Những 'bóng hồng' tật nguyền nghị lực

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sinh ra không may khi cơ thể bị khuyết tật, thay vì mặc cảm, buông xuôi, những “bóng hồng” ấy đã không đầu hàng số phận, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Bại liệt chân, kiếm tiền bằng đôi tay

Bị liệt đôi chân, hơn 30 năm phải nằm, ngồi một chỗ, nhưng trời lại phú cho Sầm Thị Giang (SN 1988, trú bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) có đôi tay thêu thùa khéo léo nổi tiếng khắp vùng. Những sản phẩm của Giang được mọi người đánh giá cao, ẩn chứa tâm huyết và cả sự tinh tế của người thêu. Đơn đặt hàng của Giang, vì thế, ngày càng nhiều. Giờ đây, mặc dù sức khỏe có phần giảm sút, nhưng hằng ngày Giang vẫn cố gắng gắn với cây kim sợi chỉ. Hiện tại trung bình cứ 3 tháng chị lại làm ra từ 2 - 3 sản phẩm như chân váy Thái, khăn Piêu, khăn trải bàn… Phút chạnh lòng, Giang tâm sự, bản thân cũng mong muốn có một mái ấm nhỏ, có chồng và những đứa con. Nhưng rồi, Giang lập tức nhắc mình phải thực tế hơn, bằng lòng và yêu quý thực tại. “Đôi chân là thử thách và cũng là động lực khiến tôi trở nên mạnh mẽ hơn”, Giang cười rạng rỡ, nụ cười của sự lạc quan, của cô gái không bằng lòng với số phận.

Ngồi trên chiếc xe lăn, Giang nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn trước kia. Giang kể, ngay từ khi chào đời, chị đã không may mắn như bạn bè đồng trang lứa khi bị bại liệt đôi chân. Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè xúng xính váy áo đến trường, niềm khao khát học con chữ trong Giang thôi thúc. Chị xin bố mẹ được đi học. Thương con gái bé nhỏ, hằng ngày mẹ Giang trở dậy từ rất sớm, cõng con trên lưng, đi bộ, lội khe đưa con đến trường. Học hết bậc tiểu học, dù vẫn muốn được học lên nữa, nhưng thương đôi vai gầy của mẹ và những sợi tóc bạc của cha, Giang quyết định nghỉ học. Mỗi ngày, Giang quanh quẩn trên chiếc giường của mình, nghĩ đến ước mơ sau này không thể thực hiện được, lại nhìn vào đôi chân tật nguyền và đôi bàn tay yếu ớt, nước mắt cứ thế rơi.

Những 'bóng hồng' tật nguyền nghị lực ảnh 1

Sầm Thị Giang hướng dẫn các em nhỏ trong vùng thêu váy thổ cẩm

Tình yêu thương của gia đình và bà con bản làng đã khiến cô gái suy nghĩ lạc quan hơn. Giang nghĩ mình còn may mắn hơn bao nhiêu người khi đôi tay vẫn còn cử động được. Và rồi, Giang bắt đầu với nghề thêu váy truyền thống của bản làng. Đôi tay yếu ớt, run run, những mũi kim đầu tiên đã khiến bàn tay chị rớm máu. Đau, nhưng không bỏ cuộc, chị vừa thêu, vừa xoa bóp tay. Lâu dần, sản phẩm của chị ngày càng nhiều hơn, tinh tế và đặc sắc hơn. “Những năm trước còn khỏe mạnh, ít ốm đau có tháng mình thêu được 2 chân váy Thái, bán được 700 - 800 nghìn đồng/chiếc. Số tiền kiếm được tôi dành phụ giúp bố mẹ nuôi cô em út lúc đó đang đi học. Tự kiếm tiền bằng chính sức của mình, tôi hạnh phúc lắm”, Giang chia sẻ.

“Gieo duyên đọc sách - Lan tỏa yêu thương”

Đó cũng chính là sứ mệnh suốt 17 năm qua của Trần Thúy Nga (SN 1985, trú xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Ngồi trên chiếc xe lăn cạnh tủ kính với hơn 6 nghìn đầu sách, khuôn mặt hiền từ, nụ cười tươi rói, Nga chia sẻ cho chúng tôi về những ước mơ, hoài bão và hơn hết là niềm đam mê với sách. Chị bảo, giờ chị không cho thuê sách nữa mà vận động mọi người đến đọc miễn phí, ai có nhu cầu có thể mượn về nhà. Rất đông các em học sinh và người dân đã đến để mượn sách đọc mỗi ngày.

Những 'bóng hồng' tật nguyền nghị lực ảnh 2

Cô gái tật nguyền Trần Thúy Nga tự nhận mình là người gieo duyên đọc sách

Sầm Thị Giang và Trần Thúy Nga là 2 thanh niên được Tỉnh đoàn Nghệ An giới thiệu T.Ư đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia chương trình Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2021”.

Đôi mắt như mơ màng, Nga kể, suốt cuộc đời sẽ không bao giờ quên được mùa hè năm 1998, khi bước sang tuổi 13, toàn thân đau buốt, chân tay ngày càng khó cử động vì căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Sau nhiều tháng ngày điều trị, bác sĩ bảo bệnh của chị không thể chữa trị dứt điểm, phải sống chung với sự đau đớn. Và rồi, ngày định mệnh đã đến, toàn thân chị tê liệt, không còn khả năng bước đi bằng đôi chân của mình; chiếc xe lăn trở thành người bạn đồng hành cho đến tận bây giờ. Trong chuỗi ngày tháng đau đớn, tuyệt vọng đó, chị tìm đến sách để làm bạn. Mỗi lần nhập tâm vào từng trang sách, cô gái tạm quên đi cơn đau. Chị bắt đầu sống nghị lực hơn khi tự mở một cửa hàng tạp hóa và dùng tiền tiết kiệm xây dựng tủ sách vào năm 2004 với mục tiêu khá rõ ràng: Cho thuê các loại sách giải trí nhưng sẽ cho mượn miễn phí những đầu sách ý nghĩa.

Được đọc cuốn tự truyện “Không gục ngã” của Nguyễn Bích Lan, Nga mới bắt đầu tìm cho mình một mục đích sống mới, cao hơn. “Không gục ngã” giúp cô gái trẻ bắt gặp hình ảnh của chính mình, có lúc nước mắt đã ướt nhòe trang sách. Nga khâm phục người phụ nữ đã bước qua hầm tối bằng con đường tự học và tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Câu chuyện nghị lực đó càng truyền cảm hứng cho chị sống tích cực. “Năm 2013, tôi quyết định biến tủ sách của mình thành một thư viện cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Ai cũng có thể đọc sách hay mà không phải nghĩ đến tiền thuê hoặc mua sách”, Nga nói.

Hàng nghìn cuốn sách, gồm các loại sách kỹ năng sống, kỹ năng học tập và phát triển bản thân, các tác phẩm văn học kinh điển, sách hạt giống tâm hồn, thiếu nhi... là tài sản chăm chỉ tích góp bao năm qua của Nga. Đều đặn hàng tuần, hàng tháng, Nga đều bỏ “tiền túi” để mua thêm sách, làm phong phú thêm tủ sách miễn phí của mình. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người tìm đến tủ sách miễn phí. Càng nhiều người tìm đến, Nga càng bận và mệt hơn, nhưng trong lòng cô gái luôn tràn ngập niềm vui và mong muốn cải thiện hơn nữa cho tủ sách. “Nhà tôi hiện đã cũ, lại chật chội. Tôi đang cố gắng cân đối lại quỹ mua sách để tiết kiệm một khoản xây thư viện rộng hơn, chứa được nhiều tủ sách hơn và có không gian thoải mái cho mọi người ngồi đọc hay đến mượn sách”, Nga tâm sự. Dù phía trước còn nhiều thử thách, nhưng chưa bao giờ Nga bỏ cuộc. Ngược lại, cô gái trẻ luôn nỗ lực để sống tích cực, biết ơn từng giây phút được sống, được cống hiến và lan tỏa thêm nhiều yêu thương.

MỚI - NÓNG