Nghề được đào tạo chính qui của Đoàn Lư chính là nghề y. Anh từng giữ vị trí trưởng khoa nhi của bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng nhiều năm. Ngay từ khi đang là sinh viên, Đoàn Lư đã nổi tiếng với những bài báo về y học gây tiếng vang, tạo tranh cãi. Với tư tưởng giải phóng phụ nữ được du nhập từ trời tây, nhiều giáo sư y khoa bấy giờ ủng hộ việc phụ nữ “nuôi bộ”, không cho con bú. Giữa luồng không khí phá bỏ truyền thống, anh sinh viên Đoàn Lư bỗng dưng viết bài phân tích và khẳng định: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ trên báo Phụ nữ Việt Nam. Bài báo lập tức gây chấn động, khen có, phản đối có, đòi bút chiến có. Thư gửi đến Đoàn Lư nhiều đến độ anh phải nhờ hai người bạn cùng phòng đọc giúp. Có lẽ, trái tim nghệ sỹ nhạy cảm đã giúp anh dám viết sự thật, viết những điều mình nghĩ, cho dù những điều đó trái ngược với quan niệm của đám đông.
Hỏi: “Vì sao anh chọn nhi khoa là con đường gắn bó dài lâu?”. Anh thản nhiên: “Tôi yêu trẻ con. Lũ trẻ con quen biết cứ nhìn thấy tôi là xúm lại, đòi bế”. Sợ người nghe hiểu nhầm, anh thật thà nhấn mạnh: “Tôi yêu lũ trẻ chứ không yêu mẹ chúng đâu nhé”. Khi anh còn là sinh viên y khoa, việc mang thai trước hôn nhân vẫn là sự việc “tày trời”, khiến cho nhiều người mẹ trẻ phải dùng vải thắt bụng để che đậy việc có thai, đến khi không thể giấu được nữa, họ lặng lẽ đến bệnh viện phá bỏ. Chứng kiến những cảnh đau lòng ở bệnh viện, Đoàn Lư mất ăn mất ngủ. Có một cảnh tượng anh không thể quên trong đời. Một hôm, có cô gái trẻ đến viện từ chối quyền làm mẹ. Do cô dùng vải thắt bụng che bầu nên việc dự đoán tuổi thai gặp khó khăn. Đứa trẻ bất hạnh vẫn sống sau cuộc phá thai. Anh sinh viên Đoàn Lư thấy vậy liền mang đèn sưởi đến sưởi ấm cho hài nhi bé bỏng, rồi dùng những miếng vải còn sót trong phòng quấn quanh em bé mới sinh, đổi lại, bữa ấy anh bị kíp trực mắng vì tội đã làm những việc ngoài trách nhiệm. Ngày hôm sau, may mắn thay có người đã nhận em bé bị mẹ chối từ làm con nuôi. Sức sống mãnh liệt của đứa trẻ khiến Đoàn Lư ám ảnh khôn nguôi, anh đã quyết định gắn bó đời mình với trẻ em, để được chăm sóc và che chở các “thiên thần” trong cơn đau yếu.
Làm văn cũng như làm bác sỹ
Đoàn Lư từng tâm sự: “Việc sáng tác, viết văn của tôi cũng giống như chuyên ngành đã chọn, đơn giản, bình dị là mong muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho trẻ em mà thôi. Dù có sáng tác cho cả những đối tượng khác nhưng mục tiêu sáng tác cho trẻ em luôn là ưu tiên hàng đầu”. Truyện ngắn đầu tay trình làng văn của anh mang tên “Lão Lìm”, một câu chuyện thật diễn ra trong gia đình anh mà sau này nếu có thời gian anh còn muốn dựng thành tiểu thuyết. Mới đầu chỉ định viết để giải tỏa ám ảnh về câu chuyện trong nhà, viết xong anh gửi cho người cháu đang là sinh viên đại học Y đọc thử. Không ngờ nhận được lời khen: Hay lắm chú ạ. Đoàn Lư sung sướng tới mức nghi ngờ: Hay thật á? Thế là nảy ra ý định gửi đăng báo Thiếu niên Tiền Phong. Đúng lúc báo Thiếu niên Tiền Phong có cuộc thi truyện ngắn, người biên tập đã đưa “Lão Lìm” vào dự thi. Chỉ giành giải khuyến khích trong cuộc thi của báo nhưng chừng ấy cũng đủ tạo hưng phấn cho vị bác sỹ đá chân sang văn chương: “Tôi bốc lên viết tiếp một loạt truyện, đánh máy xong chẳng biết gửi đi đâu, đành viết thư gửi NXB Kim Đồng”. Lần này, bản thảo của anh lại may mắn lọt “mắt xanh” của người biên tập nhà xuất bản. Năm 1995, tập truyện đầu tiên của anh dành cho thiếu nhi ra mắt, lấy tên: “Miếng hiểm cuối cùng”, năm đó Đoàn Lư 36 tuổi.
Kinh nghiệm viết cho thiếu nhi của Đoàn Lư: Viết thật dễ hiểu, trong sáng và giàu tính nhân văn. Anh thấy một hiện trạng ở nước ta: Người sáng tác lấy tư tưởng người lớn để viết cho trẻ con chứ chưa phải viết bằng lối nghĩ của con trẻ. Muốn biết trẻ con nghĩ gì, thích gì chẳng có cách gì ngoài việc tiếp xúc thật nhiều với chúng và yêu chúng chân thành. Là bác sỹ chuyên khoa Nhi đã giúp Đoàn Lư có nhiều thuận lợi để gần gũi trẻ em. Ở cương vị một bác sỹ, anh là người cực kỳ tâm huyết, nhất định không nhận “phong bì” từ gia đình các em bé. Bệnh viện có thể huy động bác sỹ Đoàn Lư bất cứ lúc nào, không chỉ trong giờ hành chính và trong thời gian ca trực: “Tôi làm việc gì cũng đều hết mình. Làm trưởng khoa nhi bệnh viện tỉnh đến rạc cả người. Sau khi chuyển công tác trong hai tháng tôi tăng 10 kg”. Rời công việc ở bệnh viện, anh vẫn tiếp tục gắn bó với bà mẹ và trẻ em theo cách gián tiếp. Cách đây ba năm anh đã cho ra đời cuốn sách cung cấp tri thức dân gian trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và phụ nữ thời kỳ sinh nở của người Tày Cao Bằng. Đoàn Lư là người đầu tiên của tỉnh vùng cao này nhận huy chương về sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Đặc biệt những cuốn sách văn học dành cho trẻ em của Đoàn Lư được đông đảo thiếu nhi, nhất là thiếu nhi miền núi yêu mến, xuất bản với số lượng “chóng mặt”: "Miếng hiểm cuối cùng", năm 1995, in 32.000 cuốn; "Tướng cướp hoàn lương", năm 1997, in 24.200 cuốn; "Quái cẩu Pi-tơ-chun", năm 1999, in 12.500 cuốn; gần đây nhất cuốn "Li kì xuyên sơn", năm 2013, in 35.192 cuốn. Đoàn Lư tâm sự bằng thơ về sự ra đời của “những đứa con tinh thần” dành cho trẻ nhỏ: “Tôi đã viết từ trong sâu thẳm/Muốn trẻ em đỡ đói tâm hồn/Ở núi cao còn nhiều thiếu thốn/ Đói tâm hồn chẳng khác đói cơm/Thơ, truyện tôi chưa ngọt, chưa thơm/Nhưng cũng đỡ cho người đói khát/Truyện thơ tôi giờ chưa dào dạt/Cũng lẫn vào một khoảng trời xanh”.
Khác với nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi hiện giờ lệch hẳn sang yếu tố giải trí đơn thuần nên đôi khi không tránh khỏi việc cổ súy cho bạo lực, mất tính thẩm mỹ và giáo dục, một trong những chức năng chính của văn học; tác phẩm của Đoàn Lư đưa trẻ em vào những khung trời thiên nhiên trong lành, xinh đẹp không kém gì cổ tích nhưng gần gũi bởi hương vị xứ sở: “Núi rừng hôm nay đẹp quá, tiếng chim ca rộn rã một vùng, trời cao xanh lồng lộng không một gợn mây, nắng vàng óng ả rọi xuống trần gian ánh sáng, tỏa xuống đất hơi ấm của trời, cố bù lại những ngày đông giá lạnh” (truyện "Hoa núi"). Là một bác sỹ, anh khéo léo lồng chuyên môn của mình vào tác phẩm để giúp các em hiểu và phòng tránh một số bệnh tật nguy hiểm. Đoàn Lư có lẽ là nhà văn đầu tiên ở Việt Nam đặt bút viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cho thiếu nhi. Anh đã cho ra mắt bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có tên "Lêna-Kitti" gồm 3 tập. Nhà văn dân tộc thiểu số cũng xây dựng siêu nhân nhưng siêu nhân “chíp” Lêna-Kitti dưới ngòi bút của Đoàn Lư lại hiện lên như những nhà khoa học tí hon có những tư tưởng táo bạo. Dù là tác phẩm khoa học viễn tưởng anh vẫn không ngừng cổ vũ cho văn hóa truyền thống: Siêu nhân Lêna- Kitti thích ăn kẹo mạch nha, loại kẹo truyền thống của đất nước nông nghiệp. Siêu nhân Lêna- Kitti thông thạo nhiều ngoại ngữ, trong đó có cả tiếng dân tộc ít người…
Yêu phái đẹp và ham lấn “đất”
Đoàn Lư viết cho nhiều đối tượng nhưng có thể nói sau viết cho thiếu nhi, anh ưu tiên phái đẹp. Ngay từ thời sinh viên, Đoàn Lư đã viết nhiều thơ tình, bằng cảm xúc của bản thân cũng có và bằng cảm xúc thất tình vay mượn từ câu chuyện của bạn bè cũng có. Là người làm khoa học nên thơ Đoàn Lư nói chung không dễ dãi, không tụng ca kiểu… lấy được. Cũng có khi anh tỏ ra hồn nhiên chân chất trong cách ví von: “Con gái Tày quê mình/Trắng nõn nà, tươi như cải xoong/ Suối lành làn da mịn/Thơm gió tóc mềm/Môi đỏ hoa chuối rừng/Áo chàm xanh núi…”. Có lúc anh khiến người ta bất ngờ về sự thông minh, khéo léo của mình. Từ câu “mò kim đáy bể”, anh biến hóa để đẩy đàn bà lên vị trí ma lực, khiến họ cũng vui và đàn ông cũng thấy có lí, không cãi vào đâu được: “Đàn bà như chiếc kim/Chìm sâu nơi đáy biển/Khêu gợi/Thách đố/Bí hiểm/ Tận cùng/Để/Đàn ông/Trổ tài/Khám phá/Chiếc kim quen thành lạ/Thăng hoa cảm xúc diệu kỳ/Thời gian mãi qua đi/Chiếc kim nơi biển sâu vẫn là ẩn số ma lực/Đàn ông mãi lặn ngụp/Chiếc kim báu vật/Có như không có bao giờ”. Một khi đã viết về đàn bà, kể cả mang màu sắc u buồn hay vui sướng, Đoàn Lư không một lần ngụ ý trách móc, chê bai phái đẹp. Bao giờ những người đàn bà dưới ngòi bút Đoàn Lư cũng được nâng niu, bởi không có phái đẹp, lấy đâu ra trẻ em, đối tượng ưu tiên hàng đầu của nhà văn dân tộc Tày.
Ưu thế nổi trội trong ngòi bút Đoàn Lư thể hiện ở mảng truyện ngắn. Nhưng nếu để ý sẽ thấy, hầu như không thể loại nào, bác sỹ, nhà văn “tha” không đụng: làm thơ, viết tản văn, tiểu thuyết, thậm chí lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu cũng có mặt anh. Nổi bật là cuốn viết chung với Hoàng Triều Ân: "Văn học yêu nước và cách mạng ở Cao Bằng trước năm 45" (NXB Văn hóa dân tộc, 2008), đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời tựa.
Vị bác sỹ này vẫn thường dùng nhuận bút từ sách xuất bản để làm từ thiện cho trẻ em vùng cao gặp khó khăn nhưng đề nghị tổ chức từ thiện không được tiết lộ danh tính của anh.
Lắm tài lẻ và nói không với rượu
Đoàn Lư có nhiều tài lẻ: chụp ảnh, vẽ tranh…Anh thích vẽ sơn dầu, tranh của anh đã nhiều lần tham gia triển lãm khu vực 3. Một số tác phẩm hội họa của Đoàn Lư tạo ấn tượng tốt: BigBang; Tiểu vũ trụ; Tình mẹ… Lĩnh vực đồ họa cũng là thế mạnh của nhà văn dân tộc thiểu số. Logo của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng do anh thiết kế.
Trong đời thường bác sỹ, nhà văn đam mê nhiều thứ: Mê ô tô, có bằng lái xe ô tô từ năm còn đang là sinh viên. Hiện tại anh đã viết xong bản thảo dạy lái ô tô cùng một số đầu sách về y học chưa công bố. Vì yêu thích đồ họa nên Đoàn Lư có sở thích sưu tập logo. Ngoài ra, anh còn có bộ sưu tập dao lên đến hàng ngàn chiếc. Sinh ra và lớn lên ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, vùng đất được coi là thủ phủ của người Tày qua nhiều triều đại. Hiếm có người đàn ông Tày nào không biết và thích uống rượu nhưng Đoàn Lư lại rơi vào “hàng hiếm”.