NSND Kim Cương: 'Tôi là đào bi'

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Non 20 năm rời khỏi ánh hào quang sân khấu, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương giờ đây vui sống cùng những mảnh đời bất hạnh. Bà nói rằng: “Đời tôi chỉ toàn vào vai đào bi, những nhân vật chính đau khổ, nên tự mình đã hiểu và nếm trải nhiều nỗi khổ đau của con người”.

Đứa con đẻ rơi ở cửa Thượng Tứ

Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937. Cha bà là ông Nguyễn Phước Cương (bầu gánh Đại Phước Cương), mẹ là Lê Thị Nam (Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam). Mẹ của ông Phước Cương là bà Ba Ngoãn, chủ gánh hát bội nổi tiếng.

Theo ghi chép của Vương Hồng Sển, bà Ba Ngoãn là chỗ thân tình với vua Thành Thái lúc nhà vua bị phế truất và phải vào Nam trú thân. Vương Hồng Sển cũng ghi lại chuyện những năm 1920, trong cuộc trưng bày đồ cổ ở Sài Gòn người ta còn thấy bộ đồ uống trà mà cựu vương Thành Thái tặng bà Ba Ngoãn.

Từ đó trong dân gian có câu chuyện ngờ rằng ông Phước Cương là con rơi của vua Thành Thái với bà Ba Ngoãn, nhưng hư thực thế nào không ai biết, chỉ biết câu chuyện tình bạn đẹp có thật giữa nhà vua yêu nước và một chủ gánh hát nổi danh Nam Kỳ.

Nghệ sĩ Kim Cương tiết lộ với tôi: “Thời điểm và nơi tôi sinh, nhiều sách báo nói khác nhau. Sự thật là lúc mang bầu, mẹ tôi đang lưu diễn ở kinh đô Huế. Khi đi ngang cửa Thượng Tứ, bà đẻ rơi tôi!”. Nghệ sĩ cho biết: “Có một số giấy tờ gia đình ghi lại sự kiện tôi là người Nam nhưng lại sinh ra ở Huế như một người Huế vậy, thật ra tôi chỉ ở Huế vỏn vẹn có 20 ngày”.

Theo từ điển mở Wikipedia, cô bé Kim Cương “đến với sân khấu từ lúc mới sinh được 10 ngày tuổi trong vai con của Quan Âm Thị Kính. Với vai đầu đời, được vinh hạnh "diễn" trong lễ mừng thọ Thái hậu Từ Cung với "đạo cụ" là một bình sữa.

Thật hiếm gia đình nào mà cả hai mẹ con đều được phong Nghệ sĩ Nhân dân như nghệ sĩ Bảy Nam và nghệ sĩ Kim Cương. Chính người mẹ dạy bảo con gái yêu những kỹ thuật diễn xướng dân gian.

Kỳ nữ và kỳ nhân

Nghệ sĩ Kim Cương sinh ra trong gia đình sung túc và thành đạt, nhưng luôn sống tự lập với cá tính mạnh mẽ. Ban đầu bà đi theo gánh hát cải lương đồ sộ của gia đình, nhưng tuổi trẻ thích sáng tạo, khi kịch nói bắt đầu được chú ý, Kim Cương đã sáng lập một trong những đoàn kịch nói đầu tiên của Sài Gòn vào khoảng năm 1959.

NSND Kim Cương: 'Tôi là đào bi' ảnh 1

NSND Kim Cương

Vì là môn nghệ thuật mới, đã thế lại chưa thu hút được khán giả và những người làm nghề, Kim Cương vừa kiêm chủ của đoàn kịch, vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn, vừa làm diễn viên chính. Báo chí gọi bà là “kỳ nữ”.

“Vở đầu tiên tôi viết có tựa đề: Tôi làm mẹ”- nghệ sĩ nhớ lại, thời điểm đó tác giả còn là cô gái chưa chồng. Sợ kịch bản không hay, tác giả lấy tên đứa cháu 6 tuổi làm bút danh. Đứa cháu lúc ấy còn chưa biết chữ.

“Vở tạo dấu ấn nhất là vở Trà Hoa Nữ mà tôi phóng tác từ nguyên tác tiếng Pháp”. Nghệ sĩ Kim Cương du học 3 năm ở Pháp để chuẩn bị cho việc phát triển môn kịch nói. Khi thấy khán giả ngồi xem tới 1 giờ sáng vở kịch, tác giả hiểu rằng kịch nói có thể sống được giữa xứ sở của cải lương, tuồng.

Trước năm 1975, nghệ sĩ Kim Cương là một trong những tên tuổi lớn, bởi ngoài cải lương, kịch nói, bà còn làm 7 bộ phim nhựa đình đám, có chuyên mục kịch trên truyền hình, giữ một trang trả lời thư bạn đọc trên báo Điện Tín.

Không những thế, bà đã từng đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Đại hội điện ảnh Á châu 1974 (tổ chức ở Đài Loan), giải Nữ diễn viên đóng nhiều vai chính nhất của Đại hội điện ảnh Sài Gòn 1973. Nghệ sĩ cũng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác nhận kỷ lục là "Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam", Huân chương lao động hạng 3…

Người ta cho rằng chính vì yêu kỳ nữ Kim Cương mà thi sĩ Bùi Giáng bị điên tình. Trong bài “Cô Kim Cương ơi” trong tập “Sa mạc phát tiết”, Bùi Giáng viết: “Nếu ngày sau tôi chết đi mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt. Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được”.

Bùi Giáng lại viết:

Kính thưa công chúa Kim Cương
Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây
Tờ thư rất mực mỏng dày

Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?

Nghệ sĩ Kim Cương nói rằng, bà không muốn nói về mối tình của Bùi Giáng thêm nữa, bởi “Bùi Giáng là một người rất đặc biệt, vì thế mà tình cảm của anh ấy cũng không giống ai”.

Suýt bị ám sát

Nghệ sĩ Kim Cương ít khi nói về chuyện tình cảm gia đình riêng của mình, bởi bà muốn giữ những gì riêng tư cho bản thân. Hiện tại nghệ sĩ sống trong tư gia ở quận Phú Nhuận, với người con trai. Bà cho biết hai vợ chồng quen nhau ở tòa soạn Điện Tín, lập gia đình khi bà 35 tuổi và sống với nhau được quãng thời gian khá lâu, sinh bé To Ro trong năm tháng khó khăn.

Năm 1975 đất nước thống nhất, đoàn Kịch nói Kim Cương được ưu ái cho tổ chức biểu diễn liên tục. Bà đã làm trưởng đoàn từ năm 1975-2000. Sau năm 1975, những nghệ sĩ tên tuổi được người xem mến mộ nhiều hơn, nhưng cũng bị những kẻ quá khích của chế độ cũ căm ghét. Nhân lúc hỗn độn, một nhóm tội phạm chuyên bắt cóc tống tiền đã bắt cóc con của nghệ sĩ Thanh Nga và con của nghệ sĩ Kim Cương.

Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga chống trả quyết liệt để giữ con nên bọn cướp bắn chết cả hai người trên xe hơi. Bọn cướp cũng bắt bé To Ro con của nghệ sĩ Kim Cương, đòi 100 lượng vàng tiền chuộc. Gia đình đã giao 20 lượng vàng để chuộc lại con. Nhớ lại ngày tháng kinh hoàng, nghệ sĩ Kim Cương nói: “Chúng bắt cóc To Ro ở trường, chứ nếu bắt trên đường về thì tôi cũng sẽ kháng cự đến cùng và chịu số phận như Thanh Nga”.

Trong quá trình điều tra vụ án bắt cóc trẻ em, cơ quan an ninh đã phát hiện ra một tổ chức phản động khủng bố cũng đang lên kế hoạch giết hại các nhân vật có uy tín trong xã hội như ông Dương Văn Minh, luật sư Ngô Bá Thành, nghệ sĩ Thanh Nga và nghệ sĩ Kim Cương.

“Tôi gặp một số khó khăn trong nghề nghiệp - Nghệ sĩ nói - Không ít người nhận xét các vở kịch của tôi trước năm 1975 là ủy mị, chỉ thấy tâm lý tình cảm, chỉ thấy nói tới lòng yêu thương mà không thấy nói đến lòng căm thù và tại sao tôi lại không viết những vở kịch đề cao tinh thần căm thù giặc?”.

Trầm ngâm, tác giả nói: “Tôi chỉ xây dựng cho con người niềm yêu thương. Khi có lòng yêu thương rồi, con người sẽ biết được mình phải căm ghét những điều gì”.

“Bùi Giáng là một người rất đặc biệt, vì thế mà tình cảm của anh ấy cũng không giống ai”.

Thời kỳ ăn cơm độn ấy, bà cùng đoàn kịch của mình ra

Bắc diễn. Đó là chuyến lưu diễn miền Bắc duy nhất của họ: “Hóa ra nhiều người Bắc biết đoàn kịch nói chúng tôi và họ đến xem đông, tình cảm nồng hậu”. Những vở kịch do bà viết kịch bản như: Lá sầu riêng, Trà hoa nữ, Nước mắt con tôi, Người mua hạnh phúc, Dưới hai màu áo… đã chạm được vào bề sâu của tâm hồn con người, dù khán giả sống trong xã hội nào. 

5/2014

Cứ góp đủ tiền là đi từ thiện

Rút lui khỏi sân khấu gần 20 năm, cuộc sống của nghệ sĩ Kim Cương hiện nay gắn bó với Phật pháp. Bà nói: “Tôi là đệ tử của Hòa thượng Thích Thanh Từ”. Đại lão hòa thượng phái thiền tông, rất uy tín nhưng ẩn dật hầu như không mấy ai gặp được. Bản thân tôi cũng nhiều lần liên lạc mới gặp được nghệ sĩ Kim Cương.

Hiện NSND Kim Cương là Phó chủ tịch Hội bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi TPHCM, Thường vụ Ban chấp hành Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM. Nghệ sĩ nói: “Tôi làm từ thiện từ khi giữ chuyên mục trên báo Điện Tín. Hồi đó cứ quyên góp đủ tiền là làm từ thiện chứ không tổ chức ban bệ quy củ như bây giờ”.

Tôi hỏi rằng bà hài lòng điều gì nhất sau gần hai thập kỷ rời xa sân khấu, NSND Kim Cương nói: “Chúng tôi làm được rất nhiều việc thiện nguyện cho trẻ em, người tàn tật và khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo. Hầu như ngày nào tôi cũng làm việc vất vả từ sớm tới tối theo các chương trình. Hài lòng nhất là việc tạo dựng được một ngôi trường dạy nghề dành cho trẻ khuyết tật”.

Bà trẻ ra nhiều mà không cần son phấn gì, bởi tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hàng ngày: “Khoảng 1.000 em được chúng tôi dạy nghề ra trường, trong đó 80% xin được việc làm. Nhiều khi các em ra trường, tôi ngồi một mình mà rớt nước mắt. Tàn tật như các em, nếu không có một nghề nghiệp gì, cuộc đời chỉ còn cách ăn xin, bán vé số”.

NSND Kim Cương: 'Tôi là đào bi' ảnh 2NSND Kim Cương (bên phải) và bà Bùi Thị Mè - bà mẹ Việt Nam anh hùng .Ảnh: T.L
Chào tôi, bà vội vàng chuẩn bị quyên góp quà để tổ chức một chuyến đi thăm trại phong ở miền Đông vào cuối tháng 5 này.
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.