Nữ sinh Gen Z đam mê khởi nghiệp và những dự án vì cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Là một người yêu thích khởi nghiệp, Lê Thị Thu Hằng cùng nhóm Antimatlab từng gây được tiếng vang lớn với dự án khởi nghiệp vì cộng đồng - “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng” năm 2019, xuất sắc kêu gọi được tiền tài trợ từ Viện trí tuệ nhân tạo (VinAI Research, thuộc tập đoàn Vingroup).

Khởi nguồn từ ứng dụng AI nhận diện quấy rối tình dục

Lê Thị Thu Hằng hiện là sinh viên năm 4, lớp trưởng lớp Tài chính Tiên tiến 60B, ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Hằng là thành viên của nhóm dự án “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng”, lọt vào chung kết cuộc thi Vietnam AI Grand Challenge 2019; đồng thời nhận được tài trợ của Vingroup.

Thu Hằng chia sẻ, đầu năm 2019, liên tiếp các vụ quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em xảy ra tại nơi công cộng như xe buýt, công viên, bãi đỗ xe và đặc biệt là thang máy. Điển hình vụ việc ngày 4/3/2019, một người đàn ông đã sàm sỡ cô gái trong thang máy nhưng chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng, khiến dư luận bức xúc.

Nữ sinh Gen Z đam mê khởi nghiệp và những dự án vì cộng đồng ảnh 1
Thu Hằng sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh. Ảnh: NVCC

Từ tình trạng nhức nhối đó, trong đó nhiều nạn nhân là trẻ em gái, Thu Hằng cùng 4 sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội thành lập nhóm Antimatlab và triển khai dự án ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ phát hiện và can thiệp các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng. Phần mềm này sẽ được tích hợp vào hệ thống camera an ninh và phát ra cảnh báo khi có hành vi quấy rối.

“Tôi nhận thấy cần có một giải pháp thực sự cho vấn đề này, vì an toàn cho phụ nữ nói riêng và cho xã hội nói chung. Đừng để khi họ thành nạn nhân rồi mới lên tiếng, hãy ngăn chặn mọi chuyện đừng xảy ra”, với suy nghĩ như vậy, nhóm của Thu Hằng chỉ mất đúng 8 ngày từ khâu lên ý tưởng tới lúc hoàn thiện sản phẩm.

Trong suốt quá trình tham gia dự án, Hằng đảm nhiệm các hoạt động vận hành, xây dựng mô hình kinh doanh, khảo sát thị trường, chọn tệp khách hàng mục tiêu và cũng là người phối hợp với các đơn vị báo chí, làm các sản phẩm truyền thông định hướng dự án.

Với sự đóng góp của Hằng nói riêng và cả nhóm nói chung, đã thuyết phục được ban giám khảo lọt vào chung kết cuộc thi Vietnam AI Grand Challenge 2019 và đạt giải nhất cuộc thi ĐMST Youth Co:Lab do UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc) tổ chức.

Sau cuộc thi Hằng thường xuyên gửi hồ sơ dự án tới các tổ chức lớn để kêu gọi vốn và tiền tài trợ. Mỗi lần bị từ chối là một lần cô kiên trì xem xét và sửa đổi bổ sung lại bản kế hoạch.

Sau nhiều lần cố gắng cùng với sự hỗ trợ tích cực từ Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), dự án “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng” đã nhận được sự quan tâm từ nhiều cá nhân, tổ chức. Trong đó có sự quan tâm từ Cyfeer (Giải pháp quản lý chung cư của CenLand) hay đặc biệt nhóm đã kêu gọi được tiền tài trợ từ Viện trí tuệ nhân tạo (VinAI Research thuộc tập đoàn Vingroup).

Giữ lửa đam mê

Hằng chia sẻ, thực tế, những thành quả đạt được từ dự án “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo” là sự đúc kết từ nhiều dự án và công việc Hằng từng trải nghiệm trước đó. Một trong số đó là dự án FinPig - giải pháp quản lý tài chính thông minh cho giới trẻ.

Dự án này đã nhận nhiều giải thưởng như giải nhất Track Fintech cuộc thi JunctionxHanoi Hackathon; giải ba cuộc thi Khởi nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân - NEUrON 2018 và 2021; giải ba cuộc thi BA Startup 2019...

Theo Thu Hằng, FinPig ra đời từ chính vấn đề mà cô và nhiều bạn trẻ khác gặp phải đó là không biết cách tiết kiệm và quản lý tài chính đúng cách. Khi đó Hằng đã nghĩ đến một ứng dụng cho phép quản lý chi tiêu và tiết kiệm tích lũy với khoản nhỏ cho các bạn trẻ.

Khi nghĩ ra ý tưởng này, Hằng (trưởng nhóm) cùng bạn bè đã đem ứng dụng FinPig đi thi cuộc thi Hackathon JunctionXHanoi để có cơ hội trao đổi với các chuyên gia trong ngành về sản phẩm. Và cuối cùng Hằng và team đạt giải nhất track Fintech trong cuộc thi.

Nữ sinh Gen Z đam mê khởi nghiệp và những dự án vì cộng đồng ảnh 2
Thu Hằng (giữa) cùng các cộng sự đạt giải nhất track Fintech cuộc thi JunctionXHanoi với giải pháp FinPig. Ảnh: NVCC

Không chỉ dừng lại ở đó, sau cuộc thi JunctionXHanoi, Hằng cùng đội ngũ vẫn liên tục nghiên cứu, cải thiện sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh và đăng tải lên CHPlay và thu về 2.000 lượt tải dùng thử.

Thu Hằng bộc bạch, niềm yêu thích khởi nghiệp được bắt nguồn từ bố. “Từ bé mình đã thích nhìn bố làm việc với những mô hình xí nghiệp, bố chính là tấm gương để mình noi theo và học tập. Bên cạnh đó, mình cũng nhận thấy được vai trò của khởi nghiệp, khởi nghiệp không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn tạo cho thị trường những ý tưởng, sự đổi mới, tính sáng tạo,...”, Thu Hằng nói.

Nói về điều nuối tiếc nhất trên hành trình bước đến “ngọn lửa” đam mê khởi nghiệp, nữ sinh 10x cho biết, điều khiến cô thấy nuối tiếc nhất là dự án “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo” vẫn còn dang dở, hiện đã phải tạm dừng lại vì nhiều lý do.

Nhóm của Thu Hằng gặp phải khó khăn trong việc xin cung cấp dữ liệu data, nhận diện từng người, cùng với đó nhóm còn thiếu kinh nghiệm trong việc thương mại hóa sản phẩm đến tay khách hàng, ngoài ra nhiều cộng sự cũng có những định hướng mới.

Nữ sinh Gen Z đam mê khởi nghiệp và những dự án vì cộng đồng ảnh 3
Thu Hằng đại diện dự án nhận giải tại Kawai Startup Fair 2019. Ảnh: NVCC

Bởi thế, Hằng cảm thấy bản thân vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình kinh doanh, marketing sản phẩm nên cô quyết định dừng lại dự án. Tuy nhiên dừng lại không có nghĩa là kết thúc. Thu Hằng mong muốn học hỏi nhiều hơn về startup và có cái nhìn đa chiều hơn vào đánh giá các dự án khởi nghiệp. Cô đã tiếp tục thử sức qua nhiều vị trí trong các công ty khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm. Nổi bật có thể kể đến vị trí Thực tập sinh và Thư ký tại Tổ chức Khoa Học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) và Trợ lý Giám đốc tại Quỹ đầu tư mạo hiểm VIC Partners (đầu tư ColorMe, TopCV, CoolMate,...).

Qua những công việc trên, Hằng mong muốn được trau dồi thêm kinh nghiệm cho bản thân, để đến một thời điểm nhất định, cô sẽ quay trở lại phát triển dự án khởi nghiệp mang tính cộng đồng cao mà mình đang phải tạm gác lại - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng.

Chia sẻ kinh nghiệm nhiều lần ứng tuyển vào các tổ chức lớn, Thu Hằng cho biết, tinh thần chủ động là yếu tố tiên quyết mà các đơn vị mong muốn tìm kiếm ở ứng viên. Chủ động có nghĩa là bạn có thể biết và nắm bắt công việc. Ngoài ra, tinh thần lãnh đạo và kiến thức chuyên môn cũng là điều rất được lưu ý.

Theo Hằng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những cơ hội thực tập và làm việc sẽ giúp các bạn sinh viên rất nhiều trong việc hiểu và ứng dụng kiến thức vào thực tế. Tuy nhiên, cô bạn không quên nhắc nhở các bạn trẻ vẫn cần ưu tiên việc học lên hàng đầu.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.