Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn nhiều điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mặc dù có nhiều khởi sắc trong thời gian qua nhưng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở nước ta vẫn còn những điểm nghẽn, các doanh nghiệp chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

Ngày 12/9, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội chợ triển lãm Công nghệ hỗ trợ và chế biến chế tạo năm 2023.

Quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực còn hạn chế

Trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Công nghiệp hỗ trợ có nhiều khởi sắc, góp phần cải thiện năng lực tự chủ sản xuất của các ngành công nghiệp nội địa.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn nhiều điểm nghẽn ảnh 1

Dù có nhiều khởi sắc nhưng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở nước ta vẫn còn nhiều điểm nghẽn, chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều điểm nghẽn then chốt như: Nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, trình độ của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp so với yêu cầu; Phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài...

“Các doanh nghiệp chưa hình thành được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong nước, đa số cũng chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu”, ông Tuấn nói.

Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam - thông tin: Công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 16% GDP, thấp hơn so với các quốc gia khác (như Thái Lan là 26%, Trung Quốc là 36%).

Năm 2022, cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với giá trị đóng góp là 11% tổng doanh thu ngành chế biến, chế tạo.

“Xét về quy mô, 88% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước có năng lực khá tốt, có thể đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, đa phần trình độ chỉ ở mức trung bình, có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất”, ông Hào cho hay.

Hoàn thiện chính sách, phát triển chuỗi giá trị

Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp; Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và cơ cấu lại công nghiệp.

Theo Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam, để đạt được mục tiêu trên cần có cách tiếp cận công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi giá trị, mở rộng phạm vi để tạo giá trị gia tăng cao thay vì tiếp cận theo chuỗi cung ứng như hiện nay.

“Cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế; Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực doanh nghiệp”, ông Hào nói.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn nhiều điểm nghẽn ảnh 2

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Hội thảo.

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, một trong những giải pháp để thúc đẩy công nghệ hỗ trợ đó là hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Tại Hội chợ, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP Đà Nẵng và Samsung Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp ở khu vực miền Trung.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của khu vực được hỗ trợ, nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp. Chương trình tư vấn kéo dài trong 12 tuần, gồm đào tạo lý thuyết và tư vấn trực tiếp, giúp các doanh nghiệp cải tiến hiện trường, tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó, thiết lập nhà máy thông minh.

MỚI - NÓNG