Lo không đạt chỉ tiêu
Số liệu cập nhật từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, các doanh nghiệp (DN) dệt may xuất khẩu tổng cộng 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam với kim ngạch
7,22 tỷ USD. Xuất khẩu sang các nước thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 2,57 tỷ USD, EU hơn 2,05 tỷ USD.
Theo Tổng Thư ký Vitas, ông Trương Văn Cẩm, tình hình đơn hàng của các DN trong ngành không khả quan như kỳ vọng hồi đầu năm. Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến, số lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều DN lớn như May 10, May Việt Tiến, May Nhà Bè cũng rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. “Tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn trong khi kim ngạch xuất khẩu các phụ liệu dệt may nửa đầu năm 2019 cũng giảm so với cùng kỳ. Vì vậy mục tiêu đạt kim ngạch 40 tỷ USD trong năm 2019 là rất khó khăn”, ông Cẩm cho hay.
Theo ông Cẩm, dệt may gặp khó khăn hơn dự kiến do cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung phần nào tác động đến ngành. Trước đây, bình quân một năm Việt Nam sản xuất 2,2 triệu tấn sợi và xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, phần lớn sang Trung Quốc. Nhưng từ cuối năm 2018, xuất khẩu sợi có hiện tượng bất ổn. Trong các tháng đầu năm 2019, việc tiêu thụ rất khó khăn. Cùng đó, Trung Quốc phá giá đồng tiền khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá cao hơn của Trung Quốc.
Ông Cẩm cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký và có hiệu lực được kỳ vọng tạo bước tăng trưởng đột biến cho ngành. Tuy nhiên, vẫn có độ trễ nhất định và trước mắt các hiệp định CPTPP hay EVFTA chưa hỗ trợ nhiều cho các DN xuất khẩu.
Theo đại diện Vitas, hiệp định EVFTA dù đã ký nhưng chưa có hiệu lực nên hàng dệt may Việt Nam vẫn đang chịu thuế suất bình quân 9,6% tại thị trường EU, trong khi đó nếu chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác có thể được hưởng lợi ngay về giá, nhân công. Chính vì thế chưa thể kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
Trông đợi
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex cho hay: Trong các tháng đầu năm, Vinatex có kim ngạch xuất khẩu 1,32 tỷ USD, đạt 44,5% so với kế hoạch. Đạt được kết quả trên là nhờ DN tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của các FTA, nhằm tăng xuất khẩu vào các thị trường dệt may phi truyền thống. Theo ông Hiếu, Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển ở các thị trường mới như EU, Úc, Canada. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng và ngày càng leo thang, gây khó khăn cho cả chuỗi dệt may toàn cầu nói chung và dệt may Việt Nam nói riêng. Trong đó, ngành sợi của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp.
Để gỡ khó, theo ông Hiếu, các DN trong ngành cần tự nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời áp dụng các biện pháp như: Cắt giảm chi phí đầu vào, chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý chuẩn theo thực trạng của doanh nghiệp. Chỉ khi quản lý sản xuất, quản lý con người theo tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu biến nhà máy sản xuất thông thường thành nhà máy sản xuất thông minh, không để lãng phí bất kỳ nguồn lực nào thì các DN mới có thể tồn tại được trong thị trường đầy biến động hiện nay. “Các bài toán về chi phí, thị trường, đầu tư cần phải được tính toán kỹ lưỡng, đo lường tất cả các kịch bản có thể xảy ra và cần có phương án cụ thể đối với từng kịch bản của thị trường, tránh lúng túng đưa ra giải pháp đối phó”, ông Hiếu nói.
Về cơ hội, thách thức của ngành dệt may trong thời gian tới khi EVFTA có hiệu lực chính thức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, đây sẽ là ngành hàng có lợi nhiều nhất khi chúng ta có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, dệt may sẽ xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 7 năm về 0%. Quy tắc xuất xứ của EVFTA đối với mặt hàng dệt may đơn giản hơn so với CPTPP cũng khiến các DN trong nước có lợi thế khi xuất khẩu vào EU. Cụ thể, các DN có quyền nhập khẩu vải từ Hàn Quốc sản xuất các mặt hàng may mặc để xuất khẩu sang thị trường EU nhằm hưởng ưu đãi về thuế quan. Tất cả các quốc gia sẽ ký FTA với EU trong tương lai cũng sẽ được tính cộng gộp theo phương thức này.
Trước thực tế doanh nghiệp dệt may kêu một số địa phương cản trở họ chủ động về nguyên liệu..., Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương làm việc với các địa phương để xử lý, gỡ vướng cho doanh nghiệp ngành này.