Đơn hàng nhiều, doanh nghiệp dệt may vừa mừng vừa lo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đơn hàng tấp nập đến hết năm nhưng doanh nghiệp (DN) dệt may TPHCM vẫn thấp thỏm vì thiếu lao động, chi phí tăng cao ảnh hưởng tiến độ sản xuất.

Vừa chuyển qua địa điểm mới được gần một tháng, Công ty may mặc Dony (huyện Bình Chánh) đã gấp rút tuyển dụng thêm hàng chục lao động với nhiều ưu đãi hậu hĩnh để kịp tiến độ sản xuất. “Công ty hoạt động trở lại vào đầu tháng 10 và liên tiếp có nhiều đơn hàng đi Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông… với tổng giá trị khoảng 2 triệu USD. Hiện, đơn hàng về cuối năm tăng 30%, thậm chí có nhiều đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn kéo dài đến tháng 6 năm sau. Do đó, chúng tôi gấp rút sản xuất ngày đêm cho kịp tiến độ nhưng đang gặp vướng do thiếu lao động” – ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty Dony nói.

Để có nguồn nhân công sản xuất, đơn vị này liên kết với các đơn vị cung ứng lao động, thông qua mối quen biết giới thiệu người làm, rao tuyển trên các trang việc làm online, mạng xã hội… “Điều chúng tôi lo lắng hiện nay là thiếu lao động chứ không phải thiếu đơn hàng. Mặc dù Dony tuyển dụng ngắn hạn trên 40 - 50% số lượng nhân công, nhưng số lượng đáp ứng chưa tới 10%” – lãnh đạo Dony cho hay.

Đơn hàng nhiều, doanh nghiệp dệt may vừa mừng vừa lo ảnh 1

Nhiều DN dệt may phải từ chối bớt đơn hàng vì thiếu lao động

Tấp nập đơn hàng gia công cho các đơn vị xuất khẩu, bà Trang Nguyễn – đại diện cơ sở may Thiên Việt (TP Thủ Đức) chia sẻ, trong khi các đơn hàng trong nước khá chậm thì đơn hàng xuất khẩu lại rất khả quan, tăng gần 100% so với trước giãn cách. “Vượt qua nỗi lo không có đơn hàng, chúng tôi phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động do nhiều người còn kẹt dưới quê không lên được, số khác hẹn qua Tết nguyên đán 2022 mới quay lại. Để có thể duy trì sản xuất, một mặt chúng tôi tuyển thêm lao động thời vụ, mặt khác xoay tua liên tục để làm việc. Tuy nhiên, do khó đảm bảo đúng tiến độ sản xuất vì thiếu nhân công, chúng tôi phải từ chối khá nhiều đơn hàng gia công” – bà Trang Nguyễn nhìn nhận.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM thông tin nhiều dấu hiệu khởi sắc trong ngành dệt may hậu giãn cách, nhiều đơn vị có thêm hợp đồng mới kéo dài sang tận quý II, quý III năm sau. Dẫu vậy, ông Hồng dự báo năm 2022 vẫn là một năm khó khăn về thị trường, về bài toán chi phí. Trong khi đó, dệt may được đánh giá là ngành được hưởng nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tuy nhiên, đến nay DN trong ngành vẫn chưa tận dụng triệt để được các ưu đãi. Nguyên nhân chủ yếu do các nút thắt về nguyên liệu sản xuất chưa được giải quyết.

“Để hưởng các lợi thế từ FTA, điều tiên quyết là Việt Nam phải tập trung phát triển về nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu qua đó gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa xuất khẩu” - ông Hồng nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dù chịu nhiều sức ép nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 vẫn đạt 39 tỷ USD, tăng gần 12% so với 2020 và tăng 0,3% so với 2019. Tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ “zero COVID-19” sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý IV/2021 và đầu năm 2022 của Navigos Group cho thấy, các DN dệt may lớn và có uy tín đang có rất nhiều đơn hàng. Có những công ty đã nhận đơn hàng tới tận tháng 4/2022 và vẫn đang cần tuyển thêm nhiều lao động. Dự báo việc tuyển dụng có thể tăng do tăng đơn hàng và mở rộng sản xuất. Các vị trí tuyển dụng từ công nhân có tay nghề đến kỹ thuật vận hành, kiểm tra chất lượng...

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.