Đưa dế mèn phiêu lưu ký

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ bỏ công việc ổn định ở Nhật Bản với mức thu nhập khá cao khi dịch COVID-19 bùng phát, chàng trai Đặng Đình Luân về quê Đắk Lắk khởi nghiệp với dế mèn. Anh tâm niệm, doanh thu, lợi nhuận là phần thưởng còn phải làm sao tạo ra được giá trị cho cộng đồng mới là vấn đề quan trọng. Hiện tại, bản thân anh khá thành công khi theo hướng này với những sản phẩm có sự khác biệt.

Hành trình đến với dế

Tôi nhìn Đặng Đình Luân từ đầu đến chân không một chút “nông dân” nào. Chàng trai cao ráo, mảnh khảnh có làn da trắng hồng, nụ cười hiền lành trông khá “công tử”. “Một thời dầm mưa dãi nắng đó chị. Bây giờ, em thuần về thương mại điện tử nên thường được ở văn phòng”, Đình Luân hóm hỉnh mở đầu câu chuyện.

Đưa dế mèn phiêu lưu ký ảnh 1

Anh Đặng Đình Luân (trái) cùng cộng sự đang trao đổi về các sản phẩm

Văn phòng của công ty trong một con hẻm ven thành phố Buôn Ma Thuột, tách biệt khỏi sự ồn ào, náo nhiệt. Chàng giám đốc trẻ và hơn 10 nhân viên miệt mài với công việc ở nhà xưởng và phòng máy.

Dưới cái nắng hanh khô, anh Luân cho biết, thời điểm này giải nhiệt lý tưởng (từ khoảng 22-33 độ), nếu nuôi đạt, khoảng 40 ngày có thể thu hoạch. Dế là loại biến nhiệt, nhiệt độ lạnh, cơ thể giảm, quá trình trao đổi chất chậm. Tây Nguyên vào những tháng cuối năm (nhiệt độ 18-23) khoảng 60 ngày thu được một lứa.

Năm 2016, anh Đặng Đình Luân (SN 1993, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) sang Nhật Bản làm việc, là kỹ sư chuyên về hàn kết cấu. Cuối năm 2019, anh về nước đám cưới em trai. Sau đó dịch bùng phát, anh ở lại quê hương để chờ. Trong quá trình chờ đợi, chàng trai biết đến mô hình nuôi dế qua bạn. Lúc đầu, anh chỉ nuôi 1-2 chuồng chơi. Sau khi tìm hiểu thấy sản phẩm dế khá tiềm năng. “Các tài liệu nghiên cứu ở Việt Nam chưa có nhiều. Nhưng tôi ngạc nhiên ở nước ngoài (các nước ở châu Âu) có công trình nghiên cứu phát triển sản phẩm từ bột dế. Bên đó họ xem bột dế như một loại thực phẩm thay thế mới. Giá trị dinh dưỡng của dế không hề thua kém những thực phẩm như sữa hay các loại thịt vì có hàm lượng protein, chất béo, chất xơ và sắt rất tốt...”, anh Luân nói.

Đưa dế mèn phiêu lưu ký ảnh 2

Hiện công ty anh Luân có 25 trại nuôi dế liên kết với các hộ dân các tỉnh

Tháng 9/2020 anh bắt đầu thử nghiệm, tháng 11 sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường là dế sơ chế đóng gói cấp đông bán cho nhà hàng. Ngày đầu mới làm, anh Luân lặn lội tìm đến vựa dế có kinh nghiệm lâu năm ở Tây Ninh, Bình Phước để đặt vấn đề lấy hàng và mở trại. “Với một mô hình mới lạ, rủi ro cao thì bố mẹ nào cũng phản đối. Người ta gọi vốn, còn tôi gọi người. Đầu 2022, tôi thuê kho của một công ty gần UBND xã trên địa bàn huyện Cư Kuin đặt cơ sở hai. Trại này lớn nhất, quy mô 55 chuồng, hàng tháng xuất khoảng 3 tấn. Sản phẩm dế ra bao nhiêu, tôi chuyển lên cơ sở Buôn Ma Thuột. Người dân ở đó tò mò, họ truyền tai nhau, tự dưng có ông ất ơ nào mở trại rất to mà lại còn nuôi dế, chả biết bán cho ai”, anh Luân cười nói.

Vốn khởi điểm ban đầu 50 triệu. Anh quay vòng vốn để tái đầu tư, không phải bỏ thêm tiền túi. Làm thương mại một thời gian, anh Luân nhận thấy nếu đi theo con đường này, bị giới hạn tiếp cận khách hàng và khâu vận chuyển khó khăn. Anh quyết định học ngành thương mại điện tử, để trại ở Cư Kuin cho bố mẹ nuôi. Anh nhận thấy thị trường Việt Nam chưa một đơn vị nào chế biến chuyên sâu. Chàng trai định hướng nếu đi theo con đường này sẽ có cơ hội. Sau đó, anh đầu tư máy móc thiết bị để chế biến chuyên sâu. Tổng chi phí đầu tư đến bây giờ khoảng hơn 700 triệu.

“Không hiểu sao thời điểm đó tôi lại đủ can đảm để rẽ ngang theo hướng này, giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ. Có lẽ lúc đó, bản thân có niềm tin. Tin dự án sẽ thành công và có sự khác biệt, nhưng tôi cũng phải đánh đổi nhiều chứ”. Theo chia sẻ của anh, anh quen và yêu một cô gái bên Nhật 5 năm. Ngày đầu khởi nghiệp, anh dành trọn thời gian bên những chú dế, sau khi quyết định chọn hướng đi này, hai người đã chia tay.

Đơn vị đầu tiên chế biến chuyên sâu

Năm 2021, anh có thêm những người bạn đồng hành, bắt đầu nghiên cứu và làm ra sản phẩm đầu tiên: dế sấy cay giòn. “Tháng 11 là tháng có sức bật rất lớn. Thời điểm đó dịch dần được kiểm soát. Dịch chuyển thói quen mua hàng của người dân, cận tết 2022, tôi nhớ có những ngày bán được gần 30 triệu tiền dế sấy”, anh Luân cho biết.

Hiện tại, công ty có tất cả 15 sản phẩm, bao gồm những sản phẩm ngoài dế. Dế chia 3 dòng, sản phẩm ăn liền: dế sấy cay giòn, dế sữa rang muối, lạp xưởng, dồi sụn dế. Nhóm thứ hai là thực phẩm dinh dưỡng: bột protein, thanh protein, bánh ăn kiêng đều chiết xuất từ dế. “Công nghệ làm bột dế khá khó. Thời gian đầu, loay hoay tìm máy tách dầu, sau đó mới biết, phải ép theo máy thủy lực. Hiện nhóm dinh dưỡng là sản phẩm mới toanh trên thị trường nên thời điểm này bán chậm”, anh Luân cho hay. Nhóm 3, sản phẩm dành cho thú cưng, công ty anh đang nghiên cứu và phát triển.

Đưa dế mèn phiêu lưu ký ảnh 3

Nhân viên công ty đang chế biến các sản phẩm từ dế

Với sứ mệnh đặt ra, ngoài doanh thu, tạo ra một sản phẩm mới an toàn cho người tiêu dùng, mục đích tạo công ăn việc làm cho người dân yếu thế địa phương. Anh Luân đang muốn dịch chuyển các trại về vùng Tây Nguyên.

Hiện công ty có 25 trại liên kết với các hộ dân ở các tỉnh. Để có được số trại hôm nay, anh Luân chọn tiêu chí vị trí khác nhau và làm theo từng giai đoạn. Tây Nguyên hiện có 15 trại ở 3 tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông. “Mỗi trại có một group, có kỹ thuật viên, kế toán, người chăm sóc trực tiếp. Kỹ thuật viên sẽ kèm trong 3 lứa đầu tiên: Từ lúc trứng về, dế mới nở, đến thu hoạch, sơ chế vận chuyển, cấp đông ra sao”, anh Luân nói.

Làm việc bằng cái tâm nên anh Luân chiếm được cảm tình của nhiều người. Mỗi khi có sản phẩm mới ra, đầu tiên họ mua ủng hộ bằng cảm xúc, sau đó sẽ thẩm định ngon dở và góp ý tiếp tục đặt hàng.

Anh Luân trải lòng, lần đầu tham gia cuộc thi khởi nghiệp khởi sự kinh doanh năm 2022. Trước ngày thi khoảng 10 ngày, bố mất. Sau khi bình tâm lại, anh tham gia thi, không đặt kỳ vọng, đơn giản là được giao lưu, học hỏi. Như một cái duyên, Dự án “Chăn nuôi dế mèn và các sản phẩm từ dế” của anh đoạt giải 3 tại cuộc thi.

Với vị giám đốc trẻ này trong hành trình tìm tên cho công ty “Hoa mặt trời Farm”, có lẽ ẩn chứa sứ mệnh của anh. Mặt trời là ánh sáng là hy vọng.

Dự án “Chăn nuôi dế mèn và các sản phẩm từ dế” của anh Đặng Đình Luân lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức sắp tới diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng.

Theo anh Đặng Đình Luân, công ty anh là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ dế. Hiện tại thị trường trải dài từ Bắc vào Nam, chủ yếu bán online. Doanh thu tất cả các dòng sản phẩm năm 2022 là 3,6 tỷ. Hai quý đầu năm 2023 trên 2 tỷ, dự kiến đến cuối năm tổng doanh thu trên 7 tỷ.

MỚI - NÓNG