Phục hồi thị trường lao động: Tăng giờ làm thêm lên tối đa 300 giờ/ năm

0:00 / 0:00
0:00
Chính sách cụ thể nhất theo Chương trình phục hồi thị trường lao động là đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa.
Chính sách cụ thể nhất theo Chương trình phục hồi thị trường lao động là đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa.
TPO - Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, với hàng loạt đầu mục công việc được đề ra, như kết nối cung – cầu, đưa người lao động trở lại thành phố, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn… Tuy nhiên, cụ thể nhất là đề xuất tăng giờ làm thêm lên tối đa 300 giờ/năm.

Để khôi phục thị trường lao động sau ảnh hưởng dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đặc biệt sau làn sóng người lao động rời phố về quê, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động.

Chương trình đặt nhiệm vụ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc không áp dụng giới hạn giờ làm thêm trong 1 tháng (theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động), chỉ quy định giờ làm thêm tối đa 1 năm không quá 300 giờ. Cùng đó không áp dụng quy định giờ làm thêm tối đa 300 giờ/năm theo nhóm ngành nghề, công việc hoặc trường hợp đặc biệt, mà áp dụng chung với mọi doanh nghiệp. Quy định này có thể áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, và được sự đồng ý của người lao động.

Chương trình phục hồi thị trường lao động không nêu rõ các chính sách cụ thể, chỉ đề ra các đầu mục công việc sẽ triển khai, như: Tuyên truyền, phổ biến thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, kênh phát thanh thôn, xóm… để thu hút người lao động trở lại thị trường; Đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động các chi phí sinh hoạt như ăn, ở, điện, nước, y tế…; Khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn, bảo hiểm, phúc lợi xã hội để giữ chân người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cũng dự kiến phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để giảm lãi suất, bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Quốc gia về việc làm để cho hộ kinh doanh vay phục hồi sản xuất, cho người lao động vay tự tạo việc làm cho bản thân và người khác.

Chương trình dự trù thực hiện các giải pháp hỗ trợ để thu hút người lao động trở lại thành phố, các địa phương có nhiều nhà máy, khu công nghiệp; tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm

Bộ LĐ-TB&XH cũng dự kiến tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp mô hình sản xuất an toàn, hướng dẫn vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, hỗ trợ cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Các nhiệm vụ trên nhằm duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin hồi tháng 10 vừa qua, thực hiện nhiệm vụ về đề xuất giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị quyết giới hạn số giờ làm thêm trong tháng và năm. Bộ này đề xuất, không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng (hiện áp dụng tối đa 40 giờ/tháng), nhưng không quá 300 giờ/năm (giữ giới hạn trong năm). Quy định áp dụng tới hết ngày 31/12/2024 (dự báo tác động dịch bệnh kéo dài tới hết năm 2024).

MỚI - NÓNG