Mẫu ảnh bất đắc dĩ trên hồ Tuyền Lâm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giữa không gian tĩnh lặng, huyền ảo của hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng), nơi rừng chò ngập nước kỳ bí lấp ló trong màn sương có một hình ảnh dường như đã trở thành biểu tượng đối với giới nhiếp ảnh. Ít ai biết rằng, người đàn ông làm mẫu ảnh bất đắc dĩ này là một ngư phủ đơn thuần mưu sinh bằng nghề đánh cá. Đó là ông Hoàng Minh Quyền, 69 tuổi, quê ở Đồng Nai.

Cuộc gặp định mệnh trong sương mờ

Ông Quyền vốn sinh ra và lớn lên tại xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Năm 2002, ông chuyển đến hồ Tuyền Lâm, một vùng đất mới nhưng đầy hứa hẹn. Tại đây, ông dựng lên một căn chòi nhỏ bên hồ, sống đơn giản với nghề đánh cá.

Cuộc sống của ông chỉ có tiếng sóng vỗ vào thuyền, đôi khi là âm thanh từ chiếc radio cũ. Chiếc radio là người bạn đồng hành qua những đêm dài trên mặt hồ rộng lớn.

Mẫu ảnh bất đắc dĩ trên hồ Tuyền Lâm ảnh 1

Căn nhà nhỏ của ông Quyền bên bờ hồ Tuyền Lâm

Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi vào một ngày cách đây 15 năm. Trong một buổi sáng mù sương, hai nhiếp ảnh gia trẻ từ thành phố Đà Lạt tìm đến ông và nhờ chèo thuyền đưa họ khám phá rừng chò ngập nước. Đó là lần đầu tiên ông Quyền được đề nghị đóng vai người mẫu.

Lúc đó, ông không hề nghĩ rằng sự nghiệp “người mẫu” của mình sẽ bắt đầu từ chính khoảnh khắc ấy. “Tôi chỉ nghĩ mình đang giúp các anh ấy chèo thuyền chụp ảnh, không ngờ sau đó lại có rất nhiều người đến nhờ làm mẫu”, ông Quyền hồi tưởng lại trong niềm tự hào pha lẫn sự ngạc nhiên.

Mẫu ảnh bất đắc dĩ trên hồ Tuyền Lâm ảnh 2

Ông Quyền vẫn hành nghề đánh cá sau buổi chụp hình

Từ đó, ông Quyền trở thành một phần không thể thiếu của những bức ảnh tuyệt đẹp về hồ Tuyền Lâm và rừng chò ngập nước. Mỗi sáng sớm, khi màn sương còn phủ dày trên mặt hồ, những nhiếp ảnh gia lại xuất hiện bên bờ hồ với đủ loại máy ảnh, ống kính và thiết bị flycam. Họ chuẩn bị cho ông những bộ áo quần mộc mạc, chiếc nón lá hay nón rộng vành, rồi cùng ông lên thuyền tiến sâu vào khu vực rừng ngập nước.

“Người ta liên lạc với tôi qua bộ đàm, bảo tôi làm các động tác như chèo thuyền, ném chài hay kéo vó,… Thường thì buổi chụp kéo dài khoảng một đến hai giờ. Có những buổi đông đến hàng trăm người cùng chụp, họ kiên nhẫn chọn từng góc máy, từng chế độ ánh sáng”, ông Quyền tiết lộ.

Hình ảnh người đàn ông đánh cá giữa thiên nhiên hoang sơ đã trở thành biểu tượng không chỉ ở hồ Tuyền Lâm mà còn của cả thành phố Đà Lạt. Các nghệ sĩ thường chọn thời điểm từ 5-7 giờ sáng, khi rừng chò bắt đầu lộ diện qua màn sương, kết hợp với ánh nắng sớm tạo nên một khung cảnh kỳ ảo.

Ông Quyền chia sẻ, làm mẫu không khó nhưng phải đúng thời gian và thời tiết thuận lợi. Nhiều khi trời lạnh buốt, ông chèo thuyền mà tay chân run lẩy bẩy. Nhưng thấy các nghệ sĩ đam mê sáng tạo, ông lại cố gắng.

Thiên nhiên là bạn

Không chỉ là người mẫu của các nhiếp ảnh gia, ông Quyền còn đón tiếp nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến hồ Tuyền Lâm để quay MV, thực hiện dự án nghệ thuật. Trong số đó có nhiều nghệ sỹ tên tuổi như Trường Giang, Đen Vâu. Ông Quyền hân hoan chia sẻ, đó là những khoảnh khắc vui vẻ và thú vị nhất trong cuộc sống hằng ngày của mình. “Tôi ở một mình trong chòi, không có nhiều người trò chuyện, nên mỗi khi nghệ sĩ đến là niềm vui lớn”, ông tâm sự.

Rừng chò ngập nước không chỉ đẹp mà còn mang đến cho ông Quyền cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những người từ khắp nơi. Từ những nhiếp ảnh gia trẻ tuổi cho đến các đạo diễn, nhạc sĩ nổi tiếng. Ông nhớ lại một lần, năm 2022, nhóm nghệ sĩ vào rừng chò lúc trời mưa lớn. Họ đề nghị ông chèo thuyền vào giữa hồ để chụp cảnh mưa rơi.

Sau hơn một giờ diễn trong điều kiện khắc nghiệt, ông thấm mệt nhưng vẫn cố gắng thực hiện đúng yêu cầu. Tuy nhiên, khi công việc kết thúc, nhóm người đã rời đi mà không nói lời tạm biệt hay gửi tiền thù lao như đã thỏa thuận. Đó là kỷ niệm buồn nhất trong suốt 15 năm làm mẫu của ông.

Mẫu ảnh bất đắc dĩ trên hồ Tuyền Lâm ảnh 3

Nhiều tác phẩm của nhiếp ảnh gia xuất hiện ông lão đánh cá. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Mẫu ảnh bất đắc dĩ trên hồ Tuyền Lâm ảnh 4

Dù có thêm thu nhập từ việc làm người mẫu cho các nhiếp ảnh gia, nhưng nghề chính của ông Quyền vẫn là đánh cá trên hồ Tuyền Lâm. Cuộc sống của ông xoay quanh những chuyến thuyền đi thả lưới và bắt cá vào ban đêm. “Công việc này giúp tôi nuôi sống bản thân và con trai đang học đại học”, ông nói với giọng tự hào.

Nghề đánh cá đã giúp ông Quyền duy trì cuộc sống ổn định trong suốt những năm qua. Căn chòi nằm bên hồ Tuyền Lâm trở thành ngôi nhà thứ hai của ông. “Mùa rừng chò ngập nước từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Đó là thời điểm hồ Tuyền Lâm đẹp nhất với khung cảnh lá chò vàng rực, nước hồ xanh biếc. Đây cũng là thời gian tôi đón nhận nhiều nghệ sĩ đến sáng tác, cũng như mùa vui nhất trong năm đối với bản thân”, ông Quyền chia sẻ.

Dù sống một mình trong không gian tĩnh mịch của thiên nhiên nhưng ông Quyền không cảm thấy cô đơn. “Thiên nhiên là bạn của tôi. Mỗi sáng thức dậy, nhìn thấy hồ và rừng chò, tôi cảm thấy bình yên. Tôi không xem mình là một người mẫu chuyên nghiệp, đơn giản chỉ là một người yêu thiên nhiên và sẵn sàng chia sẻ vẻ đẹp của nó với những ai biết trân trọng”, ông Quyền bộc bạch.

Những bức ảnh ông góp mặt có lẽ sẽ lưu lại dấu ấn không chỉ của một người đàn ông đánh cá giữa rừng chò, mà đó còn là của một tâm hồn yêu nghệ thuật, dù ông không bao giờ tự nhận mình là nghệ sĩ.

Với ông Quyền, hành trình làm mẫu đã mở ra một góc nhìn mới về chính cuộc sống của mình. Không chỉ là hành trình mưu sinh, mà còn là một hành trình nghệ thuật giữa đời thường.

Dù có thêm thu nhập từ việc làm người mẫu cho các nhiếp ảnh gia, nhưng nghề chính của ông Quyền vẫn là đánh cá trên hồ Tuyền Lâm. Cuộc sống của ông xoay quanh những chuyến thuyền đi thả lưới và bắt cá vào ban đêm.

Một cán bộ UBND phường 4, TP Đà Lạt cho hay, ông Hoàng Minh Quyền có hộ khẩu tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, đến khu vực hồ Tuyền Lâm hành nghề đánh cá mưu sinh đã hàng chục năm nay. Dù tuổi ông Quyền cao nhưng hằng ngày ông vẫn hành nghề và nuôi một người con trai học đại học.

MỚI - NÓNG