Gen Z ngày càng quan tâm và coi trọng sức khỏe tinh thần trong công việc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Gen Z đang tạo ra sự thay đổi về lực lượng lao động hậu COVID-19. Họ ưu tiên môi trường làm việc thân thiện, yêu cầu sự linh động cũng như phúc lợi về sức khỏe.

Một thế hệ mới gia nhập vào thị trường lao động. Hiện nay Gen Z là thế hệ lao động trẻ nhất và họ quan tâm nhất đến môi trường làm việc thoải mái - một công việc có ý nghĩa ở công ty tạo ra sự khác biệt, cùng với đó là quan điểm xã hội và những đề nghị hỗ trợ sức khỏe tinh thần.

"Việc tìm kiếm một nơi làm việc tôn trọng các giới hạn và nhu cầu của nhân viên rất quan trọng với thế hệ ngày nay", Lauren Stiller Rikleen, Chủ tịch Rikleen Institute for Strategic Leadership (tạm dịch: Viện nghiên cứu lãnh đạo chiến lược Rikleen) chia sẻ với Insider. "Điều đó sẽ không thay đổi. Với mỗi thế hệ mới, điều đó sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn".

Nếu công việc của họ không thể đáp ứng những yêu cầu trên, họ không ngần ngại tìm kiếm một nơi phù hợp hơn. Đây chính là lý do thế hệ Gen Z dẫn đầu làn sóng nghỉ việc cùng với thế hệ Millennials. Tuy vậy, khá nhiều người trẻ đang trải qua "cú sốc" khi bắt đầu công việc mới và nhận ra mọi thứ không như những gì họ nghĩ.

Thế hệ Gen Z tham gia vào thị trường lao động bằng cách riêng của họ, yêu cầu sự thay đổi rõ rệt, khác biệt với các thế hệ trước đó.

Gen Z ngày càng quan tâm và coi trọng sức khỏe tinh thần trong công việc ảnh 1

Ảnh: Getty Images

Gen Z đang yêu cầu một môi trường làm việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Theo phóng viên Emma Goldberg của tờ New York Times, nhân viên trong độ tuổi 20 đề nghị có những ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần, giảm khối lượng công việc sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong ngày và tự sắp xếp thời gian làm việc của mình. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn với những gì quen thuộc với thế hệ Millennials: làm việc ngoài giờ và những ngày làm việc đã được lên kế hoạch từ trước.

Đây là một phần của sự "chậm lại", một sự chuyển đổi nhằm cân bằng lại cuộc sống. Họ có thể nghỉ giải lao hoặc chỉ trả lời email vào một số ngày nhất định trong tuần.

Gen Z ngày càng quan tâm và coi trọng sức khỏe tinh thần trong công việc ảnh 2

Ảnh: Getty Images

Đại dịch đã khiến nhiều người Mỹ kiệt quệ và làm việc quá sức, họ bắt đầu suy nghĩ về công việc của mình. Giới trẻ đang thể hiện nhiều luồng ý kiến trên mạng xã hội. "Tôi đang sống ở trong một xã hội đánh giá cao năng lực hơn là sự hạnh phúc, và do vậy tôi luôn cảm thấy chán nản và lo lắng" - một người dùng TikTok cho biết. "Tôi đang cười nhưng sâu bên trong tôi đã bị tổn thương. Tôi làm ba công việc cùng một lúc và vẫn cảm thấy bản thân chưa làm đủ."

Đặc biệt ở Trung Quốc, giới trẻ đang "nằm dài" và tách bản thân khỏi công việc hay cạnh tranh chốn công sở, thay vào đó họ tìm kiếm hạnh phúc và thư giãn với cuộc sống.

Kade, một nhân viên Gen Z ở Kansas đã nghỉ việc sau khi sếp anh ấy nói nhân viên không được sử dụng điện thoại trong ca làm việc, trong trường hợp bị phát hiện sử dụng điện thoại, quản lý có quyền tịch thu.

Ngày có càng nhiều người trẻ nghỉ việc. Nhưng phần lớn họ đang tìm kiếm một cơ hội tốt hơn bởi thế hệ nhân viên Gen Z đang dẫn đầu xu hướng nhảy việc trong thị trường lao động chưa từng có.

Gen Z ngày càng quan tâm và coi trọng sức khỏe tinh thần trong công việc ảnh 3

Ảnh: Getty Images

Thời đại làm việc từ xa tạo điều kiện cho Gen Z có những đòi hỏi cao hơn về nơi làm việc. Rikleen cho biết cuộc sống của họ đã bị đảo lộn trong khoảng thời gian nhạy cảm. "Những điều đó đã làm thay đổi suy nghĩ của họ, họ bắt đầu cân nhắc những gì quan trọng và cách thể hiện chúng."

Tháng 10 năm ngoái, CEO của Linkedin - ông Ryan Roslansky cho rằng nhân viên nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội mới tốt hơn. Đội của ông cho biết việc chuyển đổi công việc trên nền tảng Linkedin tăng 54% so với năm ngoái, với mức độ chuyển đổi của Gen Z tăng mạnh lên tới 80%. Tỷ lệ thay đổi việc của thế hệ Millennials cao thứ hai, lên tới 50%.

Số liệu trên thu được đầu năm 2021. Vào khoảng cuối tháng 7, cuộc khảo sát của Bankrate cho biết số lượng Gen Z và Millennials tìm kiếm công việc tăng gần gấp đôi. Vào tháng 8, một nghiên cứu của Personal Capital và Harris Poll đã chỉ ra 2/3 số người Mỹ tham gia cuộc khảo sát muốn thay đổi công việc. Phần lớn thế hệ Gen Z (91%) cũng thấy vậy. Xu hướng này kéo dài sang tới năm 2022.

Một trong những yếu tố dẫn tới việc nghỉ việc là do nhân viên bị bắt phải tới công ty làm việc. Gen Z có thiên hướng nghỉ việc thay vì quay trở lại làm toàn thời gian tại văn phòng.

Gen Z ngày càng quan tâm và coi trọng sức khỏe tinh thần trong công việc ảnh 4

Ảnh: Getty Images

Một báo cáo mới của Viện nghiên cứu ADP đã thực hiện khảo sát với 32,000 nhân viên trên khắp thế giới và cho biết 71% nhân viên trong độ tuổi 18-24 sẽ cân nhắc tìm kiếm một công việc khác nếu họ bị bắt buộc quay lại văn phòng.

Erifili Gounari, 22 tuổi, nhà sáng lập và CEO của The Z Link, cho biết: "Chúng tôi trân trọng tự do và sự linh động hơn. Do đó, đối với tôi, không có văn phòng làm việc và có cơ hội làm việc ở bất cứ nơi nào họ muốn sẽ trở thành văn hóa công sở phù hợp hơn khi nhân viên cảm thấy độc lập hơn".

Tuy vậy, nhiều người phải trải qua giai đoạn thay đổi đột ngột và cảm thấy hối tiếc khi bắt đầu công việc mới.

Một cuộc khảo sát hơn 2.500 nhân viên vào đầu năm 2022 đưa ra kết quả 72% số người tìm việc cảm thấy bối rối khi bắt đầu ở vị trí mới. Kathryn Minshew, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của The Muse chỉ ra rằng mọi người sẽ thấy ngạc nhiên thậm chí hối hận khi nhận ra vị trí hoặc công ty mới không giống như họ mong đợi.

Minshew chia sẻ: "Sau đại dịch nhiều người nhận ra cuộc sống rất ngắn ngủi, do vậy họ sẽ không gắn bó với một công việc trái với mong muốn của bản thân."

Đây mới chỉ là một phần của xu hướng. 20% trong số 2.000 người Mỹ tham gia vào làn sóng nghỉ việc hối hận vì đã... nghỉ việc. Cuộc khảo sát cũng cho thấy họ bị thu hút bởi viễn cảnh mức lương cao mà không cân nhắc tới các yếu tố khác. Và họ phát hiện ra bản thân đã đánh mất sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, công việc mới không như họ kỳ vọng.

Môi trường làm việc là yếu tố quan trọng nhất đối với Gen Z

Gen Z ngày càng quan tâm và coi trọng sức khỏe tinh thần trong công việc ảnh 5

Theo báo cáo của Firstup, Gen Z quan tâm nhiều tới sự cân bằng giữa cuộc sống - công việc và hạnh phúc cá nhân. Họ tìm kiếm những quyền lợi khác như nghỉ phép có lương, ngày sức khỏe tinh thần, hoặc các hoạt động giúp nâng cao ý thức cộng đồng.

Thế hệ Gen Z cởi mở hơn trong việc nói về sức khỏe tinh thần và ngày càng trở nên nhạy cảm. Báo cáo của Deloitte cho biết có tới hơn 10,000 trong 23,000 người thuộc thế hệ Gen Z và Millennials cảm thấy áp lực và lo lắng.

Họ muốn làm việc ở một nơi thật ý nghĩa về cả sự nghiệp bản thân và ảnh hưởng của công ty đối với xã hội. Báo cáo của Lever cũng chỉ ra rằng 42% Gen Z mong muốn làm việc tại công ty có định hướng và mục tiêu rõ ràng hơn công việc có mức lương cao hơn. Họ cũng muốn đầu quân cho công ty đứng lên bảo vệ, chỉ ra các vấn đề liên quan tới công bằng xã hội.

Hơn một nửa Gen Z chia sẻ mong muốn thay đổi công việc ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân của họ. Phần lớn cho biết họ không chấp nhận một công việc ở công ty không có cùng quan điểm về vấn đề môi trường và xã hội. Bởi Gen Z không chạy theo thành công về mặt tài chính, họ định hướng bản thân theo hướng kinh doanh với mục tiêu tạo ra sự khác biệt.

Gen Z ngày càng quan tâm và coi trọng sức khỏe tinh thần trong công việc ảnh 6

Ảnh: Getty Images

Aryaansh Rathore, nhà sáng lập 16 tuổi của Bread cho hay: "Tôi muốn tạo sự khác biệt trước khi kiếm tiền".

Công nghệ tiên tiến đã tạo ra sự đột phá trong quá trình kinh doanh của Gen Z, thường bắt đầu ở những năm tháng tuổi teen. Họ đã cho thấy khả năng làm chủ doanh nghiệp. Một nghiên cứu với sự tham gia của 1.000 Gen Z cho ra kết quả: 62% Gen Z có kế hoạch hoặc có khả năng tự kinh doanh trong tương lai.

"Thế hệ Gen Z rất sáng tạo và mạnh mẽ", Cô gái tên Emma Havighorst tốt nghiệp năm 2020 cho biết. "Cách chúng tôi nhìn nhận thế giới xung quanh rất khác so với các thế hệ trước đó".

Havighorst đã dẫn chương trình podcast "Generation Slay" trong 3 năm. Podcast chia sẻ tiểu sử, thông tin của những nhà sáng tạo nội dung và doanh nhân thuộc thế hệ Gen Z như Gabby Frost hay Ziad Ahmed.

"Nhu cầu thiết yếu sẽ tạo ra những phát minh mới và chúng ta sẽ cố gắng đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà thế hệ trước phải đối mặt".

Theo Insider
MỚI - NÓNG
Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, nơi tập kết hàng hóa khu vực Đông Nam bộ
Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, nơi tập kết hàng hóa khu vực Đông Nam bộ
TP - Theo kế hoạch phát triển ngành logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng hóa, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực. Phát triển hệ thống logistics dựa trên quan điểm coi dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh.