Đề xuất bỏ rào cản giờ làm thêm đến hết năm 2024: Tăng ca để cứu sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Công nhân sản xuất tại Công ty Cổ phần TEKCOM. Ảnh: HƯƠNG CHI
Công nhân sản xuất tại Công ty Cổ phần TEKCOM. Ảnh: HƯƠNG CHI
TP - Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội tạm thời không áp dụng khung giờ làm thêm tối đa theo tháng, chỉ giới hạn theo năm. Hầu hết người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) đều mong chờ đề xuất về làm thêm giờ sớm được áp dụng, để họ có thu nhập ổn định cuộc sống, đảm bảo tiến độ đơn hàng.

Bộ LĐ-TB&XH cũng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới hạn số giờ làm thêm trong tháng và năm. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất: Không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng (hiện tại, tối đa 40 giờ/tháng), nhưng không quá 300 giờ/năm (giữ giới hạn trong năm).

Việc tăng giờ làm thêm phải được NLĐ đồng thuận, đảm bảo giờ làm việc và nghỉ ngơi theo quy định. Quy định áp dụng tới hết ngày 31/12/2024 (do dự báo tác động của dịch bệnh có thể kéo dài tới hết năm 2024). Dự thảo trên đã được các bộ, ngành, tổ chức liên quan thống nhất.

Giải trình đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới DN và NLĐ. Nhiều DN phải giảm 50% số lao động (có DN giảm tới 70%); trong khi tăng chi phí cho phòng chống dịch, bố trí “3 tại chỗ”, đặc biệt là các DN dệt may, da giày, chế biến thuỷ, hải sản...

Thực tế, số lao động bị cắt giảm, đơn hàng DN đã ký phải hoàn thành khá nhiều, nên hầu hết DN đều có nhu cầu tổ chức làm thêm giờ nhiều hơn quy định bình thường.

DN cũng muốn tận dụng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt để đẩy mạnh sản xuất, sử dụng NLĐ hiện có bù đắp cho số thiếu hụt do chưa tuyển được. Với NLĐ, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, các chủ sử dụng cũng muốn được thỏa thuận tăng giờ làm thêm để bù cho thời gian ngừng việc, tăng thu nhập. Nếu không được tháo gỡ vướng mắc liên quan tới giờ làm thêm tối đa trong tháng có thể làm chậm đà phục hồi của DN, nền kinh tế và cả thu nhập của NLĐ.

Nới giờ làm mới ổn định cuộc sống

Anh Nguyễn Minh Lợi, công nhân Tổng Công ty May 10 (Hà Nội) chia sẻ, vừa qua khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hà Nội khiến việc làm và thu nhập của anh và nhiều NLĐ bị ảnh hưởng giảm theo. “Nay dịch bệnh đã khả quan hơn, nhịp làm việc dần trở lại bình thường, tôi cũng muốn tranh thủ tăng ca nhiều hơn để bù đắp thu nhập lo cho gia đình”, anh Lợi nói và khẳng định: Nếu được tăng ca nhiều hơn anh sẵn sàng đăng ký.

Anh Trần Văn Công, công nhân Công ty TNHH Stellapharm (Bình Dương) cho biết, hiện nay anh đang làm việc theo ca 8 tiếng với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, có tháng tăng ca, thu nhập gần 10 triệu. Anh Công chia sẻ, không chỉ anh mà các đồng nghiệp làm chung đều có nhu cầu tăng ca để tăng thu nhập, vì nếu làm 8 tiếng/ngày thì không đủ để trang trải cuộc sống, trong khi còn phải nuôi con cái, tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt khác.

“Tôi chấp nhận làm thêm nhiều giờ. Vợ chồng có ý định mua đất, xây nhà ở Bình Dương nên chỉ có tăng giờ làm mới đủ thu nhập để thực hiện kế hoạch an cư”, anh Công nói.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, công nhân Công ty TNHH Phú Xuân (Bình Dương) cho biết thêm, đã làm việc tại công ty hơn 6 năm. Nếu tính lương không tăng ca, mỗi tháng chị nhận được hơn 5 triệu đồng. Trong khi tiền thuê phòng trọ, ăn uống, gửi về nhờ ông bà chăm con đã hết khoản lương. “Để có thêm thu nhập, tôi muốn tăng ca nhưng công ty chỉ cho phép làm thêm 2 - 3 giờ/ngày”, chị Tuyết bày tỏ.

Hai tuần trước, chị Trần Thị Hà công nhân Cty Yupong VN (Đồng Nai) bắt đầu đi làm trở lại sau gần 3 tháng ở nhà do dịch. Chị Hà cho hay, với mức lương hiện nay, mỗi giờ tăng ca chị được thêm 100 ngàn đồng. “Với khoảng 30 giờ tăng ca mỗi tháng, tôi có thêm 3 triệu đồng, cộng với tiền lương thì thu nhập của tôi cũng ổn. Ở công ty, ngoại trừ những người không sắp xếp được việc gia đình, còn lại đều đồng ý tăng ca để có thêm thu nhập”.

Chị Nguyễn Thị Lý, công nhân Cty Pouchen cho hay: “Làm công nhân ai cũng muốn tăng ca để có thêm thu nhập. Những người làm lâu năm lương cao thì lương tăng ca càng cao. Việc tăng ca tại nhà máy đều trên tinh thần tự nguyện”.

Thỏa thuận

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, thực tế cho thấy, có trên 80% NLĐ có nguyện vọng tăng giờ làm. Những người không muốn làm thêm giờ rơi vào trường hợp phải về nhà lo cho con nhỏ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số DN tại 19 tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chiếm tới 48% số DN cả nước. Tính tới hết tháng 7/2021, đã có hơn 79.600 DN rút lui khỏi thị trường. Theo báo cáo nhanh của 19 địa phương, tới giữa tháng 8 vừa qua, đã có khoảng 2,5 triệu lao động phải ngừng việc.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập là tất yếu.

Tuy nhiên, làm thêm giờ không nên là quy định bắt buộc, điều này cần được thể hiện trong các thỏa thuận lao động giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp, đặc biệt là phải có cách tính giờ làm thêm theo thu nhập lũy tiến. Nếu người lao động càng tăng ca nhiều thì tiền lương của họ càng được nâng cao chứ không áp dụng một mức tiền lương chung”.

Ông Lê Văn Danh, Phó Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, từ nay đến cuối năm tăng ca là phù hợp. Bởi đơn hàng sản xuất của DN giai đoạn này nhiều nhất trong năm.

Ngoài ra, DN đang phục hồi do dịch COVID-19, nên cần phải tăng tốc để đáp ứng đơn hàng. Công nhân của các DN đang làm có tay nghề tốt, nếu làm thêm giờ sẽ hiệu quả hơn tuyển công nhân mới, vì thực tế DN cũng đang khó tuyển dụng và tuyển được thì phải đào tạo nghề”.

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn lao động Đồng Nai cho biết, việc tăng giờ làm dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa DN với người lao động và số giờ lao động theo quy định.

Chạy đua đáp ứng đơn hàng

Ông Đinh Sĩ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty Cổ phần Teakwang ViNa (Đồng Nai) cho hay, sau nhiều tháng tạm ngưng hoạt động, lượng đơn hàng tồn đọng rất lớn, trong khi lượng công nhân trở lại nhà máy chưa đầy đủ vì nhiều nguyên do, vậy nên công ty phải triển khai tăng ca mới đáp ứng được lượng đơn hàng cho mùa sản xuất đang tồn đọng rất lớn.

Theo ông Phúc, với ngành sản xuất giày, hiện đang là đợt sản xuất cao điểm để xuất sang thị trường phương Tây phục vụ mùa giáng sinh, Tết dương lịch. Trong khi đó, sau thời gian ngưng sản xuất, đơn hàng tồn đọng nhiều, vì vậy DN rất cần công nhân tăng thời gian sản xuất.

Việc tăng ca cũng là nhu cầu từ 2 phía, DN cần đẩy mạnh sản xuất, còn người lao động cần tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, với 1 giờ làm thêm NLĐ được tăng lương, tiền ăn nhẹ hoặc ăn tối tại công ty.

Ông Huỳnh Văn Chữ, Tổng Giám đốc Công ty CP bao bì và khoáng sản số 1 (Bình Dương) cho hay, rất nhiều công nhân khi đến làm việc câu hỏi đầu tiên họ đưa ra là công ty có cho tăng ca không, nếu không họ rút hồ sơ đi xin việc chỗ khác. Từ nhu cầu, công ty cho công nhân làm thêm giờ theo từng giai đoạn để họ có thêm thu nhập”.

Đối với các DN, việc tăng giờ làm, đặc biệt là ở những ngành dệt may, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử... sẽ giúp bảo đảm tiến độ công việc. Do đó, hiện nay, nhiều DN vẫn cho người lao động tăng ca khi có đơn hàng nhiều và gấp.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động, DN sẽ thỏa thuận với NLĐ để đăng ký làm thêm vào đầu tháng, hoặc đầu tuần. Theo bà Phạm Thị Duyên, Trưởng phòng cấp cao sản xuất Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (Bình Dương), nhu cầu tăng thêm giờ sản xuất xuất phát từ cả chủ DN và NLĐ. Tại nhiều DN, NLĐ chủ động đăng ký tăng ca.

Ông Trần Hoàng Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam, cho biết một tháng công nhân ở đây chỉ được tăng ca khoảng 16 giờ, trong khi NLĐ mong muốn được tăng ca nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, rất khó cho công ty vì luật đưa ra chỉ cho phép tăng ca không quá 200 giờ/năm.

Ngày 14/10, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, đề xuất trên rất phù hợp với thực tế sản xuất trong thời dịch bệnh.

“May 10 và hầu hết DN trong khu vực áp dụng giãn cách xã hội đều bị ảnh hưởng, phải bố trí lại sản xuất, cắt giảm bớt số lao động. Từ nay tới cuối năm, rất nhiều đơn hàng cần hoàn thành, nhưng nguy cơ thiếu lao động đang hiện hữu. NLĐ khi trở lại làm cũng muốn được tăng ca nhiều hơn để bù đắp thu nhập, cùng DN giải quyết đơn hàng.

MỚI - NÓNG