Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp dệt may

Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp dệt may
Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp dệt may
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), với việc triển khai Hiệp định EVFTA, thương mại Việt Nam - Hà Lan nói chung và sản phẩm thời trang nói riêng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), với việc tham gia 3 hiệp định thương mại thế hệ mới lớn vào năm 2020 là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong đó có các sản phẩm thời trang đang có nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp tiếp cận những thị trường mới đầy tiềm năng.

Đây là thông tin được ông Tài đưa ra tại hội nghị giao thương trực tuyến cơ hội kinh doanh sản phẩm thời trang Việt Nam - Hà Lan từ Hiệp định EVFTA 2020 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức theo hình thức trực tuyến cuối tuần qua.

Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hoạt động thương mại quốc tế của hàng thời trang Việt Nam với thị trường EU đã có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp trong ngành thời trang Việt Nam đang cơ cấu lại bộ máy, sẵn sàng cơ sở hạ tầng nhà xưởng, nguồn nguyên liệu đáp ứng các cam kết của Hiệp định.

Để đón đầu cơ hội, các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng đầu ra sản phẩm, phục vụ tốt hơn cho thị trường EU. Trong đó, Hà Lan đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại tăng đều qua các năm và luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam.

Theo ông Tài, với việc triển khai Hiệp định EVFTA, thương mại Việt Nam - Hà Lan nói chung và sản phẩm thời trang nói riêng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Ông Lê Xuân Dương, Trưởng ban Chính sách và Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 18,3 tỷ USD và xuất khẩu túi xách và các mặt hàng khác trị giá 3,8 tỷ USD. Riêng năm 2020, ước tính xuất khẩu giày dép của Việt Nam sẽ giảm 11% và xuất khẩu túi xách sẽ giảm 16%. Tuy nhiên, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 10 tăng gần 5% so với tháng 9 do nhu cầu cao hơn cho mùa Giáng sinh và năm mới.

Theo ông Dương, do 95% sản lượng giày dép và túi xách của Việt Nam là để xuất khẩu vào các thị trường EU và Hoa Kỳ - những thị trường này vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên việc xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực với mức suy giảm trong 10 tháng của năm 2020 lên tới 16%.

Thống kê cho thấy, hiện Việt Nam xuất khẩu trực tiếp giày dép và túi xách sang khoảng 20 nước EU như: Đức, Bỉ, Pháp, Italy, Tây Ban Nha... Trong đó, Hà Lan là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 ở EU đối với giày dép và túi xách của Việt Nam.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, Hà Lan nhập khẩu 744 triệu USD là giày dép và 293 triệu USD mặt hàng túi xách. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm da thuộc và túi xách xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0%. Do đó, có thể khẳng định Hiệp định EVFTA đang đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại cũng như giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất giày dép xuất khẩu sang các nước EU.

          Bộ Công Thương cho rằng, để tận dụng các ưu đãi của EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các nhà nhập khẩu Hà Lan phải tuân thủ các quy tắc từ hiệp định và đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu của quy tắc xuất xứ để xuất khẩu sang EU hoặc thị trường Việt Nam.

          Ông Antonio Barberi Ettaro, Chuyên gia Tư vấn cao cấp, Hiệp hội hàng dệt may, thảm, rèm cửa, thời trang và đồ nội thất dệt may Hà Lan (MODINT) nhấn mạnh, việc hướng tới xoay vòng giá trị sử dụng các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi tuần hoàn theo hướng bảo vệ môi trường sẽ đóng góp vào những thách thức khác nhau trong ngành, đồng thời, tạo ra những quá trình chuyển đổi mang tính hệ thống, tạo sức lan toả chuỗi giá trị dệt may ra rộng khắp thế giới.

MỚI - NÓNG