Cụ thể, nữ sinh viên của một trường đại học đã có dòng chia sẻ như sau khiến mạng xã hội xôn xao: “Các anh chị ơi, ra trường lương 7 triệu là có thật ạ? Em đang năm nhất, chuẩn bị lên năm 2 đại học. Lực học của em cũng trung bình thôi nhưng em nghĩ là sau khi ra trường thì sẽ có mức lương cao hơn các trường khác chứ ạ.
Tự nhiên dạo này mọi người đồn nhau ra trường lương chỉ có 7-8 triệu mà em thấy buồn quá, liệu có xứng với 4-5 năm đại học, tốn kém mấy trăm triệu của bố mẹ không? Ít nhất các nhà tuyển dụng cũng phải nhìn profile của ứng viên xem trường nào tiềm năng trường nào không chứ nhỉ… Cứ hy vọng học sẽ có tương lai rộng mở mà nhìn các anh chị ra trường đi làm kể chuyện em thấy bi quan quá ạ”.
Quan điểm của nữ sinh nói trên đã trở thành tâm điểm bàn luận của nhiều bạn trẻ và các nhà tuyển dụng. Cụ thể như sau:
Trước khi yêu cầu mức lương, phải tự "định vị" năng lực của mình trước
Khác với nữ sinh nói trên, bạn Ngọc Linh (22 tuổi, sinh viên năm 3 ở Hà Nội) đang làm thêm trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện lại cho rằng: "Mình nghĩ, để hài lòng về mức lương, cần xét đến 2 yếu tố: Thứ nhất là nhu cầu sống, mức sống của từng người; Thứ hai là năng lực chuyên môn và thái độ làm việc.
Bạn nữ trên nói khởi điểm mức lương 7 triệu là thấp thì phải "định vị" rõ năng lực hiện có. Nếu bạn giỏi, bạn mới đủ tự tin để nhận định 7 triệu là thấp và đưa ra đề xuất phù hợp hơn. Bản thân mình cho rằng, mình có thể thoải mái lựa chọn công việc mình muốn làm, được quyết định tiền lương phù hợp với năng lực khi được kiểm chứng qua chất lượng công việc và mức độ hoàn thành".
Ảnh minh họa. |
Không nên "lấy mác trường học" để so sánh về mức lương
"Lực học của em cũng trung bình thôi nhưng em nghĩ, sau khi ra trường thì sẽ có mức lương cao hơn các trường khác chứ ạ?" - câu hỏi của bạn nữ sinh viên trường X khiến nhiều người chỉ trích khi lấy "mác trường" đem ra so sánh.
Bạn Hải Yến (23 tuổi, làm việc ở Hà Nội) cho rằng: "Không phải cứ học trường top đầu thì bạn sẽ giỏi hơn những người còn lại, không phải cứ học trong trường danh tiếng thì lương bạn sẽ cao. Bởi dù bạn học tập trong môi trường tốt, nhiều người giỏi nhưng bạn lại chỉ đứng top cuối lớp hay năng lực kém thì cũng "thua" các bạn sinh viên trường khác.
Nếu trong thời gian học đại học, bạn tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và kĩ năng thì khi ra trường hoàn toàn có thể mong đợ những vị trí yêu cầu kinh nghiệm, thu nhập cao. Còn nếu chưa có chút kinh nghiệm hay kỹ năng liên quan thì được công ty nhận đào tạo đã là một cơ hội rất tốt rồi. Nói cách khác, cần nhận thức rõ về năng lực của bản thân để tránh dẫn đến những nhu cầu, lời đề nghị xa rời thực tế".
Chuyên gia nói gì?
Chia sẻ rõ hơn về vấn đề trên, chị Nguyễn Thái Hà (Giám đốc tuyển dụng của VNOKRs, giảng viên thỉnh giảng môn kỹ năng ứng tuyển ở Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cho biết: "Không hiếm bạn có quan điểm giống như bạn nữ sinh nói trên, nó xuất phát từ tư duy bằng cấp mà người lớn định hình cho chúng ta, kiểu như “học cho giỏi đi rồi thích làm đâu cũng được”.
Cá nhân tôi thấy các bạn phát biểu như vậy do chưa có sự cọ xát trong thực tế nên việc đánh giá còn thiếu tính khách quan. Có rất nhiều sinh viên ra trường thậm chí còn chấp nhận làm việc không lương để lấy kinh nghiệm.
Có câu nói: "Khi không có giá trị thì cho người ta cũng không lấy chứ nói gì tới bán". Sức lao động cũng là một sản phẩm để "bán". Không hiếm các bạn sinh viên ra trường đã có thu nhập 8 chữ số nhưng hầu hết các bạn đó đều có một quá trình phấn đấu cực kỳ cố gắng trong giai đoạn sinh viên. Không thể nỗ lực bình thường mà đòi có kết quả phi thường".
Chị Nguyễn Thái Hà nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội với kênh chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm ứng tuyển và phỏng vấn. |
Theo chuyên gia tuyển dụng Thái Hà, “mác trường đại học” có thể là một lợi thế cho ứng viên khi xin việc đối với một vài doanh nghiệp. Nhưng về mặt bản chất, doanh nghiệp cần tìm ứng viên chất lượng tốt, và họ cho rằng tốt nghiệp từ một số trường là thể hiện cho chất lượng tốt đó. "Tuy nhiên, tôi nghĩ trường và sinh viên là quan hệ 2 chiều, đôi bên củng cố thương hiệu cho nhau. Nếu sinh viên tốt nghiệp từ trường A và ra làm việc tốt, người ta nói: "Đấy, tốt nghiệp trường A có khác"; và ngược lại nếu kết quả tồi, người ta sẽ nói: "Mang tiếng tốt nghiệp trường A mà kém thế!"
Tóm lại, đối với các bạn sinh viên khi đưa ra yêu cầu về mức lương, đầu tiên các bạn cần xác định mục tiêu hiện tại của bản thân khi ứng tuyển vào công việc đó là gì. Sau đó bạn cần tự đánh giá năng lực, kinh nghiệm của bản thân đang ở đâu để có thể trao đổi một mức lương thật sự phù hợp với bộ phận tuyển dụng", chị Hà đưa ra lời khuyên.