Những viên gạch đầu tiên
Năm 2016, Đà Nẵng thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp và Vườn ươm doanh nghiệp thành phố (DNES) với mô hình hợp tác công – tư, đặt viên gạch đầu tiên cho khởi nghiệp Đà Nẵng. Ở đó, chính quyền thành phố là “bà đỡ” của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương. Từ vườn ươm đầu tiên, những thành tố của khởi nghiệp Đà Nẵng dần dần xuất hiện với các CLB khởi nghiệp trong hệ thống các trường ĐH, các tổ chức KHCN; những không gian làm việc chung, những quỹ khởi nghiệp quốc tế tìm đến và hỗ trợ…
Đà Nẵng dần được biết đến là “Trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển”. Văn hóa khởi nghiệp của Đà Nẵng được tạo dựng, đặc biệt là đối với những người trẻ, họ được tiếp thêm sức mạnh từ câu chuyện thành công đến từ những startup nổi tiếng đến từ Mỹ, Israel, Singapore, Hàn Quốc... Những startup của Đà Nẵng cũng được ươm tạo và trưởng thành trong hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng, nhiều trong số đó vẫn tiếp tục phát triển như Minh Hồng Biotech, Hekate, Dat Bike, EM&AI, vR360,…
Việc thí điểm sandbox sẽ tạo điều kiện cho các startup mạnh dạn thử nghiệm, ứng dụng công nghệ mới. Ảnh: Giang Thanh |
Những năm qua, Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nước ngoài như Swiss EP, Đại sứ quán Israel, chương trình Phần Lan IPP, UNDP,… trong việc cung cấp các chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới để đào tạo cho các startups địa phương kiến thức và kỹ năng kinh doanh tiệm cận được với khởi nghiệp thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc DNES, tính đến nay, chương trình ươm tạo khởi nghiệp FINC đã triển khai 11 khóa ươm tạo với 89 dự án khởi nghiệp tham gia, tỷ lệ sống sót là 10%; kêu gọi được trên 21 triệu USD vốn đầu tư vào các dự án Datbike, Cashbag, Selly, Umbalena, Delta X, Retex… Trong suốt thời gian hoạt động, FINC đã hình thành được mạng lưới Startup Founder với gần 150 thành viên kết nối và hỗ trợ nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là những con số biết nói về khởi nghiệp Đà Nẵng thời gian qua.
Đánh giá về các startup của Đà Nẵng, TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) nhìn nhận đó đều là những startup có hàm lượng công nghệ rất cao, tiên phong trong các lĩnh vực mới như: Fintech, Blockchain, AI, Biotech… Đây đều là những xu hướng công nghệ mà thế giới quan tâm. TS Quất cũng đánh giá Đà Nẵng đã có những bước đi, chính sách khởi nghiệp phù hợp và tích cực để hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST).
“Nới” cơ chế để đột phá
Tại các sự kiện, hoạt động khởi nghiệp, ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng, vẫn gửi gắm thông điệp “Đà Nẵng có thể không phải là nơi tốt nhất để khởi nghiệp nhưng Đà Nẵng cam kết là nơi đáng tin cậy nhất để khởi nghiệp” để mời gọi các startup, các nhà đầu tư… Quả thật, những năm qua, với định hướng nhất quán trở thành trung tâm ĐMST Quốc gia, địa phương đã có nhiều chính sách, cơ chế thông thoáng để thúc đẩy các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, xây dựng được vị thế về điểm đến khởi nghiệp.
Đà Nẵng đang triển khai các thể chế mới như khung thử nghiệm pháp lý (sandbox) để ĐMST mạnh mẽ hơn. Ảnh: Giang Thanh |
Với nền tảng đó, năm 2022, Sở KH&CN TP Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP thí điểm “Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ở địa phương” tại 20 tỉnh thành phố của Bộ KH&CN và xếp thứ 2. Đà Nẵng cũng đang xây dựng đề án Thành phố Đổi mới sáng tạo để tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO để nhận diện cơ hội, hợp tác phát triển bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới.
Theo ông Võ Đức Anh, Phó Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST TP Đà Nẵng, Nghị quyết số 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị và Quyết định số 188 ngày 9/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ đều nhắc đến cơ chế đặc thù để phát triển khởi nghiệp ĐMST ở Đà Nẵng. Đó là những tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương.
Đà Nẵng phải là nơi đáng để khởi nghiệp, đáng để…thất bại
“Không chỉ là nơi đáng để khởi nghiệp, Đà Nẵng nên là nơi đáng để… thất bại để những người trẻ đứng dậy khởi nghiệp lại mạnh mẽ hơn. Để hấp dẫn giới khởi nghiệp và các nguồn lực, hệ sinh thái của Đà Nẵng phải sống tốt, nếu một thành tố trong hệ sinh thái không thành công, chính quyền phải là “bà đỡ” để đồng hành và hỗ trợ. Cần xây dựng Đà Nẵng theo hướng thành phố đáng đến để khởi nghiệp, có những mô hình thành công sớm để tạo tiếng vang cho địa phương khi thu hút các nguồn lực khởi nghiệp” - TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN).
“Trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy ĐMST, một trong những đột phá cần quan tâm đó là đột phá về thể chế. Bởi các mô hình kinh doanh - công nghệ mới liên tục ra đời trong bối cảnh pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời. Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới đang triển khai các thể chế mới như khung thử nghiệm pháp lý (sandbox), khu đổi mới sáng tạo (innovation zone), đổi mới sáng tạo mở (open innovation) để thu hút đầu tư và khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xem đây là những ưu thế cạnh tranh trong kỷ nguyên của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Đức Anh nói.
Đà Nẵng thu hút rất nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, các chuyên gia nước ngoài. Ảnh: Giang Thanh |
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN gợi mở định hướng cho khởi nghiệp Đà Nẵng, đó là tiên phong triển khai các mô hình sandbox; chủ động xây dựng, đề xuất với Chính phủ các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển thành phố trở thành trung tâm ĐMST Quốc gia tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.
Theo Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng Lê Đức Viên, “10 trụ cột hợp tác Việt - Mỹ được xác định trong Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện có nhắc đến lĩnh vực hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây cũng là định hướng phát triển của Đà Nẵng, điều này mở ra rất nhiều cơ hội lớn cho thành phố. Trong bối cảnh mới, Đà Nẵng phải có động lực, mục tiêu và con đường mới dẫn dắt xuyên suốt, định hình đến 2030, tầm nhìn 2045 trở thành thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.