Du lịch kêu gọi xã hội hóa vắc - xin

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp du lịch hưởng ứng xã hội hóa vắc-xin để du lịch có thể sớm trở lại. Ảnh: Kỳ Sơn
Nhiều doanh nghiệp du lịch hưởng ứng xã hội hóa vắc-xin để du lịch có thể sớm trở lại. Ảnh: Kỳ Sơn
TP - Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDL) báo cáo Chính phủ cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vắc-xin cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam cho biết: “Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí tiêm phòng vắc-xin cho các cán bộ, nhân viên, người lao động trong đơn vị du lịch và gia đình”, ông Bình cho biết.

Lãnh đạo HHDL bảy tỏ mong muốn Chính phủ tạo điều kiện nhằm vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng phối hợp hành động để sớm đưa vắc - xin về Việt Nam. Doanh nghiệp du lịch cùng tham gia đóng góp để hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa vắc - xin. Sau khi HHDL Việt Nam gửi văn bản tới các hiệp hội thành viên ở các địa phương, nhiều hiệp hội hưởng ứng bằng cách đăng ký tham gia. Các chuyên gia đều nhận thức rõ, chỉ khi trên 70% dân số thế giới được tiêm vắc - xin mới có miễn dịch cộng đồng thì các nước mới mong sớm mở cửa du lịch trở lại.

Tính đến tháng 4/2021, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp lữ hành, trong đó hơn 2 nghìn doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Từ tháng 3/2020, doanh nghiệp lữ hành quốc tế buộc phải ngừng hoạt động hoặc chuyển sang phục vụ khách nội địa. Vì vậy, ông Vũ Thế Bình cho rằng, lúc này cần thêm các giải pháp cấp bách khác để tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh các chính sách về thuế, phí, tiền điện được nêu trong những đề xuất trước, Hiệp hội từng đề xuất tạm thời cho doanh nghiệp chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa. Hiệp hội cũng đề xuất cho phép chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng xuống 100 triệu đồng bằng với mức quy định cho doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tháo gỡ khó khăn, trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, Bộ VHTTDL tiếp tục đề xuất bổ sung một số chính sách hỗ trợ ngành. Trong đó, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành giảm 80% tiền ký quỹ theo quy định trong hai năm, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động sản xuất.

Bộ cũng đề xuất điều chỉnh giá điện cho các cơ sở lưu trú ngang bằng giá điện sản xuất năm 2021 và những năm kế tiếp, theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đầu tháng 6/2021, Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn hỗ trợ giảm tiền điện đợt 3 cho khách hàng bị ảnh hưởng từ COVID-19, trong đó cơ sở lưu trú du lịch được hưởng hỗ trợ khoảng 1.470 tỷ đồng từ gói giảm giá điện đợt 3.

MỚI - NÓNG