Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương công bố cuối tuần qua cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩ; vải mạnh, vải kỹ thuật khác ước đạt 260 triệu USD, giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Bộ Công Thương, Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại. Cụ thể, bước sang quý III/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều.
Đáng lo ngại chính là việc niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững.
“Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch COVID-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần”, Bộ Công Thuơng cho hay.
Các số liệu báo cáo từ doanh nghiệp dệt may cho thấy, hiện mới có một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.
Về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến ngành dệt may, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cách đây 2 tuần, lãnh đạo tập đoàn cho hay, với tình hình thị trường suy giảm sâu, bất định và khó lường, khó dự đoán, Vinatex đặt mục tiêu vào giữa nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ đạt trở lại mốc kết quả sản xuất kinh doanh bằng năm 2019.
Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019, doanh thu Công ty Mẹ Vinatex đạt 1.397 tỷ đồng; Lợi nhuận 294 tỷ đồng; Doanh thu hợp nhất năm 2019 đạt 20.139 tỷ đồng; Lợi nhuận hợp nhất 2019 đạt 766 tỷ đồng. Do tác động của dịch COVID-19, trong năm 2020, doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 14.641 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 382 tỷ đồng, giảm khoảng 50% so với năm 2019. Doanh thu Công ty Mẹ Tập đoàn ước đạt khoảng 1.328 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế Công ty Mẹ năm 2020 ước đạt 130 tỷ đồng