Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Phó Thủ tướng về dự thảo sửa đổi Nghị định 111 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi đi kèm.

Trong Tờ trình số 5152 gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất, Bộ Công Thương cho biết, đã có các cuộc họp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bàn về vấn vấn đề sửa đổi nghị định.

Liên quan đến việc đánh giá tác động của việc áp dụng chính sách Thuế Tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, có hiệu lực vào quý I/2024, theo Bộ Công Thương, loại thuế này chỉ áp dụng với các doanh nghiệp thành viên của các tập đoàn đa quốc gia và áp dụng khi công ty mẹ có doanh thu hàng năm hơn 750 triệu euro (khoảng 18.000 tỷ đồng).

“Theo rà soát của Tổng cục Thuế, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có công ty mẹ thuộc diện áp dụng chính sách Thuế Tối thiểu toàn cầu. Báo cáo của 60/63 Cục thuế cho thấy, có 72 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của chính sách Thuế Tối thiểu toàn cầu, trong đó có 13 doanh nghiệp Hàn Quốc, 18 doanh nghiệp Nhật Bản”, Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương cũng cho biết, số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, bao gồm doanh nghiệp trong nước và FDI. Từ năm 2016 đến tháng 5/2023, Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Theo Nghị định số 115 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Qua rà soát sơ bộ, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự thảo sửa đổi Nghị định 111 là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc có công ty mẹ không thuộc đối tượng áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu.

Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ được hỗ trợ cấp bù lãi suất, hỗ trợ tiếp cận vốn vay. Ảnh: Như Ý

Theo Bộ Công Thương, Dự thảo sửa đổi Nghị định 111 cũng bổ sung, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đáng chú ý, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để thực hiện đầu tư dự án. Ngân sách địa phương cũng sẽ hỗ trợ lãi vay với các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện đầu tư, gắn với đó các chính sách hỗ trợ môi trường, đất đai.

“Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển nhà máy thông minh vào quy trình sản xuất, hệ thống quản trị nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ tư vấn pháp lý”, Bộ Công Thương cho hay.

Điểm đáng chú ý theo dự thảo, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam để các doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất là 3%/năm. Với chính sách này, mỗi dự án được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng một lần trong cùng một giai đoạn nếu dự án đó chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng khác từ ngân sách nhà nước.

Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay nhưng tối đa không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Theo dự thảo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm có ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.

Ngoài ra là các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao như các loại khuôn mẫu, chi tiết, cụm chi tiết cơ khí có tiêu chuẩn chất lượng cao dùng cho thiết bị điện tử, cơ điện tử, cơ vi điện tử, điện tử y tế, robot công nghiệp, các loại linh kiện điện tử, quang điện tử, vi mạch điện tử, cụm linh kiện, chi tiết nhựa chất lượng cao, các vật liệu tiên tiến thế hệ mới...

Thêm vào đó là danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong nước đã sản xuất được trước ngày 1/1/2015 trong các ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo. Những thay đổi của chính sách này được nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Cần hỗ trợ về vốn và cơ chế để tạo sức bật cho doanh nghiệp

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho rằng, Khó khăn hiện nay, và cũng là khó khăn đầu tiên mà các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt gặp phải là vấn đề về nguồn vốn, không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn.

Vì vậy, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh áp dụng thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo quy định Nghị định 111 của Chính phủ, đặc biệt đối với một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy, những ngành hàng kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ USD mỗi năm nhưng hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng. Theo đó, Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất, tối đa 5%/năm, đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển....

Theo bà Xuân, bên cạnh hỗ trợ chính sách về vốn, nhà nước cần hỗ trợ ngành hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho các ngành. Tại các khu công nghiệp này phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Cùng đó, Chính phủ cần tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp có công nghệ xử lý nước thải tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp da giày và thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp FDI.

MỚI - NÓNG