Anh Nguyễn Trí Long (sinh năm 1988, Hà Nội), trước làm hướng dẫn viên du lịch cho công ty Redtour. Tuy là công tác viên nhưng Long dẫn tour inbound, outbound và cả khách nội địa. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Long nghỉ việc không lương.
“Trước đây, cứ đến mùa hè thì khách nội còn đông hơn khách ngoại. Bản thân mình làm du lịch bởi đam mê thích được đi đây đi đó, ngoài ra cũng có thu nhập. Thời điểm chưa dịch, mình có việc quanh năm và có thu nhập để nuôi gia đình” - anh Long nói.
Anh Nguyễn Trí Long (áo đen ngoài cùng bên phải) hướng dẫn khách du lịch khi dịch chưa bùng phát. |
Năm 2020, khi COVID-19 bùng phát đợt đầu tiên, dù lo lắng nhưng Long vẫn lạc quan. “Vì là công tác viên nên mình không được công ty hỗ trợ khi phải nghỉ việc. Mình cố gắng chi tiêu bằng tiền tiết kiệm trước đó. Sau đợt dịch đầu tiên, mình được đi làm lại và dẫn khách nội địa nhưng cũng được một thời gian thì dịch bùng trở lại. Mình lại thất nghiệp lần 2!” - anh Long chia sẻ.
Lúc này, anh Long không còn lạc quan để chờ đợi nữa nên đã tìm kiếm công việc khác và quyết định mở quán ăn vặt để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên anh vẫn nuôi hy vọng dịch sớm qua đi để quay lại với nghề du lịch. Tiếp tục dịch bùng phát đợt 3 rồi đợt 4 này khiến anh Long tạm thời gạt bỏ tâm huyết với "ngành nhạy cảm" vào thời điểm COVID-19 để chuyên tâm với nghề mới.
“Mở quán ăn vặt nhưng vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch nên hiện quán chỉ bán mang về khiến khách hàng giảm đến 70- 80%. Hằng ngày mình vừa làm chủ vừa đi giao đồ ăn cho khách”, anh Long nói.
Anh Long (bên phải) đi giao đồ ăn cho khách khi mở quán ăn vặt khác xa hình ảnh của anh trước đó khi dẫn khách tới Dubai. |
Khốn khó hơn, anh Nam Tiến (sinh năm 1982, quê Thái Bình) sau khi thất nghiệp bởi dịch bùng phát nhiều lần đã chuyển sang nghề shipper.
“Mình chạy xe có ngày hơn 10 tiếng, nhận lương 5 triệu đồng/tháng, chỉ đủ trang trải tiền ăn. Những ngày Hà Nội nắng nóng, cả ngày ngồi xe máy đến tối về nhà chả còn chút sức lực nào”, anh Tiến nói.
Anh Nam Tiến một ngày ngồi hơn 10 tiếng trên xe máy để giao hàng. |
Anh Tiến cho biết, trước đó anh làm hướng dẫn viên chủ yếu dẫn cho các công ty nhỏ và khách lẻ còn vợ làm trong nghề dịch vụ. Khi COVID-19 bùng phát, 2 vợ chồng anh đều thất nghiệp nên phải nghĩ cách kiếm tiền ngay bởi anh chị còn phải nuôi 2 con nhỏ và trả tiền thuê nhà.
“Năm 2010 mình được thẻ hướng dẫn viên quốc tế, một tháng dẫn đoàn 25 ngày nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ nhưng này làm vất vả gấp 10 lần nhưng thu nhập quá thấp. Nhiều khi mình muốn bỏ về quê nhưng về quê mà không có việc thì cả nhà lấy gì mà sống. Đã lăn lộn với nghề hơn 10 năm mình chưa bao giờ nghĩ tới cảnh bị thất nghiệp”, anh Tiến chia sẻ.
Anh Tiến ( áo trắng) hướng dẫn khách quốc tế đến Việt Nam trước đây. |
Theo chia sẻ của đại diện một số công ty du lịch, thời gian để ngành du lịch có thể phục hồi phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của dịch bệnh. Việc có vaccine sẽ giúp cho mọi người có tâm lý an toàn, thoải mái hơn, dự báo việc cấm vận của các nước cũng sẽ được nới lỏng.
Tuy nhiên, để du lịch có thể phục hồi một cách mạnh mẽ, chắc chắn phải mất từ 1 - 2 năm. Trong khoảng thời gian này, những hướng dẫn viên du lịch vẫn tiếp tục phải tìm cách để mưu sinh và sẵn sàng quay trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.