Văn bản do ông Lê Huy Hoàng, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội ký, cho biết, toàn bộ dự án có 9 gói thầu với thời gian thi công, hoàn thành theo tiến độ ban đầu là từ 2009 đến 2016. Tuy nhiên do vướng mặt bằng, dẫn đến một số hạng mục thi công chậm nên đến nay dự án đã hai lần điều chỉnh tiến độ. Cụ thể, lần thứ nhất điều chỉnh thời gian hoàn thành vào năm 2016 lùi đến năm 2017 (văn bản số 4007/QĐ-UBND năm 2013), lần thứ thứ điều chỉnh từ năm 2017 đến năm 2018 (Văn bản số 1476/UBND-KHĐT).
Theo ông Hoàng, tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội đi qua các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Đề cập đến tiến độ thi công các gói thầu ở hiện trường, ông Hoàng thông tin, dự án bao gồm 9 gói thầu chính, trong đó có 5 gói thầu xây lắp và 4 gói thầu thiết bị. Hiện gói thầu thi công đạt khối lượng nhiều nhất là 90% (gói số 4 - thi công hạ tầng đề-pô); gói thầu đạt khối lượng thấp nhất 29% (gói thầu số 2 - thi công các ga trên cao). Riêng các gói thầu số 3: thi công hầm và các ga ngầm; gói thầu số 5: thi công các công trình kiến trúc đề pô; gói thầu số 6: thi công hệ thống đường sắt số 1 - đầu máy toa xe; gói thầu số 7: hệ thống đường sắt số 2 - thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống cơ điện; gói thầu số 8: hệ thống đường sắt số 3 và ray cấp điện; gói thấu số 9: hệ thống vé… đang trong giai đoạn trình duyệt, thẩm định hồ sơ, phương án triển khai.
Tăng gấp đôi chi phí do biến động giá (?)
Lý giải dự án bị tăng lên trên 1.176 triệu euro so với tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu euro (tăng 393 triệu euro, tương đương 14.502 tỷ đồng), ông Hoàng cho rằng, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - ga Hà Nội do Cty tư vấn Systra (Pháp) lập tại thời điểm năm 2008 và đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ-UBND năm 2009 với giá trị 783 triệu euro. Tuy nhiên đến tháng 7/2012, Ban Quản lý đường sắt đô thị có tờ trình về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án với nội dung: Trong quá trình lập thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết các gói thầu, tư vấn đã cập nhật bổ sung các tiêu chuẩn áp dụng cho dự án, lập quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, Tư vấn Systra đã có những đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số thông số kỹ thuật, thiết kế chi tiết cho phù hợp với yêu cầu thực tế của dự án. “Việc lập dự toán chi tiết các gói thầu thời điểm này cũng bị ảnh hưởng do những biến động lớn về giá xây dựng trên địa bàn, làm tăng mức chi phí cần thiết để thực hiện và hoàn thành dự án. Do vậy chi phí của dự án được tính lại tăng so với tổng mức đầu tư được duyệt”, ông Hoàng giải thích.
Tuy nhiên các chuyên gia trên lĩnh vực đường sắt đô thị cho rằng, dự án bị đội giá là do thi công chậm trễ, việc các hạng mục, gói thầu nằm chờ hàng năm nhưng chưa triển khai khiến chi phí, vật liệu, nhân công bị thay đổi so với giá tại thời điểm được phê duyệt. Lỗi này hoàn toàn thuộc về năng lực quản lý và thực hiện dự án của chủ đầu tư. Với việc đội giá thêm 393 triệu euro, tương đương 14.502 tỷ đồng, tăng 78,7% so tổng mức đầu tư ban đầu, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang là dự án có mức đội giá “khủng”.