Khi cơ quan quản lý làm ' bà đỡ' cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ, theo đại diện các sở công thương, cần có các chính sách ưu đãi được xây dựng rõ ràng và chiến lược thu hút đầu tư bài bản đi kèm với việc lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc gia để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp cũng như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Dồn sức cho 3 lĩnh vực trọng điểm

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư; kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất…

Theo bà Lan, thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm, các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực. Những năm qua, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng, điện - điện tử; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày.

Trong đó, cơ khí chế tạo và linh kiện, phụ tùng là nhóm doanh nghiệp chủ chốt được tập trung đầu tư nhiều nhằm hướng đến cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên.

Cũng theo bà Lan, thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Để từng bước đạt được mục tiêu đề ra, theo bà Lan, thành phố cũng đưa ra 6 giải pháp thực hiện như: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm;...

Khi cơ quan quản lý làm ' bà đỡ' cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

Hà Nội sẽ thực hiện 6 nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ảnh: Như Ý

Cùng đó, thành phố cũng duy trì tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ nhằm kết nối các doanh nghiệp của địa phương và các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia các chương trình hội chợ, kết nối giao thương, thành phố hỗ trợ 150 triệu đồng/đơn vị đồng thời hỗ trợ tối đa tới 50% chi phí đầu tư cho dự án đổi mới công nghệ. Bên cạnh các giải pháp về tài chính, việc đầu tư hạ tầng, hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp chuyên biệt để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, hiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ chưa được hoàn thiện, nhất là các chính sách tín dụng, quy chế thực hiện, đặc biệt là vấn đề thiếu nhân lực quản lý nhà nước về công nghiệp,…

Đề xuất lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc gia

Theo Sở Công Thương Thái Nguyên, từ năm 2015 thành phố đã bắt đầu xây dựng đề án thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thực sự phát triển do chưa được luật hóa, công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt là trong khâu quản lý và liên kết vùng còn hạn chế.

Một trong những điểm yếu đã được nhận diện trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn chính là công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp còn phân tán trong khi phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa dẫn đến bị hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Vì vậy, việc Bộ Công Thương sớm hoàn thiện Luật Phát triển công nghiệp và thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc gia, tập trung phát triển quỹ đất công nghiệp, nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung-cầu...sẽ là những giải pháp giúp công nghiệp hỗ trợ cất cánh, các doanh nghiệp tham gia được sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tại Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực nhiều năm qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và các cấp. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 23 về định hướng phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%. Nghị quyết 115 của Chính phủ cũng nêu rõ công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Vai trò của các địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như ban hành các chính sách, phân bổ nguồn lực để phát triển kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Với những thế mạnh sẵn có, các địa phương hiện còn nhiều dư địa cũng như cách làm riêng để thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư và cùng phát triển, mở rộng mạng lưới các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, về lâu dài, sẽ tiếp tục tư vấn Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ các địa phương hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong nước.

Bộ Công Thương sẽ tham gia cùng các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp hình thành các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành với sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt và hình thành các dịch vụ cho các khu, cụm công nghiệp đó để phát triển hệ sinh thái hoàn chỉnh, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với những chính sách ưu đãi cụ thể đi kèm.

MỚI - NÓNG