Xu hướng việc làm mới với Gen Z: Nghề 'trải nghiệm sản phẩm' nở rộ, đem lại thu nhập khá

0:00 / 0:00
0:00
TPO - KOC (Key Opinion Consumer) - những người tiêu dùng review đánh giá, nhận xét sản phẩm được xem là một công việc đang hot những năm gần đây, nhất là với những bạn trẻ năng động, công việc này đã đem đến nguồn thu ổn định và có thể phát triển kinh doanh trên nền tảng số. 

Hiểu về nghề KOC

Thực chất, để có thể trở thành một KOC, bạn cần phải là một KOL trước. Nói như vậy là bởi, KOL (Key Opinion Leader) được định nghĩa là những người có sức ảnh hưởng, có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội. Những ý kiến của các KOLs đưa ra phải có sức nặng và mang tính chia sẻ kiến thức. Từ lượng công chúng theo dõi ban đầu, KOL chuyên nghiệp chuyển thành KOC một cách dễ dàng với công việc thu hút tiêu dùng, thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những đánh giá, nhận xét.

Tuy nhiên, cũng có những KOC không phải là một KOL ban đầu, họ xây dựng lượng người theo dõi bằng cách "cho đi trước, nhận lại sau", tức là sản xuất các video, vlog giải trí hay chia sẻ kiến thức trước lên tài khoản TikTok cá nhân. Sau khi đã thu hút được lượng công chúng nhất định, các TikToker sẽ nhận được lời mời hợp tác từ các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm... để review sản phẩm và thu hút người tiêu dùng.

Xu hướng việc làm mới với Gen Z: Nghề 'trải nghiệm sản phẩm' nở rộ, đem lại thu nhập khá ảnh 1

Ảnh minh họa: Internet

Có thể thấy, ai trong chúng ta cũng có thể dùng điện thoại quay video đăng tải lên nền tảng số được nhưng không phải ai cũng tham gia vào mạng lưới KOC hay trở thành KOC. Sở dĩ, một người làm review uy tín phải xác định được thế mạnh sáng tạo nội dung của mình, có các nội dung thể hiện sự đột phá riêng của bản thân hay có chiến lượng quảng bá hiệu quả.

Phát triển trong thời đại công nghệ số, nhiều bạn trẻ đã thử sức và có hứng thú với công việc làm review sản phẩm trên TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác. Công việc này có thu nhập không giới hạn, tùy vào mức độ hiệu quả và KPI ứng với tiêu chí mà nhãn hàng đưa ra sẽ nhận mức lương tương ứng. Có những KOC lương trên 100 triệu/tháng, nhưng cũng có bạn chỉ vài triệu/tháng. Nhưng dù với mức lương nào thì công việc này cũng đã tạo điều kiện kiếm tiền cho những bạn trẻ thất nghiệp mùa dịch và tạo ra một xu hướng việc làm mới của Gen Z trong tương lai.

Dễ làm, dễ kiếm tiền nhưng không đơn giản

Chia sẻ với Tiền Phong, bạn Đặng Thị Hà Vy (sinh năm 2001, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí) thẳng thắn bày tỏ: "Trước đây mình đã rất thích những thứ liên quan đến làm đẹp, và đặc biệt thích theo dõi mạng xã hội. Không dừng ở đó, mình còn mong muốn sẽ phát triển điểm mạnh của bản thân và trở thành một blogger làm đẹp. Mình đã gắn bó với công việc đánh giá sản phẩm từ khi học cấp 3, tính đến nay đã 5 năm.

Xu hướng việc làm mới với Gen Z: Nghề 'trải nghiệm sản phẩm' nở rộ, đem lại thu nhập khá ảnh 2

Tuy nhiên, khi làm công việc này, một số nhãn hàng luôn muốn mình chia sẻ về 10 điểm chất lượng đến người xem nhưng thực tế sản phẩm chỉ đạt khoảng 7 điểm chất lượng. Đây là một "cái khó" của những người làm review như mình bởi nếu phóng đại chất lượng sản phẩm tới người xem sẽ gây ảnh hưởng đến hành động mua bán, kết quả sử dụng sản phẩm không như mong muốn. Về lâu dài sẽ bị mất dần lượng người theo dõi và kéo theo ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập hàng tháng của bản thân.

Nhưng mình không phủ nhận rằng xã hội sẽ ngày càng hiện đại và việc làm đẹp trở thành xu hướng, vì vậy những reviewer như mình càng ngày càng có nhiều cơ hội để phát triển hơn mỗi ngày".

Với Nguyễn Quỳnh Anh, cô bạn đến từ Vĩnh Phúc lại gặp phải một số khó khăn khi làm KOC như: "Mình thấy công việc này có nhiều bất cập về thời gian, ví dụ như, khi nhãn hàng book mình phải lên ý tưởng từ mấy ngày trước khi sản phẩm họ giao đến rồi lên video luôn trong ngày. Hay những nhãn hàng khó tính hơn sẽ phải đưa ra nhiều ý tưởng trước cho họ lựa chọn, nếu không ưng khi lên video vẫn phải làm lại. Có hôm mình phải thức đến 3 giờ sáng để làm review mới xong số lượng sản phẩm của 1 ngày.

Xu hướng việc làm mới với Gen Z: Nghề 'trải nghiệm sản phẩm' nở rộ, đem lại thu nhập khá ảnh 3

Mặt khác, mình không phải một KOC chuyên nghiệp nên các nhãn hàng sẽ đặt dựa vào số lượng người theo dõi. Khi đó, mình phải nỗ lực cải thiện nội dung sao cho thu hút người xem và sở hữu lượng fan ổn định thì thu nhập mới không bị ảnh hưởng. Đó là tất cả trải nghiệm của mình khi làm review trong vài tháng nghỉ dịch. Khi trở lại cuộc sống bình thường mới, mình chọn quay lại làm công việc chính là chụp ảnh và vẫn sẽ duy trì việc phát triển nội dung trên nền tảng số nhưng không quá chuyên về đánh giá sản phẩm".

Những chia sẻ từ bạn trẻ làm công việc nhận xét sản phẩm đã đem đến cái nhìn đa chiều về công việc mới nổi này. Cho đến nay, mạng xã hội thực sự đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" để nhiều người "dấn thân" kiếm việc làm từ đó nhưng bên cạnh những thuận lợi cũng có sự cạnh tranh cao và dễ dàng "đào thải" những cá nhân làm "nội dung bẩn".

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Để hiểu rõ hơn về những vấn đề xoay quanh nghề đánh giá sản phẩm, chị Ngô Thùy Trang (diễn giả Keira Ngo) hiện đang là Quản lý nội dung đào tạo các chương trình về Tâm lý học đã có những nhận định và quan điểm riêng. Đầu tiên, cần phân tích nguyên nhân và đưa ra giả thiết về việc bạn trẻ "đổ xô" đi làm công việc trải nghiệm đánh giá sản phẩm:

"Nếu chỉ nghĩ đơn giản theo quy luật cung và cầu, ta hoàn toàn có thể đưa ra một nhận định rằng sự phát triển nhanh chóng của nghề nghiệp này xuất phát từ nhu cầu thị trường đang ngày một tăng cao; do chi phí thuê KOC rẻ hơn rất nhiều mà lợi nhuận đem lại cao hơn so với các KOL hay các ngôi sao có tiếng. Tuy nhiên, chỉ những chuyên gia kinh tế với các số liệu nghiên cứu cụ thể mới có thể đưa ra một nhận định chính xác rằng, liệu sự xuất hiện của nghề này có thực sự xuất phát từ nhu cầu thị trường hay chỉ là một “bong bóng nghề nghiệp".

Việc đánh giá bạn trẻ nên hay không nên dành tất cả thời gian làm KOC cần được thực hiện dựa trên một số tiêu chí nhất định. Giả sử, sau đây là một số câu hỏi ta có thể đề ra khi so sánh giữa việc học và việc làm KOC:

  • Điểm mạnh và điểm yếu của bạn trẻ đó là gì? Bạn ấy có tính cách, phong thái và cách trình bày bản thân phù hợp để làm công việc đánh giá sản phẩm không?

  • Định hướng nghề nghiệp của bạn trẻ đó trong tương lai là gì? Liệu bạn ấy có tiếp tục trong ngành truyền thông và giải trí trong tương lai không?

  • Giá trị bạn ấy đang hướng tới trong công việc là gì, ví dụ, giá trị vật chất, giá trị nhân văn, hay bất kỳ giá trị nào khác?

  • Kế hoạch tương lai gần (5 năm) và kế hoạch tương lai xa (10-15 năm) của bạn ấy là gì?

  • Ngành bạn trẻ đó đang theo học có phù hợp với bạn ấy không?

  • Liệu việc có bằng đại học có giúp bạn ấy sẵn sàng cho bất kỳ cơ hội nghề nghiệp hoặc cơ hội học tập nào trong tương lai không?

  • Bạn trẻ đó sẽ học được những kỹ năng gì từ việc làm KOC? Những kỹ năng đó có thể giúp bạn làm các công việc khác trong tương lai không, nếu trong trường hợp làm KOC không còn là một lựa chọn phù hợp?

Trên thực tế, không có câu trả lời hay lựa chọn nào là đúng hay sai, chỉ có câu trả lời phù hợp nhất cho mỗi người ở một giai đoạn cụ thể trong cuộc đời".

Xu hướng việc làm mới với Gen Z: Nghề 'trải nghiệm sản phẩm' nở rộ, đem lại thu nhập khá ảnh 4

Chuyên gia tâm lý Ngô Thùy Trang từng tốt nghiệp xuất sắc ngành Nghiên cứu Tâm lý học tại University of Birmingham, Anh Quốc. Ảnh: NVCC

Với câu hỏi "Người trẻ có tâm lý "thử việc mới", chạy theo việc làm "hot" có mặt lợi và hại gì?", nữ chuyên gia tâm lý cho rằng bản thân việc làm hot như KOC không hoàn toàn xấu cũng không hoàn toàn tốt mà chính tâm lý “thích thử cái mới" và “chạy theo" cái mới là thứ đáng để bàn luận.

Cô nói: "Trong bất kỳ ngành nghề nào, chính sự kiên trì và bền bỉ mới là yếu tố nuôi dưỡng đam mê và dẫn tới các thành tựu cụ thể. Nếu bắt đầu bất kỳ công việc nào chỉ với suy nghĩ thích thử việc mới và chạy theo việc hot thì rất dễ nản chí khi nhận ra rằng công việc mình đang chọn không như tưởng tượng.

Bản thân mình không nghĩ những bạn trẻ có thể nuôi sống bản thân và gia đình bằng nghề KOC chỉ đơn thuần chạy theo nghề. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân đủ để trở nên nổi bật trong hàng triệu người sử dụng mạng xã hội, cũng như phải đối mặt với rất nhiều lời bàn luận về bản thân cũng như về sản phẩm đang được quảng cáo không phải những nhiệm vụ đơn giản".

Và để giảm thiểu tối đa những khó khăn trong nghề, diễn giả Keira Ngo đưa ra một số lời khuyên cụ thể cho các bạn trẻ đang và sẽ dấn thân vào công việc KOC: "Trước tiên, hiểu rõ giá trị, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để đứng vững trước những luồng dư luận trái chiều. Thứ hai, học cách điều hoà và giải tỏa cảm xúc để tiếp tục làm việc và duy trì các mối quan hệ lành mạnh với bản thân, với bạn bè và đồng nghiệp. Cuối cùng, học cách giao tiếp và các phương pháp hành xử chuyên nghiệp, phù hợp để nói lên quan điểm và bảo vệ lập trường của bản thân mà không làm tổn thương tới người khác hay ảnh hưởng tiêu cực tới bản thân".

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…