Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI

Hỗ trợ tối đa, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động

TP - Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư. Từ đó, công nhân, người có thu nhập thấp được hưởng thêm nhiều chính sách về giá khi tiếp cận với loại hình nhà ở xã hội.

Hỗ trợ 100% chi phí bồi thường GPMB

Chú trọng giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động, trong nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thí điểm xây dựng nhà ở thương mại gắn với nhà ở thu nhập thấp qua việc bố trí đất thương mại ngay trong dự án nhà ở xã hội. Mục đích của việc thí điểm này nhằm hỗ trợ chi phí cho nhà đầu tư. Ngay sau đó, nhiều Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã được ban hành để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp. 

Qua đó, tỉnh đã cho phép nhà đầu tư được bố trí 20% quỹ đất của dự án làm nhà ở thương mại, đồng thời tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ 100% chi phí tư vấn lập quy hoạch, lập dự án thiết kế… Mục tiêu từ các chính sách hỗ trợ này, ngoài bù đắp chi phí cho nhà đầu tư còn nhằm mục tiêu hỗ trợ giá mua nhà cho công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Quản lý Nhà và phát triển đô thị (Sở Xây dựng Vĩnh Phúc) Nguyễn Hữu Mai cho biết, nhu cầu về nhà ở của công nhân giai đoạn từ năm 2015 – 2020 cần khoảng 4.842 căn, tương đương với trên 332 nghìn m2 sàn xây dựng. Trong đó, tại thành phố Vĩnh Yên cần khoảng 520 căn, thị xã Phúc Yên 348 căn, huyện Vĩnh Tường 180 căn…đặc biệt huyện Bình Xuyên tới đây nhu cầu nhà ở sẽ lên tới hơn 2 nghìn căn. 

Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết, trong giai đoạn 2013 – 2015, theo kế hoạch dự kiến xây dựng 1.560 căn, tập trung tại thành phố Vĩnh Yên (2 tòa, 216 căn), huyện Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên (1 dự án, 300 căn). Riêng huyện Bình Xuyên, mặc dù đã được phê duyệt quy hoạch 5,38 ha đất nhà ở công nhân tại Khu đô thị Việt Đức Legend City, nhưng đến thời điểm này, do vướng mắc trong thủ tục thu hồi đất lúa nên dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng. Ngoài ra tại huyện Bình Xuyên còn có một dự án nhà ở công nhân khác tại xã Bá Hiến đang được đề xuất thực hiện giai đoạn 1 với quy mô 5,3 ha. Sở Xây dựng cho biết, nhu cầu về nhà ở tại khu vực này rất lớn, bởi đa phần công nhân vẫn đang phải thuê nhà trọ tại các hộ gia đình trong khu vực để ở tạm.

Hỗ trợ tối đa, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động ảnh 1

Tòa nhà 19 tầng cho người thu nhập thấp sử dụng.

Ngoài các dự án trên, được biết Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai đầu tư xây dựng 2 – 5 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 2 – 3 dự án nhà ở công nhân bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thêm 7 nghìn căn hộ

Ngoài các dự án nhà ở cho công nhân, Vĩnh Phúc cũng quan tâm và chú trọng phát triển mảng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Theo ông Nguyễn Hữu Mai, đến thời điểm này trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã có 2 dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng, với 552 căn nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, tổng mức đầu tư khoảng 225 tỷ đồng. 

Theo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, nhu cầu phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp giai đoạn 2013 – 2015 khoảng 715 căn, tập trung tại thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên. Đến nay tại Vĩnh Yên, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp của Công ty Vinaconex Xuân Mai vẫn còn 1 nhà 19T2, khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 216 căn. Bên cạnh đó, dự án của Công ty Bảo Quân với 1 nhà chung cư 15 tầng sẽ đáp ứng được khoảng 210 căn. Tại thị xã Phúc Yên, hiện đã có 1 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã xong phần thô, chuẩn bị đưa vào sử dụng với số lượng khoảng 112 căn. Như vậy, số lượng nhà ở cho người thu nhập thấp đưa vào sử dụng tại Vĩnh Phúc đã tăng lên so với năm 2012 là 538 căn, đáp ứng được 75% nhu cầu xác định đến năm 2015.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục đề xuất các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ 14 dự án với tổng số nhà được quy hoạch khoảng 7.250 căn, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020.

MỚI - NÓNG