Trăm năm... cởi bỏ oan khiên

TP - Cuộc đời trôi nổi của anh và dòng họ giúp Lê Khắc Hoan viết nên cuốn sách “Trăm năm ly hợp” tạo nên không khí tranh luận sôi nổi. Chuyện anh viết sách cũng ly kỳ nhưng những sự thực xảy ra trong dòng họ của anh trải qua bao bể dâu, ly tán còn ly kỳ hơn rất nhiều.

Nhà báo vừa là nhà văn này là người làng Văn Xá, một ngôi làng cổ phía Bắc của Thành phố Huế.

Ba chị em làm vợ quan tri phủ

Bố anh Hoan thời thuộc địa làm quan Tri Phủ ở Quảng Trạch, ở Duy Xuyên, nay đây mai đó, tuổi thơ anh lớn lên nơi chốn huyện đường. Hình ảnh đập vào mắt là một ông quan trẻ có tới 3 bà vợ và họ là… chị em ruột với nhau và con nhà quyền quý. Mỗi bà ở một phòng riêng. 

Trăm năm... cởi bỏ oan khiên ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Con cái lớn lên không kể con bà cả bà hai hay bà ba, cứ sinh trước làm anh, sinh sau chịu làm em. Anh kể về cái thời phong kiến ấy: “Bố tôi vừa đa tài, vừa đa mưu nên cuối cùng lấy cả ba chị em ruột là con quan nhất phẩm của triều đình. Cuộc sống của chúng tôi yên lành với 17 anh chị em tuy khác mẹ nhưng cùng ông bà nội và cùng ông bà ngoại”.

Bố anh Hoan làm quan trước tiên là để có lương nuôi các bà vợ và một đàn con. Lương khá cao cùng các khoản chế độ để nuôi các con khiến ông tri phủ Lê Khắc Thứ phiêu bạt xa làng Văn Xá của mình đi khắp miền Trung. 

Tuy vậy, ông vẫn giữ vững tiết tháo của một vị quan lại nho học. Khi phát xít Nhật chiếm nước ta, ông đã chủ động xin nghỉ việc trở về làng, không hợp tác với Nhật. Năm 1945 cách mạng nổ ra, ông được bầu là Chủ nhiệm Việt Minh của xã. Đi chống bão lụt, bị bệnh, ông ốm mất, để lại ba người vợ và một đàn con thơ.

Ba chị em gái đùm bọc nuôi nhau và nuôi dạy đàn con. Khi mặt trận Thừa Thiên vỡ, cả gia đình dìu dắt nhau ra Nghệ An, Thanh Hóa đi theo anh em lập vùng tự do tiếp tục kháng chiến.

Bà chị lớn nhất tên Nguyễn Thị Tuyết ốm chết. Bà Nguyễn Thị Điện là cô em gái nhỏ nhất ra đến Thanh Hóa rồi, nhưng tình hình khó khăn quá nên quay về Huế xin tiền, trên đường đi “vừa bị bệnh vừa chết đói”.

Còn lại mẹ anh Hoan tên là Nguyễn Thị Lâm một mình nuôi dạy các con. Bà trải qua mấy cuộc kháng chiến, năm 1975 đất nước thống nhất, bà về ngôi nhà bên ngoại ở số 10 Trần Thúc Nhẫn (Huế) vốn là tư gia của thượng thư Nguyễn Hữu Mẫn, rồi qua đời năm 1981.

Một thời ly tán, một thời đoàn viên

Bấy giờ cách mạng nổ ra, một số người ở lại Huế, còn hơn chục anh em thì ra Bắc. Họ chia tay nhau từ đó. Anh Hoan kể: “Người ra Bắc chỉ phục vụ chính quyền cụ Hồ, người ở lại thì thôi đủ cả, nào làm cho chính phủ Bảo Đại, rồi chính phủ Diệm, chính phủ Thiệu”. 

Anh cho biết: “Ông anh tôi tên Lê Khắc Duyệt ở Huế làm tới chức Giám đốc Công an Trung Nguyên, Trung Phần phụ trách từ Tây Nguyên xuống Bình Thuận, ra tới Quảng Trị. Trong phim “Ông cố vấn” của tác giả Hữu Mai có chiếu cảnh anh Duyệt tôi là người đưa nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ vào tiến cử cho Ngô Đình Cẩn”.

Năm 1975, khi anh em tìm nhau mới biết quá trình lưu lạc có 3 người đã chết, họ đều theo cách mạng ra Bắc, ốm đau mất trên đường đi công tác. Mỗi người mất ở một nơi. Người còn sống làm chức to nhất trong số anh em ngoài Bắc là anh Lê Khắc Điềm, cục phó Cục thu quốc doanh của ngành thuế, sau năm 1975 làm Cục trưởng Cục thuế TPHCM. 

Anh Hoan nói: “Đời anh Điềm tôi chỉ lo giữ tiền cho chính phủ cách mạng. Cả đời anh liêm khiết, chỉ mong sự nghiệp thống nhất đất nước được hoàn thành”. Khi giải phóng Huế, Lê Khắc Duyệt phải đi học tập cải tạo, hai năm thì ốm mất. Tuy vậy gia đình con cháu đều sum họp vui vẻ với nhau.

Trở về cội nguồn huyết thống

Sinh năm 1937, anh Hoan theo các mẹ đi ra vùng kháng chiến khi mới còn là cậu nhóc. Ký ức làng quê của anh qua lời các mẹ. Rằng làng Văn Xá nằm trên quốc lộ 1A, cách Huế hơn mười cây số về phía Bắc, rừng nhiều hơn ruộng. Làng vốn là quê mẹ vua Minh Mạng...

Năm 1975 anh về quê, khi ấy qua sông Bến Hải vẫn phải giấy giới thiệu. Đến cột mốc ven đường, anh xuống xe khách, hỏi đường về làng. Tới nhà, chao ôi, hơn 10.000 m2 nhà cổ vườn tược bị chiến tranh san bằng. 

Linh cảm cho biết vẫn còn ai đó gần gũi quanh đây. Tới cuối vườn thì gặp lão bộc tên gọi trong nhà là anh Cóc, người giúp việc cho gia đình thời phong kiến, nay tóc bạc da mồi. Lão bộc thấy anh không biết ai. Anh nói “Tôi con cụ tri phủ đây, cháu Hoan đây!”, tức khắc hai người ôm nhau khóc.

Ở Mỹ đã có nhiều dư luận trái chiều về sách của Lê Khắc Hoan. Họ nói rằng “Tin sao được một cuốn sách nói 1 ngôi làng nhỏ mà trải qua 500 trận đánh?”. Anh Hoan tặc lưỡi: “Tôi đâu dám bịa chữ nào. Số liệu do sách sử Tỉnh Thừa Thiên Huế viết như vậy. Văn Xá đã được phong anh hùng.

Làng mạc nhà cửa tan hoang hết, nhưng nhà thờ, đình làng vẫn nguyên. Bí quyết? Các cụ bảo dân phải thành lập những hội đồng các bô lão để yêu cầu không cho trú quân trong nhà thờ họ, bởi nếu như vậy “chỉ qua một đêm nhà thờ họ sẽ bị xóa sổ”. Làng Văn Xá đặc biệt ở chỗ cả xã cũng là một làng mà thôi. Đình làng Văn Xá đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Anh Hoan rất cảm động bởi dù ở xa, rời làng từ khi còn nhỏ xíu, nhưng giờ trở về, anh được họ hàng bầu làm trưởng tộc họ Lê Khắc của Văn Xá. Anh Lê Khắc Hoan từng làm Phó tổng biên tập tạp chí Thế Giới Mới thời kỳ nó thành công nhất với 150.000 bản mỗi kỳ, nhưng có vẻ không thể so sánh với việc anh được bầu làm trưởng dòng họ với 300 lăng mộ. Anh đã dành gần hai năm để viết cuốn sách về dòng họ của mình.

Cởi bỏ oan khiên

Thời chiến tranh người ta ly tán do chiến sự, thời bình, người ta ly tán vì cuộc sống tha hương. Khi viết cuốn “Trăm năm ly hợp – Lê Khắc gia phả chí” kể lại sự tích dòng họ, nhà văn đã thực hiện một bút pháp hiện đại, vừa sáng tác vừa tu chỉnh trên internet. Anh đưa lên từng chương của cuốn sách lên web của dòng họ cho mọi người thưởng thức, góp ý từng chi tiết. Người trong nước, người ở nước ngoài cùng góp vào. Khi không còn ý kiến nữa mới in.

Trăm năm... cởi bỏ oan khiên ảnh 2

Nhà văn Lê Khắc Hoan và cuốn sách về dòng họ. ẢNH: t.n.a

Ý kiến góp ý không ít, chẳng hạn: Vì sao viết nhiều về người nọ, lại ít viết về người kia? Anh phải giải thích đây là “gia phả chí” tức là ghi lại các câu chuyện, “phải có chuyện mới kể lại được, đã thế, tác giả phải biết phải có tư liệu xác thực về câu chuyện ấy mới dám viết chứ không thể nghe qua, tam sao thất bản”.

Lê Khắc Hoan nói sở dĩ anh lấy tên tác phẩm về dòng họ là “Trăm năm ly hợp” với mong muốn dù lịch sử thân nhân thế nào mọi người cũng hợp về với nhau, đoàn kết lại sau những năm tháng xa cách. Chiến tranh kết thúc mà lòng người có khi còn ly tán. 

Anh Hoan kể: “Mình đã phải bỏ 2 chương rất tâm đắc. Một chương do chính quyền địa phương góp ý về nhân vật, một chương do chính các nhân vật từ nước ngoài phản ứng không muốn có tên trong cuốn sách này mặc dù tôi chỉ viết điều tốt về họ”.

Chuyện ly hợp đôi khi oan trái khó tả. Có trường hợp tác giả phải đổi tên. Số là một gia đình chồng chết, vợ ra Bắc đổi tên, lấy chồng khác. Con chồng trước từ Huế ra Bắc, vô tình gặp yêu và lấy đứa em cùng mẹ khác cha mà không hay biết. Thời chiến đi lại rất khó khăn. 

Khi mẹ vợ gặp con rể, nghe nó nói tiếng Huế rặt và hỏi tông tích thì biết đó chính là con ruột của mình. Từ ngày tháng ấy, họ không bao giờ quay về với dòng họ Lê Khắc của mình nữa và giờ đi đâu chính tác giả cuốn sách gia phả cũng không rõ.

Ngậm ngùi cầm cuốn gia phả của 6.000 con người hiện đang mỗi người một xứ, anh Hoan nói rằng mình chỉ chép lại câu chuyện của dòng họ. Cuốn sách của anh đã được đề cử giải văn chương và chỉ thiếu một vài phiếu để đoạt giải. Nhiều người tiếc “lẽ ra bác viết văn chương thêm một chút, đừng quá câu nệ vào tả thực như thế! Liệu có cần đưa tên thật của nhiều người vào tác phẩm như thế không?”. Anh Hoan nói: Tôi có viết văn đâu! Tôi chỉ ghi lại những gì chân thực nhất.

4/2014

Cuốn sách “Trăm năm ly hợp - Lê Khắc gia phả chí” của Lê Khắc Hoan vừa xuất bản năm 2013 và mới được tọa đàm hội thảo ở Hội nhà văn cách đây ít hôm, nhưng ở Mỹ đã có nhiều dư luận trái chiều.

Viết sách với “Ba nhà trong một”

Ba nhà đó là nhà văn, nhà báo, nhà giáo trong một Lê Khắc Hoan.

Với bản tính hiền lành, trong khi cuộc kháng chiến nổ ra dữ dội, anh Hoan được cử đi học sư phạm ở Thanh Chương, Nghệ An để làm giáo viên. Anh đi dạy học ở Thanh Hóa 5 năm rồi dạy ở Phú Thọ 6 năm. Một thầy giáo viết văn khi ấy thật không dễ thành công, trên văn đàn lớp nhà văn đàn anh rất khắt khe.

Năm 1960, truyện ngắn “ Chuyện một cô giáo mới” của anh đoạt giải ba báo Văn Nghệ (Nguyễn Khải giải nhất với truyện ngắn “ Một cặp vợ chồng”, Chu Văn giải nhì với “Con trâu bạc”, Hồ Phương giải ba đồng hạng với “Cỏ non”). 

Năm 1960 anh được chuyển về làm phóng viên cho báo Người giáo viên Nhân dân. Năm 1961, Lê Khắc Hoan, anh đoạt giải nhất với truyện ngắn “Chân trời xa xôi” trong cuộc thi do báo này tổ chức.

Ai cũng nghĩ với tài văn chương và nền tảng thành công bước đầu như thế Lê Khắc Hoan sẽ sớm tạo thành hiện tượng trên văn đàn, nhưng anh lại chọn cho mình cuộc sống bình dị của một nhà báo.

Anh đi khắp các địa phương, những nơi bom đạn ác liệt để viết về chân dung các nhà giáo vô danh. Chính những chuyến đi công tác, gặp gỡ bà con họ hàng đã là tư liệu cho anh viết “cuốn sách cuộc đời” của mình về gia phả dòng họ. Cuốn sách có tên lạ: “Trăm năm ly hợp – Lê Khắc gia phả chí”.

MỚI - NÓNG