Trần Huyền Trân: Đào hoa và nghiêm khắc

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đánh giá Trần Huyền Trân là tác giả của những “vần thơ hiền lành và ít nói chuyện yêu đương”. Nhưng nghệ sỹ Hạc Đính, bà xã của cố thi sĩ, khi nhớ về người chồng nổi tiếng, lại cười mủm mỉm: “Ông ấy được nhiều người mến và cũng mến nhiều người”.

Thích đồ tre, mê trà mộc, vui thú điền viên

Nghệ sỹ Hạc Đính đặc biệt thích chè nhài từ thời trẻ. Nay đã ở tuổi 94,  sở thích của bà vẫn không thay đổi, trái ngược với chồng: “Ông ấy không ưa chè ướp hoa, chỉ uống chè mộc”. Bà cũng tiết lộ: Trần Huyền Trân còn thích uống rượu, hút thuốc. Bà chiều chồng, thỉnh thoảng mua cho ông vài món nhắm khoái khẩu để ông mời bạn bè tới nhậu.

Trần Huyền Trân rành tiếng Pháp nhưng trong sáng tác cũng như trong đời sống bình thường ông không sính ngoại. Đồ dùng trong nhà chỉ chuộng đồ tre, bàn ghế  toàn bằng tre, thi sĩ chịu khó lên tận Lạng Sơn mua về. Sau này cháy nhà, không có điều kiện sắm lại đồ tre ông mới chịu dùng đồ gỗ. Trần Huyền Trân thích đồ cổ, có thói quen đốt nến, đốt trầm hoặc dầu lạc mỗi khi ngồi viết để gợi không khí xưa.

Không biết việc bếp núc nhưng Trần Huyền Trân mê thú điền viên. Những ngày nghỉ, nhất là sau khi về hưu, ông chăm làm vườn, ngồi câu cá. Thi sĩ, nhà hoạt động sân khấu có quan hệ rộng rãi với giới văn nghệ sỹ bấy giờ. Ông có tình bạn khá thân thiết với nhiều danh họa như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… Riêng Bùi Xuân Phái đã vẽ tặng Trần Huyền Trân trên chục bức tranh. Trong đó có bức danh họa vẽ thi sĩ trong cảnh bệnh tật (Trần Huyền Trân bị liệt, nằm một chỗ). Đây cũng là bức tranh cuối cùng của Bùi Xuân Phái tặng Trần Huyền Trân, bởi sau đó ba tháng danh họa đã ra đi vì căn bệnh ung thư tai ác. Hiện nay, gia đình Trần Huyền Trân vẫn giữ được phần lớn tranh của bạn bè họa sỹ vẽ tặng tác giả “Độc hành ca”. Sau này, con trai Trần Huyền Trân đã lấy cháu ngoại của cố họa sỹ Lương Xuân Nhị.

Người cha nghiêm khắc

Trần Huyền Trân: Đào hoa và nghiêm khắc ảnh 1

Trần Huyền Trân (phải) và Văn Cao

Ở vai trò làm cha, tác giả “Độc hành ca” là một người đúng mực, thương yêu con nhưng nghiêm khắc. Ông giáo dục các con phải lao động, làm việc. Sinh được 5 người con, chỉ có duy nhất một cậu con trai, ông đặt tên Trần Kim Bằng. Đối với con trai, Trần Huyền Trân tỏ ra nghiêm khắc hơn và sát sao hơn. Ngay từ nhỏ, Trần Kim Bằng đã phải học cách dọn vườn, quét lá cây. Mỗi khi khách đến nhà chơi, ông lại sai con dẫn khách ra vườn giới thiệu các loại cây cỏ, hoa lá, để con tăng khả năng tự tin trong giao tiếp. Nghỉ hè nhà thơ đưa con trai sang nhà họ hàng, học cách sửa chữa xe đạp, dóc tre…

Có một lần, nhà thơ Quang Dũng đến chơi, ra ao câu cá. Ông sai Trần Kim Bằng vào nhà pha trà đường mời khách. Khi bưng hai cốc trà ra, chẳng may cậu bé vấp ngã, làm vỡ hai chiếc cốc thủy tinh, hồi đó rất quý. Tưởng người cha sẽ đánh đòn vì làm vỡ cốc, không ngờ Trần Huyền Trân và tác giả “Tây tiến” chỉ cười xòa, bảo con vào nhà pha hai cốc trà mới. Trong đời làm cha, chỉ một lần duy nhất ông dùng roi với con trai, khi cậu nói dối ông để đi chơi bóng đá. Trần Huyền Trân đánh con để chừa tội nói dối.

Thi sĩ không ép con học hành, để chúng tự giác, tự do. Điều gì không hiểu, các con hỏi, ông trả lời, còn không thì… kệ. May mắn, các con ông đều có ý thức học tập. Tuy nghiêm khắc nhưng  đôi khi ông cũng chiều theo ý thích con trẻ. Ngày đó, khu nhà ông ở đặc biệt lắm muỗi. Các con ông khi ngồi học thường phải đeo túi nilon vào chân để chống muỗi. Bản thân nhà thơ cũng phải vừa viết vừa cầm quạt xua muỗi, có khi phải buông màn ngồi viết giữa nhà. Những lúc buông màn ngồi viết, cậu con trai nhỏ thường  thích chui xuống gầm bàn của cha để ngủ. Ông chiều con nên cứ để cậu nằm ở đó và tiếp tục sáng tác.

Nhiều văn nghệ sỹ thường lấy con cái làm đối tượng sáng tác, riêng Trần Huyền Trân lại hiếm khi viết về con. Trong năm người con, chỉ một người con gái, sau mất ở Hungari vì tai nạn, được thi sĩ làm thơ vào năm 1974, khi ông cùng các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc Phan sang Đức. Con gái ông khi ấy du học ở Hungari đã sang thăm bố. Gặp con ở xứ người ông đã xúc động viết thơ cho con, bài thơ có tên “Gặp con-viết tặng con” với hai câu kết bình dị: “Mừng gặp con bố viết/Bài thơ nhỏ cho con”.

Sau này, con trai của vợ chồng Trần Kim Bằng, cháu đích tôn của Trần Huyền Trân cũng được ông viết tặng một bài thơ. Đây cũng là một thi phẩm hiếm hoi cho người thân. Đọc thơ thấy  Trần Huyền Trân cực kỳ vui sướng khi có cháu đích tôn nhưng lời thơ vẫn bình dị như mọi khi và cũng vẫn tuyên bố lí do sáng tác rất rõ ràng: “Ơi cháu! Trần Kim Vũ/Thằng cháu đích tôn của ta/Hôm nay đầy tháng cháu/Ông cho cháu bài thơ”.

Được vợ ngưỡng mộ và tôn thờ

Trần Huyền Trân: Đào hoa và nghiêm khắc ảnh 2

Ảnh: Nghệ sỹ Hạc Đính-vợ nhà thơ Trần Huyền Trân thời đóng "Nửa chừng xuân"

Trong quan hệ vợ chồng, Trần Huyền Trân được vợ “ngưỡng mộ và tôn thờ”, theo như anh Trần Kim Bằng nhận xét. Thi sĩ khá may mắn khi chọn được người vợ cùng giới nghệ sỹ, quan niệm cởi mở. Bà Hạc Đính kể: “Tôi rất tôn trọng cái sự sáng tác của ông ấy. Không làm gì động tĩnh đến chuyện riêng tư của ông ấy. Ông ấy cảm mến ai, tôi cứ để nguyên, bởi không để nguyên cũng chẳng làm được gì. Ông mến ai là quyền của ông, có phải đời người ta chỉ biết có một người đâu?”.

Như nhiều nhà văn, Trần Huyền Trân thường sáng tác về đêm và được vợ dành cho sự “đãi ngộ” riêng. Trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp thời đó, đêm đêm Trần Huyền Trân vẫn có bữa ăn phụ là đĩa bánh cuốn ở một cửa hàng nổi tiếng. Tuy vậy, Trần Huyền Trân không phải người cầu kỳ, khó tính trong ăn uống. Ông đã từng sống thời lãng tử, không lạ gì những món cao lâu nhưng qua nhiều năm sống trên rừng gian khổ đã giúp ông quen với những thực đơn nghèo nàn. Vợ chồng thi sĩ hiếm khi mâu thuẫn, cãi cọ.

Lần duy nhất, Trần Kim Bằng thấy cha to tiếng, đập vỡ cái gạt tàn là vào năm thi sĩ sắp nghỉ hưu, bà Hạc Đính lúc đó làm thủ quĩ của một đơn vị, đã chẳng may đánh mất công quỹ, sau đó, gia đình phải bán tất cả những gì có giá trị để đền quỹ.

Khi còn trẻ bà Hạc Đính là người phụ nữ có nhan sắc, từng là diễn viên kịch nói, được chọn đóng vai Mai trong “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng. Trần Huyền Trân cảm mến bà nên trong vở kịch 19.8 viết chung với Thâm Tâm, ông đã mời bà đóng vai chính, còn ông chỉ giữ một vai phụ. Họ yêu nhau chừng một năm thì cưới. Đám cưới Trần Huyền Trân-Hạc Đính là một trong những đám cưới đời sống mới đầu tiên ở Hà Nội, đơn sơ, giản dị nhưng vui. Đến thăm bà Hạc Đính ở tuổi ngoài 90, bà vẫn vui vẻ, minh mẫn, cởi mở, tóc bạc như cước và mong ước sống tròn trăm tuổi. Bà vẫn giữ thói quen đọc sách: “Sách của Trần Huyền Trân tôi đọc hết rồi, bây giờ đọc nhiều tác giả khác”.

Anh Trần Kim Bằng kể: Có đêm đang ngủ bỗng giật mình vì tiếng hát của mẹ anh. Khi có hứng bà Hạc Đính lại hát một số bài bằng tiếng Pháp. Đến nay, cụ vẫn giao tiếp, đọc sách vô tư bằng tiếng Pháp, còn tiếng Anh thì như cụ tự thú: “Tôi biết chào hỏi, hỏi han đôi câu và  nói được em yêu anh. Thế thôi”.  

Trần Huyền Trân (1913-1989)  là tác giả của nhiều bài thơ được yêu thích: Mười năm, Độc hành ca, Mưa đêm lều vó… Trong đề tựa thơ Trần Huyền Trân, bạn thân của ông, Thâm Tâm viết: “Thơ chàng cho lính thú/Lính thú ngút trùng dương/Thơ chàng cho xuân nữ/Xuân nữ lười đoạn trường”. Và Thâm Tâm kết bài  bằng một câu sau này được xem như một đánh giá thích thú về thi sĩ Trần Huyền Trân: “Đây một loài hoa khác hải đường”.  Thi sĩ còn được biết đến là một nhà hoạt động sân khấu tên tuổi.

Nhà lưu niệm và tuyển văn Trần Huyền Trân

Sinh thời, Trần Huyền Trân rất có ý thức giữ gìn bản thảo nhưng do hoàn cảnh khó khăn bấy giờ, không có tủ đựng tài liệu, nên khi ông mất, bà Hạc Đính cùng con trai đã phải thu thập toàn bộ bản thảo trong thơ ca, sân khấu của Trần Huyền Trần, phân loại rồi cất vào vali. Đó là một công việc tốn thời gian, công sức. Để làm tuyển thơ cho thi sĩ, anh Trần Kim Bằng, con trai thi sĩ, đã mất ba năm miệt mài, bởi mỗi một tác phẩm của Trần Huyền Trân thường có nhiều phiên bản. Thí dụ: Bài “Mười năm”  có đến ba bản thảo, “Mưa đêm lều vó” cũng vậy, thậm chí bản “Mưa đêm lều vó” đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy khác nhiều với bản chép tay để lại. Ngay cả kịch bản, Trần Huyền Trân cũng để lại nhiều phiên bản chép tay, các vở Vân Dại, Quan Âm Thị Kính để lại tới 4 phiên bản. “Chữ cha tôi khó đọc với nhiều người, nhưng tôi đoán ra được”, anh Trần Kim Bằng cho biết.

Hiện nay gia đình Trần Huyền Trân đang tiến hành cải tạo nhà cửa, dự định để riêng tầng 1 với diện tích gần 60m2 làm nhà lưu niệm Trần Huyền Trân, mở cửa tự do. Anh Trần Kim Bằng cũng đã sưu tầm được 60 đầu sách và đang tiến hành xuất bản tuyển văn cho cha.

MỚI - NÓNG