Ngày 9/10, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế Một thập kỷ phát triển doanh nghiệp xã hội Việt Nam và châu Á với chủ đề “Hợp lực tạo tác động”.
Hơn 200 đại biểu bao gồm đại diện các cơ quan ban ngành, cơ quan ngoại giao, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các học giả và doanh nghiệp xã hội đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng 10 diễn giả trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội đến từ 7 quốc gia: Anh, Hàn Quốc, Ireland, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines tham gia thảo luận về thực trạng và triển vọng phát triển doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam và khu vực châu Á.
Những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ sinh thái và các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp xã hội tại các quốc gia cũng được các bạn bè quốc tế chia sẻ nhằm thúc đẩy hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam và khu vực.
Bên cạnh đó, 12 doanh nghiệp xã hội Việt Nam tiêu biểu cũng tham gia thảo luận về vai trò và đóng góp của doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp và thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống và cơ hội việc làm cho người yếu thế và công nghệ cho phát triển.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT CSIP cho biết, trong những năm qua, hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Từ việc khái niệm doanh nghiệp xã hội chưa được biết tới vào trước năm 2008, đến nay doanh nghiệp xã hội đã phát triển đa dạng, có sức ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Hoạt động ươm tạo và hỗ trợ các DNXH cũng đạt được những kết quả nhất định. Nghiên cứu gần đây cho thấy, ước tính số lượng doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội đang chiếm khoảng 4% khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Hiện có hơn 20 tổ chức, đơn vị có chương trình ươm tạo, tăng tốc phát triển hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và sáng kiến kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam, góp phần tạo nên một hệ sinh thái năng động và đa dạng, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của DNXH.
Không chỉ dừng lại ở số lượng doanh nghiệp xã hội được khởi tạo, tinh thần doanh nhân xã hội đã bắt đầu lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, khái niệm khởi nghiệp vì cộng đồng, khởi nghiệp xã hội hay kinh doanh tạo tác động đã trở thành những từ khóa được các bạn trẻ tìm kiếm, các doanh nghiệp tư nhân tìm hiểu, áp dụng và các nhà đầu tư quan tâm.
Đông đảo các nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhà đầu tư thiện doanh và các doanh nhân đã gia nhập thị trường đầu tư xã hội. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp xã hội được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học, sự xuất hiện của nhiều nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội và kinh doanh tạo tác động xã hội cũng cho thấy doanh nghiệp xã hội đã không chỉ dừng lại ở phong trào, mà trở thành một cộng đồng tạo tác động đáng kể tới nhiều mặt của đời sống xã hội.
Cùng với số lượng DNXH được khởi tạo, tinh thần doanh nhân xã hội đã bắt đầu lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đông đảo các nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhà đầu tư thiện doanh và các doanh nhân đã gia nhập thị trường đầu tư xã hội. Việc DNXH được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học, sự xuất hiện của nhiều nghiên cứu về DNXH và kinh doanh tạo tác động xã hội cũng cho thấy DNXH không chỉ dừng lại ở phong trào mà đã trở thành một cộng đồng tạo tác động đáng kể tới nhiều mặt của đời sống xã hội.
Trong 10 năm qua, CSIP cùng các đối tác đã ươm tạo gần 200 doanh nghiệp và doanh nhân xã hội. Số doanh nghiệp này đã giúp tạo việc làm cho hơn 100.000 người và cải thiện sinh kế của hơn 600.000 người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Lao động thu nhập thấp ở các lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp, giáo dục, môi trường, sức khỏe và công nghệ.
Bà Phạm Kiều Oanh, Sáng lập - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết: “Thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để DNXH có thể phát huy hết tiềm năng của mình trong khi hệ sinh thái hỗ trợ còn khá mỏng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều cơ hội cả về chính sách quốc gia, sự thay đổi trong nhận thức xã hội và việc ngày càng có thêm nhiều cá nhân và tổ chức muốn đóng góp nguồn lực cho việc nuôi dưỡng và hỗ trợ sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng”.