Một thứ chung thủy không ai bắt buộc
Ấn phẩm nhật báo Tiền Phong ở tuổi 71 có lượng fan trung thành là đội ngũ làm văn nghệ với nhiều tên tuổi nổi tiếng. Một trong những nhà văn gắn bó với báo in Tiền Phong suốt 60 năm nay chính là Ngô Thảo. Ông kể: “Từ trước khi đi bộ đội tôi đã giới thiệu cuốn sách Lý tưởng, ước mơ và nghĩa vụ của tướng Trần Độ viết cho thanh niên trên báo Tiền Phong, năm 1965. Khi vào bộ đội tôi vẫn tiếp tục viết cho báo Tiền Phong. Đó là mục thư tân binh kể về các hoạt động của bộ đội. Vì hay cộng tác nên tôi có cảm tình với Tiền Phong”.
Hoa hậu Đỗ Thị Hà (thứ 4 từ trái qua) cùng các chiến sĩ ở đảo Trường Sa đọc báo Tiền Phong. Ảnh: Dương Triều |
Đất nước thống nhất, Ngô Thảo chuyên tâm hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ nên sự cộng tác với báo chí càng bền chặt hơn. Ông hay viết bài giới thiệu những cuốn sách hay, độc đáo về bút pháp, giàu giá trị nhân văn trên báo in Tiền Phong. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Tiền Phong là một trong vài đầu báo in hằng ngày không thể thiếu của nhà phê bình văn học: “Năm nào tôi cũng đặt mua báo in Tiền Phong”, ông nói. Nhà văn U90 trải lòng: “Báo in Tiền Phong với cá nhân tôi là một thứ chung thủy không ai bắt buộc”.
Chung quan điểm với nhà văn Đặng Lưu San, nhà phê bình văn học Ngô Thảo tin vào sức sống mãnh liệt của báo in, ngay cả khi nó bị cạnh tranh khốc liệt trong thời 4.0. Theo ông, báo in vẫn có những ưu thế mà các loại hình báo chí khác không có hoặc không bằng: “Nó đặc sắc ở sự bền vững, ở sự tin cậy. Với báo điện tử, tôi thường chỉ đọc lướt qua, có thể nhớ hoặc không nhớ. Báo in để lại ấn tượng khác hẳn, nó là thứ giá trị truyền thống. Người đọc báo nghiêm túc hay tìm đến báo in vì thế. Nhất là với những tác phẩm văn chương như thơ hay truyện ngắn thì chỉ đọc trên báo giấy, đọc trên báo điện tử kém vị”.
Nhà văn Đặng Lưu San cho rằng: “Báo in là một kỷ vật được người ta lưu giữ và có thể đem ra nhâm nhi đọc ở bất cứ không gian nào mà không cần phải có chiếc điện thoại thông minh hay ngồi trước máy vi tính”. Chị nói: “Thời hoàng kim của báo in đã qua nhưng tôi vẫn thích đọc báo in”.
Báo Tiền Phong với người lính Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Tiến sĩ văn học Bùi Thiên Thai (Viện Văn học) có một số năm sống và học tập ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Chị không tin có ngày tàn của báo in. Ở Trung Quốc, báo in vẫn sống. Nữ tiến sĩ 7x đưa cho phóng viên xem những hình ảnh người thành phố, người ở vùng sâu xa và trẻ em Trung Quốc đọc báo in: “Ở nước bạn, trường học cấm trẻ em dùng điện thoại, các cơ quan được phát báo in, lưu hành nội bộ”. Trong lực lượng đọc báo in ở Trung Quốc còn phải kể đến các nhà nghiên cứu. “Báo in có hệ thống hơn, báo điện tử bị trôi, bị gỡ, khó bao quát. Đây là lí do khi cần phục vụ cho công việc, các nhà nghiên cứu thường chọn báo in”, chị phân tích.
Nhà văn, nhà giáo Triệu Vẽ đánh giá: “Báo điện tử đang chiếm ưu thế với độc giả nhờ tính tiện lợi, nhanh chóng và chi phí thấp. Tuy nhiên, báo in vẫn có giá trị riêng, đặc biệt trong việc mang lại trải nghiệm đọc truyền thống và độ tin cậy. Theo tôi, báo in không bao giờ chết nhưng đòi hỏi phải có cải tiến về hình thức và nội dung. Cầm trên tay tờ báo hay quyển sách là cảm giác trải nghiệm thật, luôn khiến người ta nhớ sâu sắc hơn”. Chị vẫn đọc báo in, sách in và giữ rất lâu những bài báo, những tờ báo đẹp, thậm chí chị còn sử dụng báo in khi dạy học.
Ăn sâu vào tiềm thức
Nhiều họa sĩ nổi tiếng ở ta yêu báo in. Một bức tranh phong cảnh của họa sĩ Đỗ Phấn có giá hơn cả thu nhập từ một năm lao động miệt mài của một nhà báo. Nhưng bao nhiêu năm qua, Đỗ Phấn vẫn minh họa, vẫn vẽ bìa báo tết cho tờ Tiền Phong Chủ Nhật. Chỉ có thể giải thích, vì yêu mà Đỗ Phấn gắn bó, không toan tính.
Họa sĩ Đặng Tiến, một trong những tên tuổi ăn khách của hội họa phía Bắc hiện nay, cũng thích vẽ minh họa cho các tờ báo in. Đó là một thú vui của người cầm cọ. Có một họa sĩ kể rằng, anh không quan tâm nhuận bút của báo chí nên vẫn thường xuyên minh họa cho một tờ báo in bị xếp hạng báo nghèo. Cuối năm, không thấy họa sĩ đến lĩnh tiền, người của báo mới lĩnh thay và mang tận nhà cho cộng tác viên không màng nhuận bút.
Các họa sĩ còn có thói quen giữ lại những tờ báo in có bài viết về mình. Họ giữ gìn một cách trân trọng như giữ những bức tranh của họ. Họa sĩ Đào Hải Phong, người được cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tặng cho hai chữ “phong lưu”, cũng là một fan của báo in. Anh tâm sự: “Thế hệ của tôi rất quen thuộc và định hình trong ý thức về tờ báo in. Cầm được nó trên tay như một sự hiện hữu chắc chắn. Tôi yêu báo in vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức mấy chục năm qua”.
Một độc giả 8x vẫn giữ thói quen mua và sưu tập báo in là Ý Linh, đang sinh sống tại Hà Nội. Một trong hai tờ báo anh thường mua là Tiền Phong. “Dù bây giờ là thời của báo điện tử, nhưng tôi vẫn thích báo in, vì nó có phong vị riêng”, anh chia sẻ. Nhưng Ý Linh thoáng buồn vì càng ngày càng ít sạp báo: “Ở nhiều quận tại Hà Nội, người đi đường hầu như không trông thấy sạp báo”.
Người yêu báo in Tiền Phong còn có nhiều người lao động tự do. Một anh chạy xe ôm vẫn mua báo in Tiền Phong để đọc khi vắng khách. Anh vui vẻ khoe: “Hồi xưa Tiền Phong có chuyên mục kết bạn, tôi tham gia để tìm người yêu. Vợ tôi bây giờ chính là cô gái bước ra từ mục kết bạn năm ấy. Cảm ơn Tiền Phong đã se duyên cho chúng tôi”.
Nhà văn Ngô Thảo (phải) và nhà văn Trung Trung Đỉnh từng là cộng tác viên tích cực của Tiền Phong. Ảnh: NVCC |
Nhà thơ Lương Ngọc An tin tưởng: “Dù bị cạnh tranh khốc liệt, báo in vẫn sống. Vì nó có lợi thế đặc biệt. Nó là nhịp sống chứ không phải nhịp thông tin. Nó làm độc giả thấm sâu hơn báo điện tử. Những sự kiện hợp với báo điện tử, còn những gì thuộc về vấn đề cần suy nghĩ, cần chiều sâu thì hợp báo in. Cho nên báo in không mất đi”. Nhà thơ nhận định: “Khi báo in phát triển đến một mức độ nhất định thì tòa báo phấn đấu ra được tờ điện tử. Nhưng những báo điện tử phát triển mạnh đến lúc nào đó lại phấn đấu ra báo in. Nó có thể làm quà tặng cho bạn đọc trong những mục đích truyền thông, chứ không chỉ để bán”.
Khi còn sống, điêu khắc gia Lê Công Thành rất thích đọc báo in. Tuổi cao, mắt mờ, ông dùng kính lúp để soi chữ. Tiền Phong là tờ báo vợ chồng ông đặt mua cả năm. Điêu khắc gia nổi tiếng đã ra đi vài năm nay. Vợ ông, nữ họa sĩ Kim Thái vẫn mua báo Tiền Phong. Với bà, báo in hữu ích nhiều mặt, sau khi đọc xong bà dùng nó thay toan. Hiện nay, gia tài tranh vẽ trên báo in của Kim Thái khá giàu có. Bà không bán mà cất làm kỷ niệm, nếu thuận tiện nữ họa sĩ sẽ mở triển lãm nhỏ để khoe gia tài này với những độc giả thời 4.0 còn thích báo in.