Tiếp sức thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các dự án khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng được kết nối, giới thiệu với các doanh nghiệp, các chuyên gia khởi nghiệp... để hỗ trợ định hướng, phát triển sản phẩm hướng đến thương mại hóa.

Kết nối nguồn lực, công nghệ

Chiều 14/9, Thành Đoàn - Hội LHTN Việt Nam TP Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ canh tác thông minh phục vụ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” năm 2023.

Tiếp sức thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được giới thiệu trong khuôn khổ hội thảo, thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, doanh nghiệp

Hội thảo tập trung vào các nội dung như: Câu chuyện khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp từ các doanh nghiệp; một số giải pháp công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp; giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp nông nghiệp của các đơn vị trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Theo ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở KH&CN, công nghệ canh tác thông minh là một lĩnh vực tiềm năng cho các bạn sinh viên và các bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, nông nghiệp thông minh công nghệ cao đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng được các nhu cầu về kỹ thuật chuyên môn ở các lĩnh vực công nghệ trọng tâm trong cuộc Cách mạng 4.0 và tiến đến Cách mạng 5. Đó là sự kết hợp của công nghệ số, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.

Tiếp sức thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ảnh 2

Các chuyên gia công nghệ, nhà khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chia sẻ với đoàn viên thanh niên về ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh bền vững, phát huy tối ưu các lợi điểm, tiềm năng về tài nguyên bản địa, nguồn lực trẻ dồi dào và hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần có sự kết nối, hợp tác giữa các nhà: nhà quản lý – nhà khoa học – nhà sản xuất, nhà nông – nhà doanh nghiệp.

“Qua đây, chúng tôi muốn tạo cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận công nghệ mới, các mô hình khởi nghiệp thành công; khuyến khích mở rộng các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích các bạn sinh viên, các bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”, ông Viên nói.

Theo anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Thành Đoàn, Hội thảo sẽ là cầu nối để các đoàn viên thanh niên trên địa bàn kết nối các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nông nghiệp với các doanh nghiệp, từ đó, giúp các dự án của sinh viên nhận được sự hỗ trợ, định hướng để hình thành, phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

Giới thiệu nhiều mô hình nông nghiệp thông minh

Trong khuôn khổ hội thảo, các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, các công nghệ mới ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao cũng được giới thiệu như: Sản xuất nấm công nghệ cao; mô hình Aquaponic kết hợp hữu cơ; nấm đông trùng hạ thảo; ứng dụng Drone và mục tiêu số hoá dữ liệu nông nghiệp; nước uống từ thân cây chuối, trà gừng, nghệ; sản phẩm công nghệ sinh học…

Chia sẻ câu chuyện về dự án “Ứng dụng nghiên cứu nước trong thân cây chuối hột làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, bạn Hà Thị Diệu Hiền (SV ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, thành viên nhóm dự án) cho biết, từ kết quả nghiên cứu, nhóm đã phát triển hai sản phẩm từ nước trong thân cây chuối là thạch chuối kỷ tử và nước thân chuối hạt chia đóng chai.

Dự án lọt vào Vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên Nông thôn năm 2023 do T.Ư Đoàn tổ chức. “Đây đều là các sản phẩm dược tính cao và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Sản phẩm còn giúp cho người nông dân tận dụng triệt để các tạo phẩm đến từ cây chuối, qua đó giúp tạo sinh kế, tăng thu nhập, hỗ trợ đời sống cho người dân”, Hiền nói.

Hiện, dự án đang trong giai đoạn phát triển sản phẩm nước trong thân cây chuối, còn thân, rễ, quả thì sẽ bán ra là nguyên liệu thô cho các doanh nghiệp khác.

Tiếp sức thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ảnh 3

Các sản phẩm làm từ nước trong thân cây chuối hột Onimis thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan

"Trong tương lai, nhóm mong muốn khởi nghiệp từ chính dự án này, hình thành một chuỗi hệ thống khép kín với mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng và sản xuất các sản phẩm đến từ cây chuối, như: thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ từ thân cây và đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sợi thân chuối", Hiền chia sẻ.

Với mô hình sản xuất nấm rơm công nghệ cao, mỗi tháng, HTX Nấm Công nghệ Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) của anh Đào Duy Tùng cung cấp ra thị trường khoảng 6 tạ nấm, trừ hết chi phí thu về khoảng 40 triệu đồng. Việc ứng dụng công nghệ giúp các nhà nấm đều có thể thu hoạch quanh năm, không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh hại.

“Từ khi bắt đầu, tôi đã nghiên cứu để ứng dụng công nghệ vào quy trình trồng nấm bởi việc ứng dụng công nghệ giúp nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng và sản lượng, giảm chi phí nhân công và ổn định được giá cả. HTX cũng sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao mô hình để bất kì ai có mong muốn, đam mê để có thể khởi nghiệp và làm giàu từ nấm công nghệ cao”, anh Tùng nói.

MỚI - NÓNG