Khát vọng đổi thay của chàng trai người Mông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vừ Trung Bay (SN 2000) - chàng sinh viên người dân tộc Mông bẩm sinh đã mất bàn tay phải, nhưng luôn có khát khao làm thầy giáo đầu tiên của bản vùng cao Há Khuá (Co Tòng, Thuận Châu, Sơn La) để dạy trẻ người Mông biết chữ, thoát nghèo.
Khát vọng đổi thay của chàng trai người Mông ảnh 1
Thư viện Trường Cao đẳng Sơn La là nơi yêu thích của Vừ Trung Bay (sinh viên năm 3, khoa Ðào tạo giáo viên, Trường Cao đẳng Sơn La)

Dựng lán, góp gạo “nuôi” con chữ

Vừ Trung Bay ở bản Há Khúa- bản đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Co Tòng. Bay là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em. Dù bố mẹ luôn mong các con học hành để thoát nghèo, nhưng trong mấy anh em, chỉ có Bay học đến cao đẳng.

Thu nhập của gia đình Bay phụ thuộc vào những nương ngô, sắn trên đồi cao, gặp lúc mất mùa ăn không đủ no, chạy ăn từng bữa. Bay không có bàn tay phải từ lúc mới sinh. Nhà nghèo, lại không được lành lặn như bạn bè, nên từ bé bố Bay đã động viên con phải chịu khó học hỏi, để không phải làm nông vất vả.

Bay đến trường với muôn vàn thử thách, từ bất đồng về ngôn ngữ, đến tập viết bằng tay trái, vượt qua sự mặc cảm của chính mình. Ở Há Khúa, trẻ con đến trường rồi bỏ là chuyện thường. Bản thân Bay khi còn bé đã rất nhiều lần muốn bỏ học, bởi con đường đến lớp học quá gian nan. Năm cấp 1, 2 điểm trường còn gần nhà, đến năm cấp 3 trường học cách xa nhà 7 km đường núi. Để đến lớp mỗi ngày em phải đi bộ nhiều tiếng đồng hồ.

Thương con đi học xa, bố mẹ Bay và nhiều phụ huynh khác xúm vào dựng cho các con một túp lều bằng tre, nứa, vách liếp, mái lợp fibro xi măng gần trường học để ở tạm. Lán của Bay có 5 bạn, mỗi bạn mang đến một hòm quần áo, sách vở, góp gạo thổi cơm chung để cùng “nuôi” con chữ.

Những ngày mùa đông, trời miền núi mù sương, lạnh cắt da, cắt thịt. Khu lán tối om. Ngày mưa, nhìn nước hắt qua vách liếp ướt hết chăn màn, đồ đạc mà bất lực. Những lúc như vậy Bay cùng các bạn chỉ còn biết xích lại gần nhau để chống lại cái rét.

“Khổ nhất ở lán là không có nước. Chúng em phải đi bộ 2km xuống núi để xách từng can nước lên nấu ăn. Cơm thì chỉ có cơm trắng chan với muối ăn thôi. Cứ cuối tuần học xong em và các bạn lại dắt nhau đi bộ 7-8km về nhà lấy gạo muối lên để ăn cho tuần sau”, Bay kể.

Ước mơ vì cộng đồng

Cả vùng núi nghèo khó Hà Khúa chưa có ai học hết lớp 12. Cả lớp cấp 3 chỉ có một mình Bay tốt nghiệp. Bay trở thành niềm tự hào của cả rẻo cao Hà Khúa khi là người Mông đầu tiên đỗ vào Trường Cao đẳng Sơn La.

Bay thích làm thầy giáo, muốn làm những công việc liên quan đến xã hội, đến cộng đồng, bởi vậy cậu đã chọn học khoa Đào tạo giáo viên. “Em muốn đi học ở các trường lớn dưới Hà Nội nhưng nhà nghèo quá, nên chọn học trong tỉnh phù hợp với điều kiện của gia đình”, Bay nói.

Bay mong muốn làm thầy giáo để dạy trẻ con Mông biết yêu quê hương, biết làm giàu cho bản làng. Bay thương nhiều đứa trẻ người Mông đã không vượt qua được những rào cản, để rồi bỏ học và sống mãi trong nghèo đói và thất học.

Vừ Trung Bay (sinh viên năm 3, khoa Ðào tạo giáo viên, Trường Cao đẳng Sơn La) là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương tại Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam bình chọn.

“Các bạn cùng trang lứa ở bản đều đã lấy vợ, lấy chồng có con lớn. Nếu trước đây, em cũng bỏ học, có lẽ giờ này chắc chỉ quanh quẩn với nương ngô, nương sắn, rồi ngày ngày theo sau đuôi con bò lên rừng”, Bay tâm sự.

Vừ Trung Bay đã luôn nỗ lực hết mình trong học tập, cậu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến trong các năm học, riêng năm học 2018 - 2019 cậu đạt học sinh giỏi toàn diện. Bay còn luôn năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào của trường, lớp, được bạn bè và các thầy cô yêu quý. Bay tham gia cuộc thi nghiệp vụ Sư phạm do khoa Đào tạo giáo viên tổ chức, đã giành giải Nhất giảng môn Toán.

Nói về dự định trong tương lai, Bay mong muốn làm những điều có ích cho cộng đồng, bản làng mình. Bay mong muốn tạo ra cơ hội tiếp cận tri thức dễ dàng hơn cho nhiều trẻ em người Mông.

MỚI - NÓNG