Nhiều tỉnh phía Nam thiếu lao động trầm trọng

0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Hoàng - chủ quán buffet 123 Nướng ngon lau dọn bàn ghế do chưa tìm được lao động Ảnh: U.P
Anh Nguyễn Hoàng - chủ quán buffet 123 Nướng ngon lau dọn bàn ghế do chưa tìm được lao động Ảnh: U.P
TP - Mặc dù được phép mở cửa phục vụ tại chỗ và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng khá lớn, nhưng các chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và nhiều dịch vụ khác tại TPHCM không thể tìm được lao động nên chỉ hoạt động cầm chừng.

Ông chủ kiêm nhân viên

Vui mừng sau bao ngày tạm ngưng hoạt động, anh Trương Công Dân - chủ quán dê tươi 378 Võ Văn Kiệt (quận 1) khẩn trương nấu nướng, dọn dẹp để chiều 28/10 mở cửa phục vụ khách hàng ăn uống tại chỗ. Tuy nhiên, do thiếu nhân viên, anh Dân phải kiêm luôn vai phục vụ, đồng thời huy động anh em, người thân hỗ trợ quán.

“Ngày đầu mở lại, lượng khách chưa đông nên mình vẫn có thể đảm đương, tuy nhiên, vài ngày tới, đặc biệt cuối tuần, nếu thiếu nhân viên như hiện nay e cũng khó khăn khi phục vụ. Bình thường mỗi ca, quán cần khoảng 20 nhân viên, nhưng nay vận động hết người nhà cũng chỉ được 10 người”, anh Dân cho biết.

Nhiều tỉnh phía Nam thiếu lao động trầm trọng ảnh 1

Quán lẩu dê tươi của anh Trương Công Dân huy động anh em, người thân phụ quán vì thiếu lao động Ảnh: U.P

Theo anh Dân, nguyên nhân thiếu lao động là do trong thời gian quán tạm ngưng hoạt động, nhân viên đa số về quê và hiện tại vẫn chưa tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19. Anh Dân cho biết đã liên hệ với nhiều kênh tìm người, treo băng-rôn tuyển lao động nhưng cũng không dễ có được ngay nhân công. “Chúng tôi đang tuyển dụng khoảng 20 lao động ở tất cả các vị trí từ nấu nướng đến phục vụ…với mức lương 4-8 triệu đồng/tháng và bao cơm hàng ngày. ” - anh Dân nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng - chủ hệ thống buffet “123K Nướng ngon” sở hữu 4 chi nhánh nhưng chỉ mở lại một tiệm ở huyện Hóc Môn vào ngày 5/11 tới đây. “Chúng tôi thiếu 50% lực lượng lao động nên không thể mở lại các hệ thống khi phục vụ ăn uống tại chỗ. Bây giờ, tôi và các nhân viên còn lại sẽ kiêm luôn nhiều “vai” từ đứng bếp, bưng bê đến cả tạp vụ. Tôi đã liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm, người quen nhưng mấy ngày qua vẫn chưa tìm được lao động” - anh Hoàng nói.

Theo anh Hoàng, việc thiếu hụt lao động là do nhiều người về quê và không quay lại, có người đã tìm được việc làm khác trong thời gian quán đóng cửa. Trong khi đó, một số trường hợp chưa chuẩn bị tâm lý quay lại với công việc đòi hỏi tiếp xúc nhiều như nhân viên phục vụ trong quán ăn.

Tăng kết nối thị trường lao động

Theo ông Đỗ Thanh Vân-Phó GĐ phụ trách Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), nhu cầu nhân lực quý IV/2021 của TPHCM cần khoảng 44.000-57.000 người lao động. Trong đó tập trung ở các nhóm nghề như kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hoá; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; kỹ thuật công trình xây dựng; dệt may - giày da…

Nhu cầu nhân lực trong những tháng cuối năm tại TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Các chính sách hỗ trợ DN, hộ kinh doanh của Chính phủ và TPHCM đang góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, giảm thiểu tình trạng tạm ngừng hoạt động và qua đó tái tạo việc làm cho người lao động.

Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, có 3 nguồn để cung cấp lao động cho các DN. Nguồn thứ nhất là các lao động đã về quê và sẽ trở lại TP.HCM để tiếp tục làm việc khi được thông báo. Nguồn thứ hai là lực lượng lao động tại TPHCM có nhu cầu tìm việc. Nguồn thứ ba là các học sinh trung cấp nghề, sinh viên cao đẳng nghề ra trường. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM thông tin, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức để kết nối nhu cầu giữa DN và người lao động. Sở cũng chú trọng giới thiệu các ngành nghề được hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”, giúp người lao động nắm bắt thông tin, thuận lợi ứng tuyển.

Thành Đoàn tích cực “tiếp sức người lao động”

Thành Đoàn TPHCM đang đẩy mạnh hoạt động “Tiếp sức người lao động” với chương trình “Combo 3 trong 1: nhà trọ 0 đồng - Test nhanh miễn phí - có việc làm ngay”. Chương trình thực hiện từ ngày 1/10 đến ngày 30/11 với sự tham dự của 63 tỉnh, thành Đoàn trong cả nước. Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM cho hay, có 150 DN tham gia tuyển 10.000 chỉ tiêu.

Bình Dương “đỏ mắt” tìm công nhân

Bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp VSIP (Bình Dương) cho biết, hiện một số DN ở KCN này có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động nhưng không tuyển được.

Chẳng hạn, Công ty Sharp Manufacturing Việt Nam đang cần tuyển 2.000 lao động trong lĩnh vực điện tử; Công ty KURABE Việt Nam cần tuyển 500 lao động sản xuất trong lĩnh vực vật liệu cách điện; Công ty Showa Gloves sản xuất bao tay đang có nhu cầu tuyển 400 lao động. Ngoài ra, nhiều DN khác cũng tuyển dụng thường xuyên với số lượng ít để bù vào các vị trí khuyết do người lao động nghỉ việc. Lý giải về tình trạng không tuyển được lao động, bà Chi cho rằng, trong khoảng thời gian tạm nghỉ, người lao động phải lo cho cuộc sống nên tìm việc khác và về quê tránh dịch vào thời điểm cuối năm nên không muốn quay lại, dẫn đến DN thiếu người làm.

Để thu hút lao động, nhiều DN đều trả lương cao, từ 7 đến 12 triệu đồng/tháng và nhiều ưu đãi khác nhưng vẫn vắng người đến tìm việc. “Trước đây, lương lao động phổ thông ở công ty tôi khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nay chúng tôi tăng lên 8 triệu đồng/tháng và đăng tuyển dụng trên các kênh nhưng cả tuần chỉ được vài người”, ông Trần Văn Công - Giám đốc Công ty Minh Quân nói.

Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương cho biết, ước tính DN trên địa bàn tỉnh này đang cần khoảng 50.000 lao động để đáp ứng nhu cầu tái sản xuất.

Hương Chi

Đồng Nai- công trình xây dựng giậm chân tại chỗ

Đã hơn 2 tuần nay từ khi tỉnh Đồng Nai bỏ giãn cách xã hội, ông Nguyễn Xuân Thống- Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Như Tân (TP Biên Hòa) tập trung thợ trở lại để tiếp tục thi công các công trình đang dở dang.

Ông Thống cho hay, một số công trình mà doanh nghiệp này nhận thầu đều phải hoàn thành trong năm nay nên phải dồn nhân lực để thi công. Thế nhưng, ngoài số nhân công cơ hữu, hiện ông không thể tuyển dụng thêm được thợ xây, thợ phụ để đẩy nhanh tiến độ công trình.

Ông Lê Hoàng, chủ thầu xây dựng các công trình dân dụng cũng khởi động lại 3 công trình nhà ở dở dang. Ông kêu gọi tìm thợ khắp nơi, nhưng chỉ được 10 người gồm cả thợ chính lẫn thợ phụ cho 3 công trình. “Các thợ xây của tôi đa số ở miền Tây, họ đi theo nhóm. Dịch thợ thầy về quê hết nay chưa có ai trở lại. Trong khi đó, chủ nhà thì đốc thúc”, ông Hoàng nói, đồng thời cho hay, hiện ông đang trả công cho thợ chính 500.000 đến 550.000 đồng/ngày, thợ phụ 300 - 350 ngàn đồng/ngày-một mức cao hiếm thấy nhưng vẫn không tìm đủ nhân công.

Nhiều tỉnh phía Nam thiếu lao động trầm trọng ảnh 2

Nhiều công trình xây dựng ở Đồng Nai đang chậm tiến độ vì thiếu lao động. Ảnh: MT

Ông Nguyễn Văn Chao, một cai xây dựng cho hay, từ tháng 7 ông và anh em thợ đã trở về quê ở Đồng Tháp để tránh dịch. Hiện nhóm của ông đang nóng lòng trở lại Đồng Nai nhưng chưa thể đi vì chưa tiêm đủ liều vắc xin. “Chủ thầu đã gọi làm việc, nghỉ lâu ngày ai cũng muốn đi làm kiếm sống nhưng ở đây mới tiêm vắc xin mũi 1 chưa đủ ngày nên không ai đi được”, ông Chao cho hay.

Tình trạng khủng hoảng thiếu lao động cũng đang diễn ra tại các công trình xây dựng đầu tư công. Ông Ngô Thế Ân-Giám đốc BQL dự án tỉnh Đồng Nai xác nhận, hiện các công trình đầu tư công, dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang thiếu hụt nguồn lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các công trình.

Mạnh Thắng

MỚI - NÓNG