Họa sỹ Lê Anh Vân: Không đúng mà đẹp

Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
TP - Anh chia sẻ, cực thích bài thơ “Biển” của Xuân Diệu, rồi cất giọng say sưa: “Cũng có khi ào ạt/Như nghiền nát bờ em…”. Tôi bỗng quên đi danh hiệu Phó giáo sư, nhà giáo nhân dân của anh, chỉ còn lại  họa sỹ, nghệ sỹ Lê Anh Vân.

Trong số những họa sỹ may mắn được biết, tôi đặc biệt thích Lê Quảng Hà và Lê Anh Vân. Tôi nghĩ, không có gì ngạo nghễ khi Lê Quảng Hà dám mạnh miệng tuyên bố: Tranh tôi treo ở toilet. Bởi một bức tranh đẹp thì treo đâu chẳng đẹp, không vì chỗ treo sang, hèn mà tăng hay giảm sức hấp dẫn của nó. Còn với Lê Anh Vân, ngay khi mới ngắm tranh của anh tôi đã bị “ngã gục” bởi sự khỏe khoắn, vạm vỡ toát ra từ tác phẩm. Nhìn tranh đã đoán ngay tác giả là một người đàn ông cực kỳ nam tính.

Xét về đề tài trong tranh, Lê Anh Vân thuộc diện “tham”: Có một thời đề tài chiến tranh, đề tài bộ đội trở thành nỗi ám ảnh của anh. Những người yêu tranh hẳn còn nhớ “Ký ức những ngọn đèn”, là một trong những tác phẩm giành giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật của anh. Bức tranh ca ngợi sức mạnh hậu phương khá xúc động, dùng thủ pháp đồng hiện  ba thế hệ phụ nữ trong chiến tranh. Cùng với đèn trời (ánh trăng), những ngọn đèn của những người phụ nữ đã soi sáng đường, sưởi ấm lòng chiến sỹ ta nơi trận tuyến. Không dừng lại ký ức chiến tranh, Lê Anh Vân còn chứng tỏ  vô cùng có duyên với những đề tài tưởng như khô khan. Những bức vẽ về thủy điện sông Đà, nhiệt điện Phả Lại, có lẽ còn giữ vị trí độc đáo dài lâu ở mảng đề tài công nghiệp trong hội họa Việt Nam. Còn đến bây giờ, sau những thành công đã gặt hái, khi đã trút bỏ sự bận rộn từ chiếc ghế hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Lê Anh Vân lại được thỏa sức sống với con người nghệ sỹ của mình. Tôi đoán, hình như anh đang phập phồng với đề tài tình yêu nam nữ. Anh thổ lộ, muốn vẽ một bức tranh ca ngợi tình yêu tuyệt đích nhưng không kém phần gợi cảm, kiểu như thi sĩ Xuân Diệu đắm đuối “muốn hôn rồi, hôn lại” trong thi ca. Thực ra, Lê Anh Vân trong hội họa cũng gần với Xuân Diệu trong thơ tình ở điểm: Náo nức và cuồng nhiệt. Với một người mang trong mình sức sống dồi dào như Lê Anh Vân,  không có gì khó hiểu khi anh được coi là một trong những họa sỹ đầu tiên ở Việt Nam sử dụng chất liệu tổng hợp. Sơn dầu, sơn mài hay lụa chưa đủ để Lê Anh Vân tung tẩy, bộc lộ hết mình. Người ta có thể tìm thấy trong tranh của anh các chất liệu khác: sơn, giấy, bột gỗ, véc ni, chất đắp…

Họa sỹ Lê Anh Vân: Không đúng mà đẹp ảnh 1

Tắm - Tác phẩm của Lê Anh Vân.

Đừng lẫn nghệ thuật với đạo đức

Sinh năm 1952, tuổi Nhâm Thìn, mệnh trường lưu thủy (dòng nước lớn), quê Lê Anh Vân ở Thanh Hóa. Phải chăng âm vang sông Mã cùng với mệnh trường lưu thủy, có ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách hội họa trong anh?

Tôi may mắn vì đến thăm họa sỹ vào một ngày anh đang vui: “Tôi mới đi Đà Nẵng về, vừa phát hiện ra một loài hoa rất là hay, thú vị quá đang phác thảo tranh”. Chắc anh đang lâng lâng vì sắp có một bức tranh hứa hẹn sẽ đẹp. Không khỏi vui lây trước niềm hân hoan của người nghệ sỹ đang trong men say sáng tạo,  tôi hỏi anh: “Đóa hoa độc đáo ấy có tên gì?”. Anh cười: “Người ta có nói tên nhưng tôi không tin cái tên đó nên tôi đặt lại cho nó một cái tên hay hơn”. Phải hồn nhiên và nghênh ngang cỡ nào mới đi đặt lại tên hoa người đời đã đặt? Anh còn bật mí thêm: “Tôi sẽ vẽ một bông hoa vừa mang vẻ đẹp mạnh mẽ, lại vẫn vừa gợi cảm”. Có lẽ Lê Anh Vân đang trên đà… hồi xuân, khi anh đặc biệt có hứng với những gì gợi sự gợi cảm.

Lê Anh Vân liên tưởng việc vẽ tranh tới chuyện phòng the: “Sáng tạo giống như con người ta làm tình, vừa vất vả, vật lộn, vừa thăng hoa. Nếu bạn yêu mà không có thăng hoa thì hỏng”.

Như nhiều nam họa sỹ, Lê Anh Vân không thể bỏ qua tranh nude. Gia tài nude của anh không đồ sộ, bởi nếu coi họa sỹ như một ông vua, đề tài là cung tần mỹ nữ, thì “ông vua” Lê Anh Vân ôm trong tay quá nhiều mỹ nhân. Cho dù “nude” có gợi cảm thì anh cũng chỉ “bố trí” một lượng thời gian vừa phải. 

Ngắm tranh nude của Lê Anh Vân bất chợt tôi nhớ đến tranh nude của họa sỹ Kim Thái, một người đàn bà miệt mài với nude. Cả Kim Thái và Lê Anh Vân đều mơ đến những người phụ nữ có vẻ đẹp “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Tuy nhiên hiệu ứng từ tranh lại khác nhau. Có lẽ vì đàn bà vẽ đàn bà nên đàn bà trong tranh Kim Thái hình như “ngoan” hơn, đàn bà trong tranh Lê Anh Vân cựa quậy khiến người ta xốn xang, như hư, như thực, như bay bổng, thoát xác lại cảm giác như… chốn trần gian. “Đã là tranh nude thì không thể không gợi cảm”, Lê Anh Vân công nhận. Anh không hề ngại khi đụng đến những vấn đề  tế nhị, trong mắt nhiều người. Một lần cùng con trai đi nghỉ ở Phú Quốc, anh bất ngờ phát hiện một phiến đá trắng như da thịt đàn bà, rồi một dòng nước đo đỏ rất đẹp lượn lách chảy qua. Anh lập tức dùng máy quay ghi lại, nhờ con trai dựng video art, có âm thanh minh họa là tiếng cười của đôi tình nhân khi nhìn thấy họa sỹ mải miết quay cảnh sống động bất ngờ của tạo hóa. Video này đã tham gia triển lãm về nước, khi chiếu lên nhiều người thích thú nhưng không ít người đỏ mặt. Lê Anh Vân quan niệm: “Đừng lẫn nghệ thuật với đạo đức. Vì sự lầm lẫn này đã khiến người sáng tạo sợ. Đã sợ là… vứt đi. Mình đã thích thì phải dám làm mới hay được. Giống như vẽ nude mà không xúc động thì hỏng”.

Họa sỹ Lê Anh Vân: Không đúng mà đẹp ảnh 2

Tranh mà giống ảnh thì…vứt đi

Một lần Lê Anh Vân cùng bà xã xem tranh trong một bảo tàng tại Pháp (bà xã của anh nguyên là trưởng khoa đồ họa của Đại học Mỹ thuật Việt Nam-pv). Anh chỉ cho vợ một đường chì ở một bộ phận thân thể trong tác phẩm nude: “Em thấy không, nhìn đường nét thì đơn giản nhưng rất gợi. Trông vừa đúng, vừa không đúng nhưng đẹp”. Theo Lê Anh Vân, đã là tác phẩm hội họa thì không đúng mà đẹp mới hay. Mà rồi vì đẹp mà trở nên đúng: “Vẽ như tô màu thì vứt. Đem so bức vẽ với ảnh thì vứt đi. Đó không phải hội họa. Hội họa như là sức sống từ bên trong mình thổi luôn vào bút pháp của mình. Cái quyết định trong hội họa là ngôn ngữ chứ không phải đề tài. Đề tài không đem lại vẻ đẹp đâu. Đề tài có cao sang đến mấy mà bút pháp nghệ thuật không tới thì cũng không có giá trị nghệ thuật gì”.

Lê Anh Vân liên tưởng việc vẽ tranh tới chuyện phòng the: “Sáng tạo giống như con người ta làm tình, vừa vất vả, vật lộn, vừa thăng hoa. Nếu bạn yêu mà không có thăng hoa thì hỏng”. Không ít lần anh đã vật lộn cùng tác phẩm. Như bức “Chiến lũy” nổi tiếng, ban  đầu được anh tạo hình một không gian mạnh mẽ đồ sộ, không có một người dân nào, chỉ có dăm anh bộ đội bằng chất liệu sơn mài. Nhiều người xem thấy thích, bảo tàng đã định mua. Nhưng Lê Anh Vân vẫn chưa hài lòng. Anh vẽ lại bằng sơn dầu với khối hình khỏe khoắn tạo nên tinh thần sẵn sàng nghênh chiến của người Hà Nội. Và đây là một trong những tác phẩm để đời của Lê Anh Vân. Cũng một đề tài khác về chiến tranh cách mạng, họa sỹ hình dung những ngọn đèn giống như những người đàn bà ở hậu phương đang chờ chồng nên đã vẽ bức “Những ngọn đèn” bằng sơn dầu vào năm 1984. Nhưng anh vẫn cảm thấy chưa đạt. Mãi gần 20 năm sau, sau nhiều suy ngẫm về tạo hình,  anh mới cho ra mắt  “Ký ức những ngọn đèn” bổ sung những gì tác phẩm trước chưa thể hiện được: “Tôi vẽ ba thế hệ người đàn bà. Cuộc chiến của mình trải dài quá. Suốt chặng đường đó không thể nào không có bóng dáng người phụ nữ, họ là những ngọn đèn”.

Một trong những đề tài Lê Anh Vân đã và đang thích thú chính là bù nhìn: “Khi tôi làm quản lí tôi phát hiện bù nhìn rất đẹp. Hầu như ngày nay bù nhìn đã vắng bóng trên cánh đồng, nhưng tôi vẫn ấn tượng hình ảnh  về con bù nhìn trên cánh đồng, nó gợi sự bình yên. Tôi suy nghĩ: Người ta tạo ra bù nhìn để đuổi chim nhưng chim lại không bay, mà đậu lại”. Từ ấn tượng bù nhìn, anh đã sáng tác: Không gian tĩnh, Bù nhìn 9… và chưa định dừng.

Hỏi Lê Anh Vân về phong cách. Anh định nghĩa: “Phong cách không phải lối vẽ, mà là phong cách phải chứa đựng tinh thần của con người đó, từ cách tư duy vấn đề đến cách thể hiện nó như thế nào?”. “Vậy phong cách Lê Anh Vân là thế nào?”, tôi hỏi tiếp. Anh cười: “Tôi chẳng biết phong cách của tôi là gì mà vẽ ra người ta nhận ra tôi”. Đúng là không khó để nhận ra anh, một người tình chung thủy của hội họa, dẫu đồng hành cùng hội họa trên một chặng đường dài mà vẫn dư thừa năng lượng. 

Người không cao, tên không đẹp

“Tên tôi không đẹp, nghe đã thấy phụ nữ rồi. Anh tôi, em tôi, tên đẹp hơn tôi nhiều. Vì cái tên tôi đã không đẹp nên phải cố gắng để làm đẹp cho tên mình. Chiều cao của tôi không nổi bật, nên tôi cũng cố gắng tạo chiều cao cho tôi”, họa sỹ dí dỏm.

Lê Anh Vân là một trong những họa sỹ được đào tạo bài bản. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sau nhiều năm làm công tác giảng dạy, anh được đi tu nghiệp Viện Hàn lâm Mỹ thuật Roma-Ý (1989-1993), và được nhận vào xưởng của giáo sư A.Trotti- một nghệ sỹ nổi tiếng của Ý. Lê Anh Vân nguyên là hiệu trưởng của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh đã được phong hàm Phó giáo sư, Nhà giáo nhân dân. Ở vị trí người thầy, anh luôn cố gắng tìm ra nét riêng biệt của mỗi học trò trong hội họa, từ đó kích thích họ tự tin và phát triển.

Trong đời sống riêng, Lê Anh Vân may mắn có một người vợ cùng nghề, một con trai cũng theo hội họa. Anh đã có cháu nội, tuy còn bé đã ham thích vẽ.

MỚI - NÓNG