Điêu tàn phủ Huế

 Một ngôi phủ hoang tàn ở Vĩ Dạ
Một ngôi phủ hoang tàn ở Vĩ Dạ
TP - Trong hàng trăm hoàng tử công chúa chỉ một người được làm vua và ở lại Đại Nội, anh chị em của ngài đều rời khỏi cung sống trong các phủ (dành cho hoàng tử), đệ (nhà của các công chúa). Phủ đệ của Huế như một di sản văn hóa riêng của cố đô, nhưng chúng đang hoang tàn theo năm tháng.

Phủ “vắng chủ”

Vĩ Dạ là nơi có khá nhiều phủ đẹp nổi tiếng. Ngày nay nhà cửa và quán xá mọc lên chi chít còn phủ đệ số phận khá hẩm hiu với những tượng nứt, ngói vỡ, cỏ dại.

Phủ của thượng thư Ưng Thông xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo kết hợp văn hóa Đông Tây, phủ to lớn đồ sộ phảng phất phong vị của đô thành đang được hiện đại hóa trong thời nửa thuộc địa. Giờ đây phủ hầu như bị bỏ hoang, cỏ dại rêu phong mọc đầy. Người ta không khỏi ngạc nhiên chuyện giữa thời tấc đất tấc vàng lại sừng sững những ngôi nhà cổ vắng chủ. Một thanh niên đang dọn dẹp ngôi mộ lớn trong sân nói: “Ngôi phủ trải qua mấy chủ sử dụng rồi, nghe nói giờ đây nhà nước lẫn gia đình đều không bên nào có đủ giấy tờ để sở hữu”. Tòa nhà ngang lợp ngói ta đóng kín, chỉ gian chái được dùng làm nhà thờ bật sáng ánh đèn. Trước cổng, con cháu gia đình mở quán cà phê cóc.

143 năm triều Nguyễn (1802-1945), chưa kể thời kỳ các đời Chúa trước đó, hàng trăm hoàng tử công chúa, hàng ngàn quan lại sống ở Huế với những ngôi phủ được xây dựng công phu theo điển chế của triều đình. Gỗ lạt, vật liệu, các kíp thợ đến từ cả nước. Mỗi ngôi phủ lại có một nét riêng theo thẩm mỹ từng thời và sở thích của gia chủ. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết: “Trong khoảng 1.000 phủ đẹp của Huế xưa, chỉ còn lại 300 phủ, trong số này chỉ khoảng 30 phủ tương đối nguyên vẹn”.

Cám cảnh hơn cả có lẽ là ngôi biệt phủ của bà Từ Cung! Bà là Hoàng Thái Hậu, mẹ của vua Bảo Đại. Khi nhà vua đi theo cách mạng, rồi sang Pháp, sống cuộc đời chính trị trôi nổi, việc thờ phụng kết nối họ hàng hoàng tộc một tay bà Từ Cung lo liệu. Phủ đệ đều được bà động viên hỗ trợ khi khó khăn.

Theo quy định của triều đình, tài sản trong kinh thành là tài sản quốc gia, không thuộc vị vua nào cả. Mỗi khi vua cũ băng hà, vua mới nhậm chức đều có biên bản bàn giao tài sản trong Tử Cấm Thành. Tài sản riêng của dòng tộc nhà Nguyễn thuộc phủ An Định, cách kinh thành khá xa, do mẹ của vua trông nom. Khi Ngô Đình Diệm lên cầm quyền đã buộc bà Từ Cung phải rời phủ An Định và quốc hữu hóa cả ngôi phủ tư gia của dòng họ nhà vua. Bà Từ Cung đã phải chuyển ra sinh sống ở ngôi phủ nhỏ này bên sông An Cựu.

Anh Thơi, nhân viên trong coi di tích phủ của bà Từ Cung cho biết: “Ngoài tranh ảnh, bàn thờ bà Từ Cung và vài đồ đạc khác, phủ chẳng còn gì”. Cửa phủ nứt vỡ, bên trong đặt hai chiếc giường đơn để bảo vệ phân công nhau ngủ. Tầng trên của ngôi phủ bị khóa trái. Khu nhà phụ phía sau bỏ hoang. Có một người đàn ông sống dưới những mái ngói vỡ và ngôi nhà phụ cũ kỹ. Anh nói: “Tôi tên là Thái, cháu của các ông Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di”. Ngôi phủ này trước thuộc họ Hồ. Khi phủ An Định bị quốc hữu hóa, gia đình ông Hồ Đắc Di đã đồng ý cho bà Từ Cung chuyển sang ở phủ này cho đến khi bà qua đời năm 1980 (Gia đình họ Hồ cũng có con gái là vợ vua Khải Định là bà Hồ Thị Chỉ, nhưng bà không có con).

Gia đình anh Thái, vốn là con cháu họ Hồ, đã ở trông coi chăm sóc vườn tược trong phủ từ những năm 1930. Anh Thái nói: “Tôi từng chứng kiến nhiều xe đến chở đồ đạc quý giá từ phủ này đi đâu không biết, nghe nói chuyển tới các bảo tàng nên giờ nó mới trống trơn như vậy”.

Giấy rách giữ lề

Người nhà chúng tôi từng sống trong một ngôi phủ gần chợ Bến Ngự kể: “Người trong phủ bỏ đi tứ tán hết. Phủ thì bị đem bán cho người ta. Một số phủ khác, thời bao cấp được trưng dụng cho các hợp tác xã làm ngành nghề thủ công, sau này mới trả lại thì con cháu cũng đã đi xa cả rồi”.

Điêu tàn phủ Huế ảnh 1

Phủ Ngoại Từ đìu hiu

Lạc Tịnh Viên, ngôi phủ được đánh giá đẹp có tiếng hiện nay, gia chủ là cô Khánh Nam nói: “Tôi mà không từ nơi xa gắng sức quay về Huế trông coi thì đâu còn được ngôi phủ”. Người thân quen cho biết những thời điểm khó khăn nhất, cô Khánh Nam phải ăn cơm độn sắn, nhiều người tới năn nỉ mua phủ, nhưng cô từ chối. Sống trong nhung lụa một thời nhưng lúc khó khăn vẫn bền chí giữ gia phong, người như Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam quả không nhiều. Gia chủ cho biết, giờ có tuổi, “hơi mệt, không thể tiếp khách hằng ngày. Cổng phủ đành phải treo biển không tiếp khách mong thông cảm”.

Phủ Tùng Thiện Vương, địa chỉ nổi tiếng ở Huế, nơi sinh hoạt của nhóm thơ Mạc Vân Thi Xã thành lập năm 1850, nay cũng vắng lặng. Cây mai trước sân nhà, từng được công chúa Mai Am (em gái của Tùng Thiện Vương) làm thơ, viết rằng: “Tuyết bắc, hương nam, tin chẳng lại/ Tầng mây đất nguyệt, nhớ trong mơ”. Cây mai còn đó mà tao nhân mặc khách thưa thớt. Anh Bửu Tộ, người trông coi phủ, nói còn bận nhiều công việc, chẳng phải lúc nào cũng mở được cửa phủ. Trước cửa ghi số điện thoại, nhưng liên lạc không ai nhấc máy.

Trong phủ đồ đạc quý giá chẳng còn gì, chỉ thờ mấy bức ảnh vua Minh Mạng là cha của Tùng Thiện Vương và ảnh gia quyến. Năm tháng trôi đi, di sản để lại của phủ là những tấm ván khắc thơ Mạc Vân Thi Xã.

Gọi là phủ, nhưng cũng như các phủ đệ ở Huế chức năng chính không phải nơi ở và hưởng thụ như các biệt thự hiện đại của người phương Tây và người giàu có ngày nay, mà đều là nhà thờ tự các bậc tổ tiên.

Ông Tuy Lý Vương con trai vua Minh Mạng, khi rời cung điện ra phủ, chỉ ở ngôi nhà tranh. Lúc mẹ mất, ông xin phép vua và được sự đồng ý xây phủ thờ mẹ. Đến giờ con cháu họ vẫn sống trong dãy nhà ngang chật chội, chỉ khi nào thắp hương và đón khách mới mở cửa tòa phủ Tuy Lý Vương uy nghi, một di sản đã được xếp hạng. Chủ nhà nói: “Trung bình mỗi ngày khoảng 5 khách đến tham quan”. Người nhà nói thêm: “Chúng tôi mở phủ phục vụ khách không bán vé. Nhà chúng tôi sống bằng nghề làm hàng mã, nhưng ế ẩm lắm”.

Còn ai giới thiệu…

Phủ Huế xây dựng lên để kết nối các thế hệ, thể hiện văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của đất đô thành. Phủ là nơi nuôi dưỡng văn hóa gia tộc cũng là nơi gặp gỡ anh em họ hàng, bạn bè.

Một trong những ngôi phủ còn nguyên vẹn về kiến trúc nhất Huế là phủ công chúa Ngọc Sơn. Sinh thời công chúa sống trong ngôi nhà giản dị, chỉ khi bà qua đời, vị phò mã mới xây phủ để thờ công chúa. Người nhà nói mỗi khi vua vi hành đi thăm hoàng tộc, chỉ đem theo mấy người hầu cận với cái lọng chứ không rình rang nghi lễ. Ngôi phủ thờ quay lưng lại con đường và nhìn ra cái ao xanh.

Phủ công chúa Ngọc Sơn là phủ rất hiếm hoi còn giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc và nội thất trong nhà. Đặc biệt gia đình được bà Từ Cung tặng một chiếc bàn gỗ lim lớn để tiếp tao nhân mặc khách. Đặc biệt hơn nữa, con cháu trong nhà, ông Phan Thuận An – một nhà sử học, kiêm luôn hướng dẫn viên.

Ông Phan Thuận An nói: “Phủ Huế còn lại không nhiều, nhưng người hiểu và giới thiệu được cho du khách về phủ lại càng ít hơn. Muốn giới thiệu được cho khách thì gia chủ phải thông thạo ngoại ngữ, phải hiểu kiến trúc, lịch sử, phải có thời gian rảnh rỗi để tiếp khách”. Bây giờ, người trong phủ bận bịu cả, lại phải lo mưu sinh hàng ngày. Đi một vòng quanh các phủ, gia chủ đều phải đi làm ở nơi xa. Đôi khi người làm vườn kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên khiến du khách thất vọng, vì hỏi gì cũng được đáp: “Dạ, cái ni cháu không biết!”.

MỚI - NÓNG