Chấm dứt hợp đồng lao động là hoạt động hết sức bình thường giữa DN và lao động trong nền kinh tế. Điều khiến nhiều người cảm thấy bất an trong câu chuyện này là Công ty Tỷ Hùng là một trong những doanh nghiệp lớn có uy tín, 100% vốn nước ngoài, có tiềm lực về tài chính đã hoạt động tại TPHCM gần 15 năm và trải qua không ít biến cố nhưng lần này đã không thể gắng gượng nổi và buộc phải sa thải 2/3 số lượng công nhân, thu hẹp quy mô sản xuất vì không có đơn hàng xuất khẩu. Và, sau Công ty Tỷ Hùng sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp “thẳng tay” với người lao động khi không thể tiếp tục hoạt động cầm chừng…
Tác giả: Huy Thịnh |
Phía sau mỗi công nhân lao động là một gia đình. Mất việc làm, cuộc sống của hơn một nghìn gia đình trong những ngày tới sẽ lâm vào khó khăn, thậm chí túng quẫn, đặc biệt là đối với những trường hợp lao động nhập cư vào thành phố cần có việc làm và thu nhập ổn định để trang trải tiền thuê nhà trọ cùng nhiều chi phí đắt đỏ khác nơi đất khách cũng như chăm lo cho cha mẹ già và con thơ ở quê nhà.
Sau hai năm ròng hứng chịu nhiều mất mát đau thương và gần như kiệt quệ, khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, công nhân luôn mong mỏi có việc làm thường xuyên, ổn định và cả cơ hội được tăng ca để nâng thu nhập vốn còn quá khiêm tốn. Việc doanh nghiệp sa thải hàng loạt công nhân diễn ra đúng vào mùa cao điểm sản xuất cuối năm đã để lại nhiều dư vị đắng vì vào thời điểm này, lẽ ra công nhân ở các nhà máy làm không hết việc. Càng đắng chát hơn, người lao động thất nghiệp đúng vào lúc họ và gia đình đang khấp khởi trông chờ và rất cần các khoản tiền thưởng Tết để cải thiện đời sống và kinh tế gia đình.
Có thể nói, dịch bệnh, bão giá và mới đây nhất là làn sóng sa thải công nhân tại nhiều công ty, xí nghiệp tựa như những cú đấm bồi, “nốc ao” những người làm công ăn lương chỉ có vốn liếng duy nhất là… đôi bàn tay. Đối với nhiều người, việc bị sa thải lần này cũng đồng nghĩa với cơ hội việc làm đã vĩnh viễn khép lại vì gánh nặng tuổi tác, mất đất ở quê nhà…
Khó trách doanh nghiệp đã “bỏ rơi” người lao động. Những xung đột và biến động phức tạp, khó lường về địa chính trị trên thế giới thời gian qua đã thu hẹp thị trường xuất khẩu và tạo ra nhiều rủi ro khó lường. Thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động là việc buộc phải làm khi không còn cách nào khả dĩ hơn. Tuy nhiên, việc sa thải hàng loạt với số lượng lớn công nhân lao động ở nhiều nơi đã và đang tạo ra những bất ổn cho xã hội, đặc biệt là gánh nặng về an sinh xã hội mà các địa phương phải giải quyết.
Hơn lúc nào hết, công nhân mất việc đang cần sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các tổ chức công đoàn, trung tâm giới thiệu việc làm…