Giá sách giáo khoa sẽ tăng sau 8 năm 'đứng yên'?

Gía SGK có thể tăng sau 8 năm “đứng yên”
Gía SGK có thể tăng sau 8 năm “đứng yên”
TPO - “Chúng tôi yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục dừng lại ở chủ trương và thống kê báo cáo để Bộ thẩm định giá đó có tính đúng, tính đủ chi phí hay không sau đó mới xem xét trình Chính phủ”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Sáng 12/3, cho ý kiến về luật Giáo dục sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, trong 8 năm qua, từ năm 2011 tới nay, giá sách giáo khoa (SGK) vẫn đứng yên, không thay đổi dù các khoản chi phí liên tục tăng.

Cụ thể, tiền lương tối thiểu vùng tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần, giấy in tăng 20%, điện tăng 41%, nhưng giá SGK vẫn như 8 năm về trước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét vấn đề này, xem nếu không tăng giá thì DN được in SGK sẽ bị lỗ bao nhiêu?

Bà Ngân tính toán, nếu tăng giá so với giá thành hiện nay chỉ có 17% bình quân, mỗi cuốn chỉ khoảng hơn 1.000 đồng từ lớp 1 tới lớp 12 và chỉ ảnh hưởng khoảng 0,07% đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm 2019. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét để thực hiện việc quản lý điều hành giá cả cho phù hợp với thị trường, quy luật chung.

“Kiềm giá như thế là phi thị trường, không hợp lý. Nếu trường hợp không điều chỉnh giá thì với những khoản lỗ như thế Chính phủ sẽ xử lý thế nào, có trách nhiệm hay không? Bộ trưởng có thể sợ dư luận xã hội xung quanh tăng giá SGK nhưng nếu giá bất hợp lý, không phù hợp với quy luật thị trường, chúng ta để lỗ thì ai chịu trách nhiệm?”, bà Ngân nêu.

Giải trình về việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng thấy bất cập khi giá SGK 8 năm rồi vẫn chưa tăng, nên khi Nhà xuất bản Giáo dục đề nghị tăng giá, Bộ đã thống nhất chủ trương và xin ý kiến các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là nếu điều chỉnh giá thì phải tính đúng, tính đủ và công khai, đồng thời phải làm tốt công tác truyền thông trước và sau vì đây là mặt hàng nhạy cảm, nếu không chuẩn bị kỹ sẽ tạo dư luận không tốt.

“Chúng tôi yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục dừng lại ở chủ trương và thống kê báo cáo để Bộ thẩm định giá đó có tính đúng, tính đủ chi phí hay không sau đó mới xem xét trình Chính phủ”, ông Nhạ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG