Nguyễn Trọng Đoan: Tung tăng cùng gốm

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.
TP - Tôi được biết anh qua nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, đi kèm lời “quảng cáo” sang trọng: Đó là người làm gốm đẹp nhất Việt Nam. Gặp Nguyễn Trọng Đoan, nhắc lại lời tung hô của nhà điêu khắc, anh lắc đầu: Đừng nói vậy, tôi xấu hổ lắm. Nghệ thuật xếp hạng  không chính xác đâu.

Đường đến nhà Nguyễn Trọng Đoan không mông lung  thế mà sự cẩn thận của anh đã biến địa chỉ nhà mình thành một nơi bí mật, cứ đi được một đoạn chàng lại gọi điện hướng dẫn tiếp lối vào. Vẻ đẹp của gốm gần với vẻ đẹp của đất, hiền hậu, âm thầm, người làm gốm hình như cũng vậy? Bước vào nhà Nguyễn Trọng Đoan khiến tôi bất giác nhớ đến căn phòng của điêu khắc gia ẩn dật Lê Công Thành.

 Nếu nhà Lê Công Thành tượng ngả khắp nơi, thậm chí bây giờ, tượng làm ra không ai mua, không chỗ để, không ngượng ngùng phô bày vẻ đẹp thân thể ồn ào sinh sôi dưới ban công nhỏ xíu. Còn các tác phẩm gốm của Nguyễn Trọng Đoan chật ních trong nhà, dưới bếp, người miền núi dùng chum đựng rượu, Nguyễn Trọng Đoan mở chum ra là… tác phẩm gốm, từ lớn đến bé, được bọc gói cẩn thận, xếp chồng lên nhau. Vừa yêu người nghệ sỹ đam mê với nghề, vừa thương cho những tác phẩm của anh, đáng ra được hãnh diện trong những nơi trưng bày tử tế, đằng này lại nấp trong bếp cùng với nồi niêu, cơm gạo. 

Anh tâm sự: “Trước đây, tôi có ông bạn có nhà rất rộng, đất rất rộng, ông ấy cho tôi mượn làm cái lò ở đấy. Rồi sau này ông bạn cần dùng nhà để chuyển đổi việc khác, thế là tôi hết chỗ”. Bây giờ, Nguyễn Trọng Đoan vẫn làm gốm nhưng làm để thỏa tình yêu, không có môi trường thỏa sức sáng tạo: “Cứ làm được nhiều, tôi thuê xe chuyển đi, xuống Hải Dương nung”. 

Trước kia một ngày của nghệ sỹ bận rộn: Sáu rưỡi sáng đã bắt đầu đến nơi làm gốm, làm miệt mài đến tối mới trở về nhà. Còn bây giờ như chính anh tự thú “thời gian không còn qui định nào nữa cả. Tôi thức đêm xem phim đọc truyện đến ba giờ sáng mới ngủ. Ngủ đến chín, mười giờ sáng hôm sau”. Anh chỉ vào ô đất trước nhà mình: “Giá như mua được một miếng đất thế này, tôi sẽ lại làm lò gốm”. Và nếu có lò gốm hẳn anh sẽ bớt phải tiêu khiển bằng đọc truyện, xem phim?

Nguyễn Trọng Đoan: Tung tăng cùng gốm ảnh 1

Nghệ sỹ gốm Nguyễn Trọng Đoan.

Không nhân bản gốm

Nguyễn Trọng Đoan đến với gốm khi mới 17 tuổi, là một trong những học sinh đầu tiên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1959: “Chúng tôi ngày ấy đa phần ở nông thôn, hồn nhiên, ngây ngô, thật thà, trẻ trung, chưa có khái niệm về nghề, về bộ môn sắp được học, chỉ có sự háo hức với môi trường sống mới. Nhà trường phân học nghề nào, ngành nào thì vui vẻ chấp nhận, không có đề đạt nguyện vọng. Một thời nghèo nhưng thanh bình”. 

Thế hệ của Nguyễn Trọng Đoan khá thành đạt, có nhiều tên tuổi ghi dấu ấn trong làng hội họa, điêu khắc Việt: Lê Ngọc Hân, Lê Đình Quì, Trần Tuy, Tạ Quang Bạo… Nếu Tạ Quang Bạo nổi tiếng vì mê gái và mê tượng thì Nguyễn Trọng Đoan thua Tạ Quang Bạo ở vế đầu, còn niềm say mê nghệ thuật chắc chắn không thua: “Lúc nào tôi cũng nghĩ về gốm. Lúc nào tôi cũng nghĩ về đồ của tôi, nên tôi mới làm được nhiều như thế”. Nguyễn Trọng Đoan từng có triển lãm chung với danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, vào năm 1989, tại Hà Nội. Người kết nối Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Trọng Đoan trong triển lãm quảng bá tranh sơn mài và gốm, chính là nhà phê bình Thái Bá Vân.

Nhiều người trong giới đánh giá: Nguyễn Trọng Đoan có công thổi làn gió mới vào công cuộc cách tân gốm thời hiện đại.

Không giống như nhiều nghệ sỹ thời nay, luôn kết hợp niềm say mê với chuyện cơm áo, thậm chí họ coi giá trị quy ra vật chất của tác phẩm là thước đo của tài năng. Nguyễn Trọng Đoan yêu gốm với một tình yêu không toan tính, chơi gốm như một thú chơi cao sang. 

Anh nghỉ hưu sớm ở Viện Mỹ thuật (nay là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) để có điều kiện tung tăng cùng gốm. Năm 1980, anh mở lò gốm đầu tiên, với hai chỉ vàng gom góp và vay mượn được, số tiền đủ mua chiếc xe máy, một tài sản lớn thời bấy giờ. Trong cơn khủng hoảng chung của hội họa ở ta hôm nay, không ít họa sỹ  có  nguy cơ trở thành nhà sưu tập (không mong muốn) tác phẩm của chính mình. 

Từ lâu, Nguyễn Trọng Đoan đã âm thầm tự nguyện với vai trò làm nhà sưu tập gốm của mình. Không phải gốm của anh không bán được mà anh không muốn bán: “Bán đi thì tiếc. Mỗi thứ tôi có một bản thôi. Tôi không nhân bản, không phải người sản xuất mà là người sáng tạo, người chơi thôi. Những lúc cần thiết, giả sử như khó khăn lắm thì tôi bán một ít để sống”.

Nguyễn Trọng Đoan: Tung tăng cùng gốm ảnh 2

Tác phẩm của Nguyễn Trọng Đoan.

Anh tiết lộ: “Gốm của tôi bán cho các đại gia hay cho người nước ngoài thì đắt chứ không rẻ. Nhưng so với mặt bằng tranh thì rẻ hơn nhiều. Tranh sơn dầu những người nổi tiếng bán 5-7 ngàn đô, cho đến chục ngàn đô hoặc hơn. Còn tác phẩm của tôi cao nhất cũng chỉ bán hai ngàn đô cho Bảo tàng Mỹ thuật hoặc bán cho người nước ngoài cao nhất cũng chỉ có thế”. 

Lý do khách nước ngoài mê gốm Nguyễn Trọng Đoan có lẽ bởi: “Tôi không bị ám ảnh ai cả, kể cả phong cách của thổ dân, tôi đi một dòng riêng”. Dưới bàn tay tài hoa của anh người ta được thấy gốm vặn mình phá cách: Nào là gốm mộc, điêu khắc gốm rồi những hoa văn, hình khối chưa thấy bao giờ… Điều này khác với gốm Bát Tràng ám ảnh bởi quá khứ, mang bóng dáng Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Nhiều người trong giới đánh giá: Nguyễn Trọng Đoan có công thổi làn gió mới vào công cuộc cách tân gốm thời hiện đại. Như Tạ Quang Bạo thì nhất định xếp Nguyễn Trọng Đoan ở vị trí số 1 trong đội ngũ những người làm gốm Việt Nam. 

Tất cả lời khen của dư luận, nghệ sỹ đều cảm ơn nhưng nhất định không nhận: “Tôi chỉ biết làm nghề thôi, còn nghệ thuật không xếp hạng được. Đẹp hay xấu do cảm nhận của người xem. Theo tôi, nghệ thuật xếp hạng là không chính xác, chỉ có nghệ sỹ đó được nhiều người thích hay ít người thích, thế thôi. Tôi không thích quan điểm nhất, nhì. Tôi từng nói với anh Tạ Quang Bạo rằng: Tôi nghèo nhất trong những thằng làm gốm, sang Bát Tràng giờ nhiều tỉ phú lắm. Nếu lấy tiêu chí là tiền thì mình là bét rem, không thể so được, nhưng cái yêu thích nhất của mình là gốm”.

Cũng như nhiều nghệ sỹ khác, trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Đoan không thiếu bóng dáng đàn bà với vẻ đẹp phồn thực. Anh thản nhiên lí giải: “Đàn bà là cảm xúc chung, là vấn đề nhân văn đáng được quan tâm”. Tuy có nhiều người đàn bà trong nghệ thuật, còn trong đời thực, Nguyễn Trọng Đoan chỉ có một người đàn bà duy nhất, anh từng viết trong cuốn sách của mình: “Tôi nghỉ hưu và làm gốm từ lúc vợ tôi còn đang là quân nhân và hai con  trai của tôi còn nhỏ. Cả nhà cùng chịu bao khó khăn và phải chịu nhiều thiệt thòi vì tôi không lo được kinh tế cho gia đình. Vợ tôi phải lo liệu tất cả. Tôi thương vợ và hai con tôi rất nhiều”.

Thi sĩ ẩn mình

Một sở thích khác của Nguyễn Trọng Đoan ít được người khác biết: Làm thơ. Anh có một tập thơ “Mười năm đã qua” sáng tác trong mười năm: 1980-1990, tập thơ không xuất bản, tác giả tự photo, tự đóng thành sách. Anh sáng tác về vợ, về con, về những người đàn bà tạo cho anh cảm xúc và không thể thiếu những trải lòng về gốm: “Cái nghề làm đồ gốm/Có lúc vui, lúc buồn/Người vui-Gốm cũng vui ca/Người buồn-Gốm cũng lo xa mà buồn”. Cũng trong tập thơ, người ta thấy một chân dung khác của anh: “Sáng nay, hút điếu thuốc lào/Ta nằm vật xuống thuốc lào say ta/Kiến bò, buồn khắp trong da/Chân tay run rẩy/La đà-ta say/Lâng lâng như bước như bay/Hẳn rồi, chẳng chối ta say thuốc lào”.

Sờ gốm thích hơn nhìn

Nguyễn Trọng Đoan cho rằng, quần chúng yêu thích gốm ở mức bình thường sẽ ngại bỏ tiền mua gốm. Bởi họ mua một bức tranh có thể “sang cái nhà ra”, gốm bầy trong nhà thì “lọt thỏm”: “Gốm phải chơi nhiều, ít ra là phải có một tủ. Kể ra so với tranh thì gốm vẫn rẻ chứ không đắt, bỏ ra chục ngàn đô là đã có một cái tủ rất đẹp, còn tranh thì có khi chỉ được một bức. Song phải thừa nhận tranh sang hơn gốm”. Hỏi nghệ sỹ có ngậm ngùi không khi nhìn sang tranh. Anh có vẻ không hài lòng với câu hỏi này: “Đã nghĩ thế thì chuyển sang làm việc khác, đã chạy theo thị hiếu”.

Tranh sang hơn gốm theo quan điểm của Nguyễn Trọng Đoan nhưng tranh không tạo cảm giác khi sờ mó, còn gốm lại hoàn toàn có thể. Khi còn sống, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chơi thân với nhà phê bình Thái Bá Vân, là người hàng xóm thân thiết của Nguyễn Trọng Đoan. Trịnh Công Sơn mỗi lần sang chơi với Nguyễn Trọng Đoan lại ngồi nhắm mắt say mê sờ gốm. Nghệ sỹ nhớ lại: “Anh Sơn thích cảm giác sờ mó gốm. Anh bảo: Tôi nói thật với Đoan, cảm giác sờ mó thích hơn cảm giác nhìn”.

Nguyễn Trọng Đoan có cảm hứng với loài vật khi sáng tác gốm. Trong các đồ vật của anh có nhiều hình ảnh chim: “Tôi không ám ảnh chim nhưng chim khai thác được nhiều hình ảnh đẹp”. “Chim xanh”, chính là một trong những tác phẩm gốm của anh được vinh dự nhận giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Anh mang ra một đồ vật bằng gốm đố tôi: “Cô đoán là con gì?”. Thấy tôi bí, anh cười: “Con cua. Tôi làm con vật không giống con vật nhưng lại khiến người ta nghĩ ra nhiều cách để liên tưởng đến con vật đó. Đó là cách giúp người xem cùng cảm nhận và thăng hoa với mình”.

Không nhớ nổi đã “sinh” bao nhiêu “đứa con”. Ngoài số lượng tác phẩm đồ sộ chật nhà, chật bếp, Nguyễn Trọng Đoan còn gửi khoảng 200 “đứa con” trong cái kho ở nhà bạn. Thế mà anh vẫn tiếc, không muốn bán bất kể “đứa con” nào. Một dạo anh làm tranh khắc gỗ bán, khá chạy: “Tranh của tôi cũng khác tranh người khác vì lấy mô tip của gốm ra”. 


MỚI - NÓNG