Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đề xuất loạt chính sách để phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các doanh nghiệp, đến nay nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn đang loay hoay giải bài toán thiếu nguồn lực, phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu, năng lực cạnh tranh và đặc biệt là năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao. Vì vậy, rất cần có thêm các chính sách để doanh nghiệp thực sự bứt phá.

Hỗ trợ vốn để tạo lực cho doanh nghiệp

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính, tài sản. Do vậy, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp khó vay vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.

Điều này có thể lý giải là do doanh nghiệp đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả nợ hết các khoản đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn trước đó. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên đối với doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ vô cùng khó khăn.

“Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp hội HANSIBA cũng đã tổ chức nhiều chương trình kết nối với doanh nghiệp, Hiệp hội, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, ngân hàng nước ngoài đến với Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc)… để cùng hợp tác thời gian qua” - ông Vân chia sẻ.

Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết cho rằng, nửa đầu năm 2023 là giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp khi nhu cầu trên thế giới sụt giảm khiến cho doanh nghiệp đình trệ sản xuất, trong khi vẫn phải trả các khoản lãi vay, trả lương lao động. Đây là thời điểm các nguồn lực của doanh nghiệp dần cạn, không có đơn hàng, hoặc bị đối tác chậm trả tiền…

Theo ông Kết, đến nay, các đơn hàng đã quay trở lại, doanh nghiệp muốn vay vốn để tăng sản xuất nhưng lại gặp khó khăn vì thiếu tài sản đảm bảo, các quy định của ngân hàng cũng chặt chẽ mà doanh nghiệp chưa thể đáp ứng.

“Ở góc độ doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng nên tái cấu trúc hoạt động để phù hợp với bối cảnh thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn phía ngân hàng đưa ra cũng như cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài. Doanh nghiệp cũng rất mong muốn được kết nối thêm, hỗ trợ về đầu ra sản phẩm để có nguồn thu trả nợ ngân hàng và làm cơ sở vay vốn”, ông Kết đề xuất.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đề xuất loạt chính sách để phát triển ảnh 1

Các doanh nghiệp cho rằng, việc linh hoạt về chính sách, tăng khả năng tiếp cận vốn sẽ giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển tốt hơn. Ảnh: Như Ý

Cần cơ chế linh hoạt về chính sách

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Lilama cho rằng, lâu nay người ta muốn tách bạch khái niệm về công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Thực ra chúng ta doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ thực chất chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho nên muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển thì phải thúc đẩy cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đó. Như trường hợp của Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản, dù Nhật Bản có rất nhiều tập đoàn lớn nhưng giữa và dưới các tập đoàn này là rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp dạng gia đình siêu nhỏ chỉ có mấy chiếc máy. Dù siêu nhỏ nhưng các doanh nghiệp này lại hoạt động rất quy mô và được hiện đại hóa. Cho nên, muốn thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ thì lại phải có một hệ thống luật pháp, cơ chế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Khi đó, công nghiệp hỗ trợ phát triển tự khắc phát triển.

“Công nghiệp hỗ trợ nhiều lúc nó không cần đến những diện tích đất quá lớn, các khu công nghiệp là doanh nghiệp lớn mới chịu nổi chi phí thuê đất. Ở các nước, khi muốn thúc đẩy nhóm doanh nghiệp này, người ta dành diện tích đất rộng, thậm chí miễn phí dịch vụ sử dụng đất thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước”, ông Tuấn nói.

Dẫn việc cơ chế chính sách đang áp dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Malaysia, Singapore, đại diện Lilama cho rằng, chính sách của các nước khá linh hoạt. Thậm chí rất nhiều các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ người ta đặt máy móc trong các khu nhà cao tầng, không cần tập trung vào các khu công nghiệp như ở ta đang làm. Còn ở Việt Nam, khi doanh nghiệp đặt máy móc gồm vài máy tiện, mấy cái máy phay, máy khoan chế tạo để làm các chi tiết máy ngay lập tức sẽ bị kiểm tra về việc gây tiếng ồn, ô nhiễm. Những rào cản này vô hình dung khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không tận dụng được đất đai để phát triển.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Do vậy, quy mô về vốn, năng lực tài chính, tài sản, trình độ quản trị còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa có báo cáo tài chính, kiểm toán đạt chuẩn, các chứng từ kế toán không đáp ứng theo quy định của ngân hàng nên đã gặp khó khăn trong vay vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp làm ăn bài bản, minh bạch và chuyên nghiệp nhưng lại gặp khó khăn do sản xuất kinh doanh bị đình trệ vì nhu cầu sụt giảm, đơn hàng giảm sút, nguồn vốn cạn kiệt. Do vậy, việc tiếp vốn cho họ được xem là rất quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phục hồi. Các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thay vì bất động sản, ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng nguyên, vật liệu, hoặc các hợp đồng kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.

MỚI - NÓNG