo vệ công ty nói: “Xem hướng dẫn đi, xem đủ, thiếu hồ sơ thế nào, chiều 2 giờ đến”. Đúng 2h chiều, tôi cùng Trực đến công ty nộp hồ sơ, phỏng vấn vào làm. Buổi hôm nay cũng có gần chục người cùng vác hồ sơ đến công ty xin việc. Gần 30 phút sau, một người tên Hoàng phụ trách nhận hồ sơ gọi chúng tôi vào phòng. Xem qua hồ sơ, Hoàng hỏi: “Đã làm ở đâu chưa? Có kinh nghiệm với công việc làm trong ngành nhựa chưa?”. Tất cả chúng tôi đều lắc đầu!

“Nếu làm đủ 30 ngày, không nghỉ buổi nào, không vi phạm quy định công ty sẽ được thêm 300 nghìn tiền chuyên cần. Tính ra mỗi tháng cũng gần 4 triệu đồng. Nếu nghỉ một buổi không phép thì sẽ không được hưởng tiền chuyên cần này”.

Hoàng cho biết

Nghe giọng nói toàn người miền Tây, có người mới học hết lớp 7, bỏ học làm đủ thứ nghề ở quê nhưng chưa ai học qua cái nghề nào, cũng chưa ai có kinh nghiệm làm việc cho các công ty, ít nhất là công ty chuyên về sản xuất nhựa, cao su. Nhìn vào hồ sơ Hoàng lắc đầu: “Nếu tuyển anh chị vào, chúng tôi sẽ phải cho đi học việc đến khi nào thạo nghề mới cho anh chị ra đứng máy làm một mình. Cũng mất thời gian cả tháng”, Hoàng cho biết.

Xem xong hồ sơ, Hoàng hỏi từng người có ai dưới thiệu vào làm không? Tôi không hiểu, cứ nghĩ chắc là có người quen giới thiệu thì sẽ được nhận vào làm, thậm chí được chọn vào vị trí nhẹ nhàng chăng? Nhưng hóa ra không phải. Sau này vào làm, tôi mới nghe Tâm (20 tuổi, quê Đồng Tháp) nói, nếu có người giới thiệu công ty cho 500 nghìn đồng tiền môi giới. Với điều kiện người mình giới thiệu vào làm phải làm trên 3 tháng.

Sau khi Hoàng phổ biến những quy định công ty như: Mỗi ngày làm sẽ trả 90 nghìn đồng, hỗ trợ tiền ăn 21 nghìn, tiền nhà trọ 15 nghìn đồng. Mỗi ngày làm có 3 ca, mỗi ca 8 tiếng. Đối với những công nhân mới như chúng tôi thì những tuần đầu vào học việc chỉ làm hai ca 1 hoặc 2, còn ca 3 thì từ 23h đến 7h sáng hôm sau là ca chết (tức không được chuyển sang ca khác), ca này chỉ bố trí làm nếu thành thạo công việc.

Đồng ý làm thì kí vào tờ giấy tiếp nhận công nhân. Hoàng đưa cho chúng tôi tờ giấy và mỗi người phải ghi thông tin của mình vào đây để Hoàng kiểm tra lần cuối. “Nếu chưa biết gì thì phải thử việc ít nhất 3 ngày, không tính tiền lương. Ngày hôm sau, các anh chị sẽ vào làm luôn, bắt đầu làm ca 1 từ 7h sáng đến 4h chiều”. Tôi nghe và chấp nhận dấn thân vào kiếp công nhân phập phù và đầy rủi ro này…      

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG