Duyên nợ với nghề
Bên hông chợ Nhật Tảo náo nhiệt, lò rèn của ông Lê Văn Châu, 64 tuổi vẫn đỏ lửa trong suốt 35 năm qua. Dẫu cho cuộc sống hiện tại, nhiều thứ đều được sản xuất hàng loạt, ít người còn mặn mà với nghề rèn thì ông Châu vẫn giữ tình yêu nghề như thuở đầu tiên.
Ông Châu kể, trước đây ở Sài Gòn có trên dưới 50 lò rèn lớn nhỏ. Vào những năm 80, nghề rèn thịnh hành và là thời điểm “hoàng kim” nhất. Từ đe búa, liềm, dao, rựa, kéo cắt tôn, cho tới dụng cụ phục vụ nghề gò hàn, sửa chữa xe hơi… đều được đưa tới tay thợ rèn. Thời ấy, lò rèn của ông làm không có lúc ngơi tay, những đợt vào mùa thu hoạch lúa hay gần Tết, gia đình ông nuôi 4 – 5 người làm mà vẫn không hết việc. Sản phẩm làm ra tỏa đi khắp mọi nơi. Nhưng độ vài năm gần đây, do bị công nghệ máy móc hiện đại chèn ép, nhiều lò rèn đóng cửa. Riêng ông Châu vẫn bám nghề.
Kể về cái duyên đến với nghề rèn, ông Châu nhớ lại gần 40 năm trước, khi mới lập gia đình, ông đã trải qua nhiều việc như chạy xe ôm, bốc vác, thợ hồ…mà vẫn không đủ sống. Thấy vậy cha vợ ông, khi đó vốn là một thợ rèn có tiếng đã gọi ông về và truyền dạy nghề rèn truyền thống của gia đình. Chăm chỉ, khéo léo và sức khỏe dẻo dai, một thời gian ông Châu đã tự đứng ra mở một lò rèn ngay tại nhà mình.
Tranh: Nguyễn xuân Hoàng
Cuộc sống gia đình đang dần đi vào ổn định thì cuộc hôn nhân của ông đổ vỡ. Sau khi chia tay với vợ, ông Châu đi bước nữa với bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Sau khi về làm vợ ông Châu, hằng ngày bà Nguyệt cùng ông đập búa, qua thời gian, tình yêu của bà đối với nghề cũng chẳng khác gì ông Châu. Những lúc ông mệt nhọc, bà cũng có thể tự mình đứng lò.
Có thời gian tưởng chừng như lò rèn phải đóng cửa, ông Châu kể, bởi không có đơn đặt hàng nên ông phải quay lại với nghề chạy xe ôm. Nhưng rồi vì nhớ, vì yêu nghề rèn mà ông với bà đã quyết đi tìm các mối làm ăn, ấy là những nơi sửa chữa xe ô tô. Buổi đầu khó khăn, dù chỉ có một đơn đặt hàng ông vẫn làm. Từ uy tín lò rèn của mình, có nhiều mối thân quen đã theo ông suốt từ những buổi khó khăn cho tới bây giờ.
Sản phẩm được làm thủ công tại lò rèn của ông Châu.
Nghề vất vả
Trời Sài Gòn nắng như đổ lửa, ông Châu vừa đổ than vào lò, vừa đưa thanh sắt vào nung đỏ, xong mang ra đặt trên đe to chắc chắn, tay trái ông giữ chặt thanh sắt, tay phải giáng những nhát búa chắc khỏe xuống, âm thanh “chát”, “bụp” cứ thế phát ra. Khắp người ông mồ hôi nhễ nhại, ướt nhẹp cả áo, ông giơ tay quệt ngang trán lau mồ hôi. Nhìn ông thoăn thoắt làm liên tục, không ai nghĩ người đàn ông ấy đã bước qua tuổi lục tuần.
Không gian làm việc của ông là một khoảng sân ngay trước cửa nhà, chỉ rộng chừng 10m2. Phía trên không che chắn gì để lấy ánh sáng, chỉ có một cái quạt duy nhất, dù nó hoạt động hết công suất cũng chẳng thấm vào đâu so với nhiệt tỏa ra từ bếp lò. Ông cho biết: “Cái nghề này là thế đấy. Đã làm là phải làm liên tục, khi nào lò hết đỏ thì mới dừng. Nóng, mồ hôi, than bụi khắp cả nhưng chẳng sao. Càng nóng bức, càng đen nhẻm vì than thì lại càng vui, bởi như thế có nghĩa là vẫn có việc làm, vẫn có cái ăn”.
“Cùng với những ngành nghề truyền thống khác như làm chiếu cói, nghề dệt, nghề đúc đồng…thì nghề rèn cũng dần đi vào mai một. Trước sự phát triển của xã hội, người ta không thể phủ nhận được vai trò của máy móc công nghệ hiện đại đã giúp nâng cao đời sống và giảm sức lao động của con người đi rất nhiều. Tuy nhiên xét từ góc độ văn hóa thì nghề rèn đã từng một thời gắn bó với cuộc sống của người dân Việt, vì thế cũng cần phải gìn giữ và phát triển”
Tiến sĩ mỹ học Lâm Vinh nói
Theo ông Châu nghề rèn không chỉ cần sức khỏe mà cần sự tỉ mỉ và khéo léo. Bởi yêu cầu của nghề là phải chính xác từng milimet, phải cẩn thận từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Không chỉ vậy, một người thợ rèn giỏi là phải biết cách nhóm lò sao cho ngọn lửa đều và nhiệt luôn ổn định, phải biết cách chọn than, biết cách chọn vật liệu sao cho khéo, phải xác định được thời gian nung cho từng loại vật liệu… Thấy tôi chăm chú nhìn bà Nguyệt rèn, ông Châu cười nói: “Hồi bả mới về còn chẳng dám ngồi gần cái bếp, thế mà chỉ vài lần phụ tôi quét dọn và quai búa cùng là bây giờ bả đã có thể tự mình làm rồi đấy”.
So với những năm trước đây, các sản phẩm được sản xuất ở lò rèn của ông không còn phong phú như trước nữa. Chủ yếu là các loại dao, kéo cho các tiểu thương ở chợ, kéo cắt tôn… Mối thân thuộc nhất với ông đó chính là các tiệm sửa xe hơi ở đường An Dương Vương, quận 5, tại đây họ đặt ông làm các dụng cụ để sửa xe như đe cầm tay, búa gò, đầm dúm… mà máy móc chưa chế tạo được. Chị Hoa, một tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ Nhật Tảo cho biết đã dùng các mặt hàng dao, kéo ở chỗ ông Châu gần chục năm nay. “Các loại dao kéo ông ấy làm cho tôi sử dụng rất bền và mẫu mã cũng chẳng thua kém gì mua ở siêu thị. Dù sử dụng liên tục và luôn phải chặt mạnh nhưng tôi chưa bao giờ thấy bong cán hay quăn lưỡi”, chị Hoa nói.
Tuy vất vả và lắm công phu nhưng vợ chồng ông Châu cũng chỉ đủ ăn với nghề rèn này. Mỗi sản phẩm của ông bán ra chỉ lời từ 15 – 30 nghìn đồng, và không phải ngày nào cũng có mối để làm. Có khi 3 – 4 ngày liền bếp không đỏ lửa. “Trước đây thì còn có thể làm giàu bằng cái nghề rèn này, nhưng nay thì chỉ đủ ăn thôi. Cũng may là hai đứa con tôi chúng đều đi làm cả rồi, vì thế cuộc sống cũng không đến nỗi”, ông Châu tâm sự.
“Trước đây từng có vài người xin vào làm, được một thời gian thì họ đều nghỉ hết. Phần vì quá vất vả, suốt ngày phải chịu cảnh nóng bức và nhem nhuốc, phần vì thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Thôi thì coi như mình là người cuối cùng của cái nghề này vậy”- ông Châu cười.
Thất truyền
Ít ai biết rằng khi còn trẻ ông Châu từng một thời ngang dọc, quậy phá. Nhưng từ sau khi học được nghề rèn, ông đã thay đổi và tu chí làm ăn. Từng chứng kiến buổi hưng thịnh nhất của nghề, cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn khi không có một đơn đặt hàng của khách, ông Châu lại càng yêu và càng quyết tâm bám nghề lâu hơn.
Đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe ngày càng giảm sút, điều mà ông Châu luôn trăn trở đó chính là mai này lò rèn sẽ có lúc đóng cửa bởi không có ai kế nghiệp. “Tôi có một thằng con trai, cũng từng cho nó học nghề và theo làm một thời gian, nhưng nó yếu quá, vác cái búa còn chẳng nổi. Chắc mai này khi tôi già yếu thì đành phải để lò rèn này rơi vào cảnh tro tàn nguội lạnh thôi. Có lần tôi đã khóc như trẻ con khi mơ thấy tôi mang hết đồ nghề ra bán ve chai vì chẳng còn ai tới đặt hàng nữa”, ông Châu buồn bã.
Những âm thanh “chát”, “bụp” vẫn phát ra từ con hẻm nhỏ nơi có lò rèn của gia đình ông Châu. Nhiều người dân xung quanh cho biết lúc đầu cũng hơi khó chịu vì những âm thanh inh tai ấy. Nhưng họ cũng thông cảm vì vợ chồng ông Châu là người sống tình cảm, vào buổi trưa và chiều tối ông bà không bao giờ làm việc, vì đó là thời gian nghỉ ngơi của người dân. “Thỉnh thoảng không được nghe thấy tiếng quai búa phát ra từ lò rèn là tôi lại thấy thiếu thiếu và chạy sang hỏi thăm ngay”, chị Nhung, nhà đối diện với gia đình ông Châu cho biết.